Thủ tướng chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Gia Lai

(PLO)-Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có trách nhiệm và đồng hành, hỗ trợ Gia Lai phát triển. Tuyệt đối không được hạch sách, tiêu cực, tránh tình trạng “bắt địa phương chạy lên, chạy xuống vẫn giải quyết không xong”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-5, tại TP Pleiku đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai (1932-2022). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Gia Lai; đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai. Ảnh: LK.

Quang cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai. Ảnh: LK.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết tỉnh Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 15.000 km2, lớn nhất khu vực và lớn thứ 2 cả nước; Đây là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và 44 dân tộc anh em cùng chung sống, tạo nên nền văn hoá giàu bản sắc mang đậm dấu ấn của người Tây Nguyên.

Với vị thế là cửa ngõ của khu vực, tỉnh Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam bộ.

Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp - thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào ba lĩnh vực thế mạnh: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tiếp đón Thủ tướng cùng đoàn công tác đến hội nghị xúc tiến đầu tư chiều nay tại TP Pleiku. Ảnh: VD.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai tiếp đón Thủ tướng cùng đoàn công tác đến hội nghị xúc tiến đầu tư chiều nay tại TP Pleiku. Ảnh: VD.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhận định: “Gia Lai có quá nhiều dư địa: Có quỹ đất rộng lớn; giàu nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản; tiềm năng du lịch; năng lượng tái tạo... là cơ hội cho các nhà đầu tư”.

Theo TS Lịch, từ những tiềm năng, lợi thế và dư địa này, Gia Lai nên phát triển bốn trụ cột tăng trưởng về công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng trung tâm logictics, phát triển trung tâm kinh tế đô thị. Để làm được những điều đó, Gia Lai cần thực hiện một số thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết vùng.

“Muốn phát triển thì bắt đầu từ hệ thống chính trị, lãnh đạo phải có khát vọng phát triển. Mặt khác, các địa phương cần có “sếu đầu đàn”, nếu không có hình mẫu thì cũng khó phát triển được. Đối với Gia Lai, trước mắt phải xây dựng liên kết vùng ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk dựa trên ba trục giao thông; xây dựng hệ thống cao tốc nối cửa khẩu Lệ Thanh đi cảng Quy Nhơn”, TS Lịch nói.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng mong muốn Gia Lai tiếp tục cải cách hành chính, tạo cơ chế thuận lợi để hút đầu tư vào các thế mạnh của địa phương. Vừa qua, chỉ số cạnh tranh của Gia Lai mặc dù đã được cải thiện nhưng các nhà đầu tư mong muốn địa phương có những cơ chế mở, tạo mặt bằng thông thoáng hơn trong các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành đồng hành, hỗ trợ Gia Lai. Tránh nhũng nhiễu, gây khó dễ. Ảnh: LK.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành đồng hành, hỗ trợ Gia Lai. Tránh nhũng nhiễu, gây khó dễ. Ảnh: LK.

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai chia sẻ: “Vừa qua, môi trường đầu tư của tỉnh không ngừng được cải thiện tích cực, chỉ số PCI năm 2021 tăng 12 bậc, đứng thứ 26 trên 63 tỉnh thành trong cả nước. Gia Lai đang sẵn sàng đón chào các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nhiều cơ hội lớn cùng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng”.

Ông Niên phấn khởi cho hay, qua hội nghị này, đã có 20 dự án được trao chấp thuận chủ trương đầu tư, 25 dự án ký biên bản ghi nhớ với tổng số vốn đăng ký là hơn 4,2 tỷ USD. Là minh chứng sống động nhất cho những nỗ lực, sự tự tin, môi trường đầu tư và những tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Khẳng định sự tin tưởng, tín nhiệm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với Gia Lai, hứa hẹn cơ hội phục hồi, phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cuối hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu mà Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua, nhất là cải thiện chỉ số cạnh tranh, thu hút đầu tư. Gia Lai có đất đỏ bazan màu mỡ thuận lợi phát triển cây công nghiệp và hệ thống đường giao thông khá đầy đủ, có truyền thống lịch sử, không gian văn hóa cồng chiêng… là vùng đất giàu tiềm năng. Cùng với phát triển kinh tế, cần phải bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa bản địa.

Để phát huy thế mạnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai cần phải có bước quy hoạch tạo đột phá, tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng (giao thông, kinh tế, văn hóa xã hội…). Làm phải tập trung, tránh manh mún, phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó là tiếp tục cải cách hành chính. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ cao, phát triển công nghệ số. Chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng xanh.

Đối với các nhà đầu tư, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư tập trung khai thác thế mạnh Gia Lai. Nghiên cứu vùng đất, đầu tư có tâm huyết để tạo nên sự chuyển biến, phát triển theo chiều sâu, lâu dài. Từ đó, biến những cái khó thành dễ, cái không thể thành có thể.

Đặc biệt, đối với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, ngành phải có trách nhiệm và đồng hành, hỗ trợ Gia Lai phát triển. Tuyệt đối không được hạch sách, nhũng nhiễu, tiêu cực, tránh tình trạng “bắt địa phương chạy lên, chạy xuống vẫn giải quyết không xong”.

Gia Lai ký biên bản ghi nhớ, trao quyết định đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh: LK.

Gia Lai ký biên bản ghi nhớ, trao quyết định đầu tư cho các nhà đầu tư. Ảnh: LK.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai thu hút đầu tư 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỉ đồng, tăng gấp năm lần so với giai đoạn trước. Năm 2021, tổng vốn đầu tư hơn 70.000 tỉ đồng.

Hai lĩnh vực chính là năng lượng và nông nghiệp. Có 50 dự án thủy điện, công suất 2.251 MW; 16 dự án điện gió công suất 1.192 MW; 3.250 hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất hơn 600 MW. Toàn tỉnh có hơn 557.000 ha cây trồng, 18 khu sản xuất công nghệ cao với diện tích hơn 3.489 ha; 182 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy