Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành gỡ khó cho tỉnh Gia Lai

(PLO)-Từ những vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Gia Lai, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng vào cuộc giải quyết sớm, nổi bật là các đề nghị làm đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn, chuyển đổi hơn 4.700 ha đất rừng thủy lợi Ia Mơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của chính phủ có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai và các sở ngành địa phương của tỉnh. Tại buổi làm việc, Thủ tướng bày tỏ: “Gia Lai là vùng đất rất tiềm năng, tôi rất ấn tượng. Trong đó, có ba trụ cột chính với nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ rộng lớn; nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và truyền thống lịch sử, văn hóa có bề dày, là yếu tố hàng đầu phát triển nhanh, bền vững”.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành và tỉnh Gia Lai trong buổi làm việc phải trao đổi thẳng thắn, nội dung cần có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả cao. Các bộ, ngành cũng cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ cho địa phương.

Đề nghị xây dựng cao tốc Pleiku – Quy Nhơn

Trong buổi làm việc, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết triển khai bốn chương trình trọng tâm: Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng nhân lực; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; thu hút các nguồn lực đầu tư và phát triển lâm nghiệp, nâng cao độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỉnh Gia Lai đề nghị xây dựng tuyến đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.

Tỉnh Gia Lai đề nghị xây dựng tuyến đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn.

Năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,71%, tỉ lệ hộ nghèo giảm 3,9%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 49.602 tỉ đồng. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai thu hút đầu tư 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỉ đồng, tăng gấp năm lần so với giai đoạn trước. Năm 2021, tổng vốn đầu tư hơn 70.000 tỉ đồng.

Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo. Công tác đối ngoại, duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Gia Lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành gấp rút tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh Gia Lai.

Theo ông Hồ Văn Niên, mặc dù kết cấu hạ tầng của tỉnh đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn chế.

“Từ nhu cầu thực tế, tỉnh Gia Lai xin đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn giai đoạn 2026 - 2030”, ông Niên nói.

Trước đó, từ năm 2020, tuyến cao tốc Pleiku – Quy Nhơn đã được ba tỉnh Gia Lai, Bình Định, Kon Tum ký kết tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho xây dựng. Tuyến cao tốc dài khoảng 160 km, sẽ kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Trả lời đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai cho rằng đề nghị của địa phương là hợp lý, có tuyến đường cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do nguồn vốn phân bổ lớn nên cần có sự bàn bạc, làm việc với các bộ ngành liên quan để có giải pháp hợp lý. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc này đưa vào triển khai sau năm 2030.

Tháo gỡ hai điểm nghẽn kéo dài nhiều năm

Cũng tại buổi làm việc, Bí thư TỈnh uỷ Gia Lai, ông Hồ Văn Niên nêu hai vấn đề lớn trở thành “điểm nghẽn” kéo dài rất nhiều năm của tỉnh. Đó là chuyển đổi 4.757 ha rừng tự nhiên vùng hạ du đập thủy lợi Ia Mơ và chuyển đổi mục đích sử dụng hàng ngàn ha đất cao su chết, kém phát triển (thuộc dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng đã triển khai trồng cao su). Do đó ông Niên đề nghị Trung ương, Chính phủ cho phép chuyển đổi, để thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng dự án.

Đối với công trình thủy lợi Ia Mơ (phê duyệt từ năm 2005), huyện Chư Prông: Theo thiết kế, có vùng tưới 12.500 ha, riêng địa bàn tỉnh Gia Lai 8.500 ha. Tuy nhiên, qua thời gian dài thực hiện, nhiều Bộ luật, Nghị định và các chính sách thay đổi. Do vậy, đến nay có hơn 4.757 ha đất vẫn là rừng tự nhiên, chưa thể dùng cho nông nghiệp. Năm 2017 tích nước nhưng nay vẫn chưa có vùng tưới.

Công trình thủy lợi Ia Mơ, huyện Chư Prông đã khởi công cách đây 17 năm nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong vùng tưới vì liên quan đến hàng ngàn ha rừng chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp.

Công trình thủy lợi Ia Mơ, huyện Chư Prông đã khởi công cách đây 17 năm nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong vùng tưới vì liên quan đến hàng ngàn ha rừng chưa được chuyển đổi sang đất nông nghiệp.

Đối với cao su chết, từ năm 2008-2011, thực hiện kế hoạch chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ, các doanh nghiệp đã khai hoang và trồng được hơn 25.000 ha cao su. Sau triển khai, nhiều diện tích cao su này có hiện tượng chết và kém phát triển. Đến nay, đã có 12.039 ha đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho phép chuyển đổi mục đích; diện tích cao su còn lại tiếp tục chết và kém phát triển cần chuyển đổi cây trồng.

Trả lời hai vấn đề ông Niên đã nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Lê Minh Hoan nhìn nhận có việc chậm trễ chuyển đổi đất rừng tại công trình thủy lợi Ia Mơ. "Bộ thừa nhận không thoái thác trách nhiệm, sự chậm trễ này một phần ảnh hưởng kinh tế địa phương. Tới đây, Bộ sẽ xây dựng đề án trình Chính phủ xem xét và thành lập đoàn công tác vào Gia Lai giải quyết vấn đề này", ông Hoan nói.

Đối với diện tích cao su chết, cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết việc chuyển đổi mục đích cần phải cân nhắc kỹ. Riêng đối với cao su đã chết thì nên chuyển đổi để mang lại hiệu quả kinh tế.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Gia Lai đã nỗ lực, đạt thành tựu ấn tượng. Đồng thời, nhắn nhủ Gia Lai cần tự tin, tận dụng tối đa lợi thế để biến thành nguồn lực địa phương

“Gia Lai cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo thế mạnh, tạo ra cơ chế chính sách mới để tạo nội lực phát triển. Tăng cường phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch. Đồng thời đẩy mạnh tiến độ giải ngân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh cũng cần quan tâm hơn đến xóa đói, giảm nghèo”, Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng nhận thấy, Gia Lai còn nhiều vấn đề cần trăn trở, như: Phát triển chưa ngang bằng với tiềm năng; thiếu đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; đầu tư cần tập trung, tránh dàn trải.

Với đề nghị làm đường cao tốc Pleiku – Quy Nhơn của tỉnh Gia Lai, Thủ tướng giao cho địa phương nghiên cứu đầu tư bằng hình thức kết hợp công tư, chủ động nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng. Trung ương sẽ tiếp tục kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư hỗ trợ, làm sớm nhất có thể để “đưa biển” về với Gia Lai.

Còn vấn đề chuyển đổi rừng vùng dự án thủy lợi Ia Mơ và chuyển đổi mục đích rừng cao su chết sang cây trồng khác, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT xem xét, có đề xuất hợp lý để thực hiện sớm, tránh lãng phí. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết, vấn đề nào thuộc Quốc hội thì Quốc hội sẽ giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm