Ngày doanh nhân 13-10: DN Việt chăm sóc khách hàng thượng lưu

Một số doanh nghiệp Việt đã thay đổi tầm nhìn chiến lược: Không chỉ làm ra những mặt hàng giá rẻ phục vụ đa số người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình mà còn tung ra thị trường các sản phẩm cao cấp với giá cao. Họ mạnh dạn “tấn công” các phân khúc khách hàng giàu có lâu nay vốn là sân chơi riêng của các tập đoàn đa quốc gia.

Đắt xắt ra miếng

Cuộc ra mắt hoành tráng của thương hiệu xe Việt VinFast tại Paris Motor Show mới đây đã gây mãn nhãn cho những người Việt đang mơ về một chiếc xe hơi Việt làm phương tiện đi lại chứ không phải là một tài sản có giá trị cao. Tuy vậy, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, cho biết dòng xe VinFast định giá ở phân khúc trung, cao cấp. Sản phẩm đầu tiên sẽ là cao cấp.

Ông Vượng nhấn mạnh: “Tôi không muốn thương hiệu xe hơi Việt Nam là thương hiệu rẻ tiền, mình có quá nhiều thứ rẻ rồi”. Tuy vậy, ông Vượng cũng lưu ý tất cả hãng xe lớn đều có nhiều dòng xe. Chẳng hạn Toyota có các dòng xe sang nhưng cũng bán đầy thị trường dòng xe trung cấp và các bản xe tiêu chuẩn thì VinFast không chỉ có xe trung, cao cấp mà cũng có những dòng xe phù hợp với số đông.

Một cách tương tự, Công ty Pan Saladbowl đã tung ra thị trường các dòng hoa cúc và hoa cẩm chướng với giá đắt nhưng giới nhà giàu vẫn ưa chuộng. Nguyên nhân chất lượng hoa tốt, màu sắc độc đáo, lâu tàn để đáng bỏ tiền mua.

Lý giải việc tung ra dòng hoa cao cấp, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Pan Saladbowl, cho biết: “Hoa trồng trong nhà kính, môi trường và khí hậu để cho hoa tăng trưởng tốt được kiểm soát bằng cảm biến và hệ thống máy tính tự động. Suất đầu tư lên đến 10 tỉ đồng cho mỗi hecta nhà kính nhưng đổi lại đảm bảo hoa đạt chất lượng đồng đều, màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài 6-7 tuần”.

Vốn khá quen thuộc với các dòng sản phẩm phổ thông nhưng gần đây Công ty Vissan cũng tham gia mảng thực phẩm cao cấp với mức giá không thua gì hàng ngoại. Đơn cử như jambon xông khói của Vissan giá 48.400 đồng cho gói 200 g, trong khi sản phẩm cùng loại của Le Gourmet của Pháp giá 53.900 đồng và Shinshu của Nhật là 39.700 đồng.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, cho hay dòng sản phẩm cao cấp được định giá cao hơn sản phẩm thông thường 20%-30%, nhắm vào khách hàng thượng lưu. Ông An lý giải: “Nhiều sản phẩm ngoại cùng tiêu chuẩn như Vissan luôn có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn có người mua. Do vậy, chúng tôi muốn tạo ra các sản phẩm độc đáo, chất lượng tốt với các tiêu chí ngon, sạch, có xuất xứ từ thương hiệu tin cậy và đáp ứng được sự tiện dụng của nhịp sống công nghiệp”.

Vinamilk đã tung ra thị trường dòng sữa hữu cơ cao cấp, giá khoảng 53.000 đồng/lít.  Ảnh: TL

Tự tin với hàng đắt tiền

Các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tự tin để đưa ra các sản phẩm đắt tiền phục vụ cho đối tượng khách hàng cao cấp. Một báo cáo vừa công bố của hãng nghiên cứu Wealth-X về giới siêu giàu thế giới cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu cao nhất thế giới.

Cụ thể, tính trong giai đoạn 2012-2017, trong nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về giới siêu giàu thì Việt Nam đứng thứ ba thế giới với tốc độ tăng trưởng là 12,7%/năm, chỉ xếp sau Bangladesh, Trung Quốc và đứng trên cả Mỹ, Hong Kong, Ấn Độ. Như vậy, mỗi năm số người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam tăng gần 13%.

Bên cạnh đó, nhiều người Việt đã có tên trong bảng xếp hạng người giàu, tỉ phú của tạp chí Forbes. Đây được xem là một trong những bệ đỡ khá tốt cho phân khúc hàng cao cấp, mắc tiền. Bằng chứng là thời gian qua rất nhiều mặt hàng như cá hồi, tôm hùm, cua hoàng đế với giá đắt đỏ lên đến cả triệu đồng mỗi ký nhập khẩu từ Mỹ vẫn bán chạy.

Đại diện Vissan cũng cho hay các sản phẩm cao cấp của công ty nhận được phản ứng tốt từ khách hàng. Do đó, không lý gì lúc nào công ty Việt cũng định vị phân khúc giá rẻ để cạnh tranh. “Chúng tôi cũng dự định xây dựng riêng một cửa hàng Vissan Premium, chuyên bán dòng sản phẩm cao cấp” - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, tự tin.

Một số chuyên gia nhận định các thương hiệu cao cấp nước ngoài đang tấn công mạnh vào thị trường hàng cao cấp Việt Nam. Điều này cho thấy người Việt dám chi tiêu mạnh tay cho nhu cầu của mình, do vậy chuyện các công ty Việt Nam tiến vào lĩnh vực hàng cao cấp là hợp lý.

Tất nhiên, doanh nghiệp Việt chưa thể có thương hiệu mạnh như các hãng quốc tế để có thể áp đặt mức giá cao ngất mà người mua vẫn phải chi tiền. Hơn nữa, điều đó đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính, công nghệ và cách làm để theo đuổi xác lập cuộc chơi trên thị trường. Đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp Việt phải đối diện, nếu không sẽ rớt lại đằng sau đối thủ ngoại.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU:

Khá nhiều thú vị

Một số công ty Việt Nam dám dấn thân vào sản xuất sản phẩm giá đắt đỏ cho thấy họ không e ngại cạnh tranh với các đối thủ ngoại, vốn một thời từng được xem sản phẩm ngoại gắn liền với chất lượng tốt và giá cao.

Con đường mà các doanh nghiệp Việt tung ra sản phẩm giá cao khá nhiều thú vị. Chẳng hạn, Vinamilk chỉ mới tham gia vào phân khúc cao cấp vài năm nay sau hàng chục năm làm sản phẩm phổ thông. Điều này giúp họ tích lũy nguồn lực đầu tư kinh nghiệm sản xuất và xây dựng niềm tin thương hiệu.

Chuyên gia thương hiệu LÝ TRƯỜNG CHIẾN:

Đừng sợ khách hàng phản ứng

Trò chơi định giá cao rất đáng xem. Đừng bao giờ e sợ việc định giá cao cho sản phẩm chất lượng của mình sẽ bị khách hàng phản ứng. Cung cấp dòng sản phẩm có giá từ thấp đến trung bình cho thị trường đại chúng là một chiến lược hoàn hảo. Nhưng cung cấp sản phẩm đắt tiền cho những khách hàng muốn đầu tư là một chiến lược thông minh, giúp DN và khách hàng khẳng định được giá trị của mình.

Chấp nhận cạnh tranh với công ty đa quốc gia

Chúng tôi đã phát triển thành công các dòng sản phẩm dinh dưỡng đặc trị thay thế sản phẩm ngoại nhập từ hàng chục năm qua, cạnh tranh ngang bằng với các công ty đa quốc gia. Để phát triển kinh doanh và đa dạng hóa các sản phẩm từ sữa, NutiFood tiếp tục đầu tư thêm sữa tươi, sữa chua, sữa đậu nành và ngũ cốc dinh dưỡng.

Mới đây, chúng tôi bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực cà phê vì muốn nâng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam bằng con đường chuyển từ xuất khẩu thô sang tinh (lâu nay cà phê Việt chỉ xuất thô với giá rẻ - PV). Cụ thể với sản phẩm cà phê sữa đá tươi NutiFood không chỉ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước mà còn muốn tìm thị trường để xuất khẩu sản phẩm này ra thế giới.

Ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT NutiFood

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm