Ngày 19-12, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đường dây mua bán trái phép hóa đơn VAT gần 64.000 tỉ đồng xảy ra tại Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 19 đến 29-12).
Mua bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Minh Tú (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) là người cầm đầu đường dây mua bán trái phép hóa đơn VAT này.
Lợi dụng quy định đăng ký kinh doanh và chuyển nhượng doanh nghiệp (DN) được phép thực hiện qua mạng, trong thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2022, Tú đã thông qua người khác để mua 646 DN. Trong đó, Tú thông qua Nguyễn Thị Huế ở Hà Nội mua 500 DN với chi phí 50-60 triệu đồng/công ty.
Sau đó, thông qua mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới 73 đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn VAT cho các đơn vị có nhu cầu.
Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Tú thuê Huế tự kê, rồi khai khống doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); khai giảm (chỉ khai một phần nhỏ) doanh số hóa đơn bán ra của các công ty bán hóa đơn trên tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế.
Để hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn VAT đã bán, Tú và Võ Tấn Lộc (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) mua sáu công ty tài chính. Tú giao cho Lộc điều hành các công ty tài chính.
Các công ty này được sử dụng để hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn VAT đã bán.
100 bị cáo
Trong 100 bị cáo bị đưa ra xét xử, 30 người bị truy tố tội trốn thuế, 68 người bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn. 2 người còn lại bị truy tố các tội mua bán trái phép hóa đơn; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; trốn thuế.
34 bị cáo có mặt tại phiên tòa, 66 bị cáo có đơn xin vắng mặt một số ngày xét xử. Do số bị cáo đông nên trong ngày đầu xét xử, HĐXX tập trung kiểm tra căn cước; còn VKS công bố bản cáo trạng.
Đường dây này sử dụng SIM rác để đăng ký ứng dụng Internet Banking, chuyển tiền qua lại với các trung gian và tài khoản DN có nhu cầu mua hóa đơn khống. Mục đích là ngụy tạo giao dịch, coi như hoàn thành thanh toán.
Để quản lý, thu tiền bán hóa đơn từ các đối tượng trung gian, Tú theo dõi doanh số hóa đơn bán ra do từng đối tượng trung gian (F1) thực hiện bằng “mã khách hàng” thể hiện trên dữ liệu hóa đơn điện tử.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2022, Tú và đồng phạm đã bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn VAT cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số gần 64.000 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 294 tỉ đồng.
Doanh nghiệp mua trái phép hóa đơn để kê khai thuế
Đối với các hóa đơn đã xuất bán mà mặt hàng cần điều kiện phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất, cát, sỏi, gỗ, xăng dầu, thực phẩm…, Tú thông qua mạng Internet tìm kiếm và đặt mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng).
Sau đó, Tú sử dụng các con dấu để tạo dựng khống các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho DN mua hóa đơn sử dụng thanh quyết toán với cơ quan thuế.
Cơ quan điều tra còn truy ra hàng loạt DN trên cả nước đã mua bán trái phép hóa đơn. Nhóm bị cáo thuộc các DN này bị xét xử về tội mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế.
Đơn cử trường hợp bị cáo Trương Như Tùng (ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Phú Gia Khang và là kế toán của Công ty Thành Huy. Trong năm 2021-2022, Tùng đã mua 73 hóa đơn VAT từ sáu công ty của Tú với tổng doanh số 63 tỉ đồng. Số tiền mua hóa đơn khống là 2,2 tỉ đồng.
Bị cáo dùng các hóa đơn này để kê khai thuế đầu vào của Công ty Phú Gia Khang và được khấu trừ hơn 5,7 tỉ đồng tiền thuế.
Tại Công ty Thành Huy, năm 2021-2022 công ty mua kim loại phế liệu nhưng không có hóa đơn. Để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, theo chỉ đạo của giám đốc công ty, Tùng đã mua 31 hóa đơn VAT của Công ty Ngọc Hạnh (thuộc nhóm công ty của Tú) với doanh số 38 tỉ đồng, sau đó sử dụng kê khai thuế đầu vào.
Tương tự, nhiều DN trong vụ án thu mua nguyên liệu sản xuất từ các cơ sở nhỏ lẻ, không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, không thể quyết toán thuế. Vì vậy, các bị cáo là giám đốc những DN này đã tìm đến Tú và các trung gian để mua hóa đơn hợp thức hóa chi phí.
67 người trung gian tạm thời chưa bị xử lý
Cũng liên quan đến vụ án, cơ quan tố tụng xác định 73 người trung gian mua bán hóa đơn VAT khống, được Nguyễn Minh Tú đặt tên mã khách hàng. Tuy nhiên, đến nay căn cứ kết quả điều tra thì chỉ mới đủ cơ sở truy tố sáu trường hợp.
67 người trung gian còn lại được cho là thông đồng cùng Tú bán hơn 472.000 hóa đơn với tổng doanh số hơn 36.000 tỉ đồng. Do thời hạn điều tra đã hết và chưa làm rõ được nhân thân, lai lịch, hành vi phạm tội nên cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để tiếp tục điều tra, xử lý.