Bộ Nông nghiệp nói về dự án hồ chứa nước Ia Mơr

(PLO)- Về những khó khăn, vướng mắc của dự án hồ chứa nước Ia Mơr, Bộ NN&PTNT và tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thiện sớm hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, dư luận xã hội, đặc biệt là người dân ở hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk rất quan tâm tới dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr. Đây là công trình thủy lợi lớn, được xây dựng với mục tiêu bảo đảm an ninh - quốc phòng, ổn định đời sống của dân cư khu vực biên giới (giáp Campuchia). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp một số hạn chế, vướng mắc dẫn đến chưa phát huy tối đa nhiệm vụ đặt ra của dự án.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT), về vấn đề này.

Nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ

. Phóng viên: Ông có thể thông tin ngắn gọn về dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr?

+ Ông Nguyễn Hải Thanh: Giai đoạn 1995-1998, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đầu tư xây dựng dự án tại địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Đây là dự án rất quan trọng với nhiệm vụ ổn định dân cư khu vực biên giới Campuchia, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Việc xây dựng dự án này cũng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước ở khu vực Tây Nguyên. Hiện năng lực tưới của công trình phục vụ cho nông nghiệp ở Tây Nguyên mới đạt trung bình 26%-28%.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 1998, cho phép thực hiện đầu tư năm 2005.

Về phân giao nhiệm vụ, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư, quản lý vốn và tổ chức thực hiện Hợp phần xây dựng (hồ chứa, hệ thống kênh chính và kênh cấp 1). UBND các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk quản lý vốn và tổ chức thực hiện Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư trên địa bàn và đầu tư hệ thống kênh cấp dưới.

. Vì sao việc chuyển đổi hơn 4.700 ha rừng ở Gia Lai để làm khu tưới lại bị chậm tiến độ? Bộ NN&PTNT có trách nhiệm thế nào, thưa ông?

+ Việc chuyển mục đích sử dụng rừng (4.757 ha rừng) để làm khu tưới trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị chậm tiến độ là do dự án thiếu vốn, bị gián đoạn đầu tư, giãn tiến độ hoàn thành sau năm 2015. Cạnh đó là việc thay đổi chính sách pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có thay đổi về thủ tục và thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng.

Nguyên nhân nữa, đây là nhiệm vụ của địa phương và bộ đã có hướng dẫn, phối hợp nhưng thiếu quyết liệt trong đôn đốc, kiểm tra…

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh “Gia Lai: Dân khát dưới công trình đại thủy nông 3.000 tỉ”. Theo đó, hồ chứa thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành hơn năm năm nhưng chưa có vùng tưới. Trong khi đó, đất đai ở vùng hạ du gần đó đang “khát nước”, nhiều ruộng đồng nứt toác do khô hạn.

Sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ

. Đến nay, việc chuyển đổi hơn 4.700 ha rừng ở Gia Lai để làm vùng tưới theo yêu cầu nhiệm vụ của dự án được thực hiện đến đâu rồi, thưa ông?

+ Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư công trình hồ chứa nước Ia Mơr, tỉnh Gia Lai đang hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng còn lại, trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.

Mặt khác, Bộ NN&PTNT đã làm việc với hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu thêm phương án đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn nước hồ Ia Mơr và hạn chế tối đa việc phải chuyển mục đích sử dụng rừng.

Theo đó, phương án này sẽ ưu tiên cấp nước tối đa cho diện tích đất canh tác chưa được tưới khu vực thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Còn lại cấp nước cho khoảng 3.500-6.000 ha thuộc khu tưới trên địa bàn huyện Ea Súp, Đắk Lắk - nơi người dân đang sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có công trình tưới.

Với phương án 2, kinh phí rẻ hơn rất nhiều so với tiếp tục thực hiện theo kế hoạch dự án ban đầu. Chúng tôi tính sơ bộ, nếu chuyển cấp nước cho tỉnh Đắk Lắk thì chỉ cần khoảng 700 tỉ đồng nhưng nếu chuyển hơn 4.700 ha rừng và trồng rừng thay thế thì đã mất 1.200 tỉ đồng.

Những vấn đề trên, Bộ NN&PTNT và tỉnh Gia Lai đã có báo cáo trực tiếp và bằng văn bản cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Bộ NN&PTNT và tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thiện sớm hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua.

. Xin cám ơn ông.•

Tổng diện tích dự án đã tưới được 7.170 ha

. Phóng viên: Thưa ông, cụ thể đến nay dự án đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Nguyễn Hải Thanh.

Ông Nguyễn Hải Thanh.

+ Ông Nguyễn Hải Thanh: Năm 2005, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án đầu tư gồm: Hồ chứa nước Ia Mơr 178 triệu m3, hồ Pleipai 20,9 triệu m3, đập dâng Ia Lốp và các hệ thống kênh để cấp nước tưới cho 14.347 ha đất canh tác. Trong đó, tỉnh Gia Lai 10.347 ha, tỉnh Đắk Lắk 4.000 ha.

Dự án được khởi công năm 2007 nhưng vì một số lý do nên phải giãn tiến độ đến sau năm 2015. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép phân kỳ đầu tư, vốn đã bố trí đến nay là 2.452 tỉ đồng.

Hiện dự án đã xây dựng hoàn thành hồ Ia Mơr tạo kho nước 178 triệu m3, hồ Pleipai 20,9 triệu m3, đập dâng Ia Lốp; hoàn thành xây dựng hệ thống kênh chính, kênh đông, kênh tây. Tổng diện tích đã tưới được 7.170 ha (địa bàn tỉnh Gia Lai 3.170 ha, tỉnh Đắk Lắk 4.000 ha). Do vậy, thông tin phản ánh rằng cả công trình lớn như vậy nhưng không có vùng tưới, không tưới được hecta nào là không đúng.

Trong giai đoạn 2021-2025, bộ đang tổ chức lập hồ sơ dự án xây dựng các kênh nhánh tiếp nối hệ thống kênh chính đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh Gia Lai để phục vụ tưới 2.279 ha đất nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm