LTS: Tháng 4-1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh (trên bộ) đang bước vào những giờ phút quyết định thì một biên đội tàu đặc biệt cũng được phái ra biển Đông để thực hiện nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu chuyến hải trình đặc biệt ấy qua lời kể của các thuyền trưởng.
Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm gặp lại thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm và Nguyễn Văn Đức, hai trong ba thuyền trưởng của biên đội tàu đưa quân ra Trường Sa 38 năm trước. Tuy tuổi đã ngoài 70 nhưng hai ông vẫn nhớ rõ như in chuyến hải trình đặc biệt ngày ấy.
Biên đội bí mật
“Ngày 9-4-1975, chúng tôi nhận lệnh rời Hải Phòng tiến vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Anh em chỉ có một ít thời gian để chuẩn bị trước khi xuất phát. Ba tàu cấp tốc hành quân một cách độc lập và tự chọn đường đi của mình sao cho ngắn nhất và nhanh nhất để về điểm tập kết. Đến 21 giờ ngày hôm sau, ba tàu lần lượt cập cảng Tiên Sa. Cho đến lúc đó chúng tôi vẫn chưa biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ gì. Mọi cái được được giữ bí mật cho tới phút cuối cùng” - thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm nhớ lại.
Còn thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức thì kể sau khi giải phóng Quảng Trị, gần như tất cả các tàu trong Đoàn 125 (tàu không số) đều xuất bến đi vào Nam, chỉ còn lại biên đội tàu năm chiếc (trong đó đã có hai chiếc hư) nằm lại Hải Phòng. “Lúc đó, thấy đồng đội nao nức đi vào miền Nam, lòng tôi rạo rực lắm. Mấy anh em thắc mắc không biết mình ở lại đây để làm gì. Sau này mới hiểu ra mọi cái đều đã được lãnh đạo tính toán kỹ lưỡng trước đó hết” - ông Đức nói.
Biên đội tàu 673, 674, 675 xuất kích rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) tiến về giải phóng Trường Sa. Ảnh: Tư liệu
Theo đó, để thực thi nhiệm vụ giải phóng Trường Sa, một biên đội tàu đã được chuẩn bị từ sáu tháng trước đó. Những con tàu này, khi ấy chỉ nằm yên mà không được giao bất kỳ nhiệm vụ nào khác. Thủy thủ đoàn chủ yếu tập trung củng cố lực lượng và huấn luyện. Các thuyền trưởng được chọn lựa ở lại là những người dày dạn kinh nghiệm, từng thực hiện nhiều chuyến hải trình của đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Riêng thuyền trưởng Thơm đã ba lần dạt vào Trường Sa khi tránh sự truy đuổi của địch trong hành trình của con tàu không số do ông điều khiển.
Thuyền trưởng Đức kể tiếp: “Vào Đà Nẵng, tiếp nhận các lực lượng tác chiến xong, lúc đó chúng tôi mới được Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái (Chỉ huy Sở của Bộ Tư lệnh hải quân tại Đà Nẵng) chính thức truyền đạt lệnh giải phóng Trường Sa. Khi đó ông Thái nói: “Các đồng chí đặc biệt lưu ý, quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, giải phóng Trường Sa là để thu biển, đảo của Việt Nam về một mối, không để kẻ thù xâm chiếm”. Nghe đến đây chúng tôi bỗng thấy hăng hái hẳn lên”.
Những “máy định vị sống”
“Lúc này trên bộ, quân ta đã tiến đến cửa ngõ Xuân Lộc và chuẩn bị đánh tổng lực trên nhiều mũi để tiến về Sài Gòn. Chúng tôi nhận lệnh hành quân khẩn, tiến đánh giải phóng đảo Song Tử Tây đúng vào ngày mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh 14-4-1975 nhằm tạo thế thắng lợi song hành trên cả hai mặt trận đất liền - hải đảo” - thuyền trưởng Thơm kể.
Thuyền trưởng tàu 674 Nguyễn Văn Đức và thuyền trưởng tàu 673 Nguyễn Xuân Thơm đang kể về hành trình tiến đến ngày độc lập ở Trường Sa. Ảnh: MC
Ngay trong đêm 10-4, cả biên đội được lệnh chuẩn bị xuất phát tiến ra đảo Song Tử Tây. Tàu 673 do thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm điều khiển chở lực lượng đặc công 126 (lực lượng tấn công chính); tàu 674 của thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức chở Ban chỉ huy lực lượng (gồm Chỉ huy trưởng Mai Năng và Phó Chỉ huy Dương Tấn Kịch); tàu 675 của thuyền trưởng Phạm Duy Tam chở lực lượng Tiểu đoàn 471 (lực lượng chiếm giữ quản lý của Quân khu 5). Trên ba con tàu giả dạng tàu cá, tất cả lực lượng đều được bố trí kín kẽ dưới hầm tàu, còn trên boong chỉ lác đác mấy người giả dạng ngư dân.
Đúng 4 giờ sáng 11-4, biên đội tàu rời cảng Tiên Sa. “Lúc ấy trăng đã về Tây nhưng vẫn còn sáng lắm. Điều chúng tôi lo lắng nhất là sợ bị lạc, ảnh hưởng đến ý đồ chiến thuật. Khi ấy làm gì có máy định vị như bây giờ. Tôi phải dùng kinh nghiệm đi biển của mình và hoàn toàn dựa vào thiên văn để định vị. May mà tháng ấy trời êm biển lặng, bầu trời về đêm rất trong nên nhìn rõ các chòm sao và thấy rõ được đường chân trời. Nhờ đó chúng tôi mới định vị, vạch đúng đường đi của tàu trên biển như sơ đồ tác chiến đã vạch” - thuyền trưởng Đức chia sẻ. “Đường dài từ Đà Nẵng đến Song Tử Tây tương đương 500 hải lý, theo hướng đông - nam, ngang sóng gió, ngang hướng thủy triều lên xuống nên độ dạt của tàu rất lớn. Nếu không có kinh nghiệm trên con tàu không số thì không thể nào bắt được mục tiêu của đảo Song Tử Tây” - thuyền trưởng Thơm nói thêm.
Tiếp cận mục tiêu
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức kể tiếp: “Lúc ấy, Chỉ huy trưởng Mai Năng nói ông có ba cái lo. Thứ nhất là đánh tàu thì được nhưng chưa bao giờ đổ bộ đánh đảo trên biển như thế này. Thứ hai là sợ đi lạc không thực hiện được ý đồ chiến thuật. Thứ ba là sợ bộ đội say sóng. Tôi nói nếu trời thế này thì anh yên chí, tôi sẽ đi chính xác, đúng lộ trình, thời gian để các đồng chí thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã 14 năm đi trên biển đông và không có mục tiêu nào là không hoàn thành nhiệm vụ, anh yên tâm”.
Đúng 1 giờ sáng 12-4, biên đội tàu đã định vị được đảo Song Tử Tây. Ông Mai Năng lúc đó phấn khích nói vui: “Tụi bây đi tài thật! Chưa có ai đi được như tụi bây!”.
Kế hoạch đổ bộ lên đảo Song Tử Tây được vạch ra cụ thể. Tàu 674 cảnh giới vòng ngoài. Tàu 673 của thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm chở lực lượng đặc công 126 tiên phong tiến lên thị sát đảo Song Tử Tây và thực hiện nhiệm vụ đổ bộ lên trên đảo theo hướng tây.
Thuyền trưởng Thơm kể tiếp: “Đến 3 giờ ngày 13-4-1975, tôi đã xác định được vị trí chính xác của tàu khi ấy cách đảo Song Tử Tây 30 hải lý và xin Ban Chỉ huy cho tàu tiếp cận mục tiêu và tiến hành trinh sát đảo này. 5 giờ sáng cùng ngày, tôi và chỉ huy lực lượng đặc công Nguyễn Ngọc Quế lên nóc ca bin tàu 673 lấy ống nhòm quan sát kỹ lưỡng. Sau đó chúng tôi cho tàu lượn quanh đảo hai vòng với cự ly cách đảo chừng 1 km. Tôi chỉ cho anh Quế từng mục tiêu, từng mỏm đá, từng lô cốt và các mục tiêu khác trên đảo… Sau khi trinh sát xong, tàu 673 chạy rút ra ngoài với hai tàu 674 và 675. Tôi và anh Ngọc làm kế hoạch tiếp cận mục tiêu và đổ bộ vào rạng sáng 14-4, đúng như giờ G bắt đầu của chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh”.
Lịch sử chính là xương máu của dân tộc Cả thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm và thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức đều bày tỏ sự đau lòng khi đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm năm 1988. Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm nói: “Chúng ta đã cảnh giác cao độ điều này trong năm 1975 nên mới khẩn trương điều động biên đội tàu đặc biệt để tiến đánh và giải phóng Trường Sa. Sự cảnh giác đó không bao giờ thừa, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta phải chuẩn bị mọi tình huống để không bị bất ngờ trước bất kỳ âm mưu xâm phạm chủ quyền nào của các thế lực khác”. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức gửi gắm: “Cần phải tuyên truyền, giáo dục để lịch sử thấm vào trong ý thức giới trẻ. Đó không phải là sự khô khan, càng không phải là những con chữ chết cứng theo thời gian. Lịch sử chính là xương máu của cả dân tộc này đã ngã xuống lớp lớp để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”. |
MINH CƯỜNG
Kỳ tới: Biển liền biển, bờ nối bờ
9 giờ sáng 29-4-1975, cờ giải phóng đã tung bay trên tất cả đảo ở Trường Sa, nối non sông Việt Nam thành một dải…