Ngày hội Tái chế chất thải năm 2012: Đến để đổi quà và bảo vệ môi trường

Ngày 15-4, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức Ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM lần thứ năm. Năm nay, ngày hội chú trọng đến việc tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi nylon, hướng đến dần thay thế bằng túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày.

Đổi rác lấy quà

Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người đã có mặt tại Cung Văn hóa Lao động TP, mang theo đủ loại chất thải thu gom được để đổi lấy quà. Đứng trước bốn bao lớn chất thải độc hại đã được phân loại, anh Lê Quốc Trí (phường 2, quận Bình Thạnh) cho biết số “chiến lợi phẩm” này bao gồm pin đã sử dụng, bình ắcquy và các loại bóng đèn, chai nhựa, hộp giấy… do anh và nhiều người trong phường thu gom được. Anh Trí nói thêm, chỉ trong một tuần phường 2 đã vận động người dân thu gom được hơn 1.000 bóng đèn hư hỏng, hàng trăm bình ắcquy, gần 50 kg pin hỏng và rất nhiều chai nhựa.

Gần đó, chị Ngô Thị Thuận, giáo viên lớp 3/1 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, đang lúi húi khui mấy bao tải đựng gần 2.000 vỏ hộp sữa do học sinh của trường thu gom. Chị Thuận cho biết hôm nay Trường Lê Văn Thọ tham gia cuộc thi Sức sống mới từ phế thải do Sở TN&MT tổ chức và chị tranh thủ đi đổi quà giúp học sinh của mình.

Vừa đến nơi, em Thái Ngọc Thanh Phương, học sinh lớp 5/5 Trường Tiểu học Bình Trưng Đông A, quận Bình Tân, đã hào hứng tham gia xếp và trang trí túi giấy cũ do Công ty Giấy Sài Gòn hướng dẫn. Sau gần 2 giờ đồng hồ, Thanh Phương mới xếp, trang trí xong sản phẩm của mình và đặt tên cho nó là “Túi thân môi trường”. Cô bé hào hứng khoe sẽ mang túi về tặng mẹ đựng đồ dùng trong gia đình.

Em Thái Ngọc Thanh Phương, lớp 5/5 Trường Tiểu học Bình Trưng Đông A, quận Bình Tân (TP.HCM), cho biết sẽ tặng túi giấy do em tự xếp và trang trí cho mẹ đựng vật dụng trong nhà. Ảnh: V.HOA

Nhiều người lớn tuổi cũng không giấu niềm vui khi tham gia ngày hội và được nhận quà. Ảnh: V.HOA

Theo ghi nhận, các gian hàng đổi chất thải nguy hại để lấy quà đều quá tải trong sáng 15-4. Hàng trăm người dân liên tục mang các loại vỏ chai nước ngọt, dầu ăn, dầu rửa chén… đến đây để đổi lấy kẹo bánh, nước ngọt, sữa. Chị Thu Hồng, nhân viên tại gian hàng đổi quà, cho biết: “Chúng tôi không ngờ người dân tham gia đông như vậy, thật là điều đáng mừng”.

Cần nhân rộngchương trình

Không chỉ riêng các gian hàng đổi đồ cũ, ngày hội năm nay còn trở nên sôi động hơn với các cuộc thi được tổ chức cho nhiều đối tượng tham gia. Chẳng hạn cuộc thi Sức sống mới từ phế thải dành cho học sinh các cấp đã được 139 trường thuộc 19 quận, huyện tích cực tham gia với hơn 1.000 sản phẩm dự thi. Cuộc thi viết Thiết lập cuộc sống xanh - cuộc sống 3T (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) nhận được 125 bài dự thi của cán bộ, công nhân viên. Cuộc thi Thiết kế nhanh túi xanh vì môi trường dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã chọn được năm sản phẩm vào vòng chung kết… Chủ đề các cuộc thi đều tập trung vào việc tuyên truyền về tác hại của túi nylon, khuyến khích người dân dùng túi thân thiện với môi trường.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, TP đang tồn tại nhiều vấn đề cấp bách về môi trường (rác thải, khói bụi còn nhiều, chưa được xử lý tốt) làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Ngoài những nỗ lực của chính quyền, người dân cũng cần chung tay hành động để bảo vệ môi trường. “Mỗi người chỉ cần có một hành động tích cực thì môi trường của TP sẽ được cải thiện. Sở TN&MT cũng cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích mọi người hạn chế sử dụng túi nylon, chuyển sang dùng túi bảo vệ môi trường” - ông Tín nói.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN&MT, thừa nhận không thể phủ nhận tính tiện lợi của túi nylon trong sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, chính thói quen sử dụng và thải bỏ túi nylon chưa đúng cách của người dân đã ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, đề xuất chính sách hỗ trợ các hoạt động 3T, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng túi thân thiện môi trường.

“Bộ TM&NT đánh giá Ngày hội Tái chế chất thải ở TP.HCM đã có những tác động rõ nét trong nhân dân. Sắp tới, mô hình này cần được nhân rộng trong cả nước. Bộ TN&MT cũng đang triển khai luật Thuế Bảo vệ môi trường, trong đó túi nylon không thân thiện với môi trường sẽ bị đánh thuế đúng mức” - ông Đặng Văn Lợi, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT, cho biết.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới