Theo ông Osamu Ikezoe, trong khi các nhãn hàng quốc tế thường có những chương trình tiếp thị lớn bằng cách chiết khấu, giảm giá thì Uniqlo sẽ không thực hiện chiến lược giá theo cách này. Uniqlo sẽ cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm dựa trên mức giá bán rất hợp lý so với các thương hiệu thời trang quốc tế hiện có trên thị trường Việt Nam.
Ông Osamu Ikezoe cũng cho rằng giá thuê mặt bằng tại Việt Nam khá cao nên cần mức giá đáp ứng được mức cân bằng chi phí và tiến đến lợi nhuận. Ông cũng cho biết Uniqlo sẽ chưa mở bán trực tuyến mà muốn khách hàng đến trải nghiệm không gian thực tế, sản phẩm thực. Doanh nghiệp sẽ tập trung làm sao có doanh thu và lợi nhuận đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định của cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Uniqlo Việt Nam tổ chức họp báo về ngày khai trương
Điều này có nghĩa là Uniqlo sẽ chưa mở rộng mạng lưới cửa hàng, thay vào đó Hà Nội sẽ là điểm đến thứ hai. Khả năng mở cửa hàng thứ hai sẽ mất một năm vì hai thương hiệu Zara và H&M cũng gần một năm mới đạt lợi nhuận cửa hàng tại TP.HCM để tiến ra Hà Nội.
Ông Yanai Tadashi, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Fast Retailing của Nhật Bản, đơn vị sở hữu thương hiệu Uniqlo cũng có mặt tại cuộc họp báo đã đánh giá rất cao thị trường Việt Nam. Dịp này ông cũng tiết lộ sản xuất và xuất khẩu của Uniqlo tại Việt Nam ra thị trường quốc tế đạt 3 tỉ USD.