Ngày kiếm cơm, tối đến trường - Bài 2: Con lớp 5, cha vào lớp 2

“Có anh gần 40 tuổi rồi nhưng rất chịu khó học chữ. Có lần đi đường anh này thấy chữ trên bảng hiệu lạ quá. Vì không có bút và vở lúc đó, anh liền lấy vật cứng viết lên cục đá rồi mang đến trường hỏi mình. Mình bật cười vì đó là chữ tiếng Anh”.

Cô giáo Trần Thị Thu xúc động kể về những tình huống hài hước nhưng đầy nghị lực về những “học trò lớn” của cô tại Trường Phổ cập giáo dục ban đêm ở phường 12, quận Bình Thạnh (TP.HCM).

Suýt bị nghỉ việc vì ghép nhầm chữ

Anh Phan Văn Bòn, 34 tuổi (công nhân một công ty tư nhân về in chữ trên các mặt hàng thể thao), là học sinh (HS) lớn tuổi nhất trường này. Anh quê gốc An Giang, trước đây vì gia đình khó khăn nên anh bỏ dở lớp 1 đi làm phụ gia đình. Về sau, anh chuyển lên TP.HCM, nhờ người bạn xin việc giùm nên không phải làm hồ sơ.

Anh Bòn cho biết cả ba anh em trong nhà anh đến nay vẫn không ai biết chữ. Hiện anh đã lập gia đình và có con đang học lớp 5 Trường Tiểu học Bình Hòa, còn anh đang học lớp 2 (chung cơ sở trường này). “Đã không biết chữ mà mình lại làm công việc… in chữ và số lên đồ thể thao. Có lần chữ Samsung nhưng ghép lên sai thành sungsam, bị bà chủ la một trận, may mà chưa sai mấy tên cầu thủ. Ngay cả đi đường, mình chỉ dám đi theo thói quen chứ không biết đường mình đang đi tên là gì. Giờ đi đâu cũng thấy chữ nên mình phải cố mà học thôi” - anh Bòn ngại ngùng kể.

Ngày kiếm cơm, tối đến trường - Bài 2: Con lớp 5, cha vào lớp 2 ảnh 1

Cô giáo Thu đang hướng dẫn anh Phan Văn Bòn làm toán lớp 2. Ảnh: PHẠM ANH

Trường hợp của anh Mã Phi Hùng (công nhân Công ty Cân Nhơn Hòa), 28 tuổi, học lớp 2, còn con anh học lớp 3 cũng tương tự. Anh kể hồi nhỏ đi học thấy khó và chán quá, bỏ đi làm nên chỉ biết sơ mấy chữ cái và con số. Cách đây ba năm, khi làm phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới, vì không rành chữ nên mấy lần anh ghép sai cả tên cô dâu, chú rể trên bảng sân khấu. Bị quản lý nhắc nhở nhiều nên anh nghỉ làm và nhờ người bạn làm giùm hồ sơ xin vào công ty làm công nhân lắp ráp cân.

“Công ty không nhận người không biết chữ, mình kêu bạn cứ ghi đại là học lớp 5 nên lúc nào cũng nơm nớp lo bị phát hiện. Khi lãnh lương, may là kế toán dùng mảnh giấy che hết các tên khác lại để mình ký tên chứ không là ký nhầm luôn rồi. Đi khám sức khỏe, mình cũng sợ kiểm tra mắt vì phải đọc chữ. Nghĩ lại thấy kỳ quá nên phải cố mà đi học thôi!” - anh Hùng nói.

Học để biết đọc tin nhắn điện thoại!

20 giờ, lớp học phổ cập ban đêm ở Cơ sở 2 của Trường Tiểu học Hồ Văn Cường (quận Tân Phú) tan cũng là lúc anh Lê Văn Bé Nhỏ (26 tuổi) vội về nhà tranh thủ chợp mắt trước khi vào ca lúc 0 giờ. Anh quê Tiền Giang, hiện đang làm cho một công ty tư nhân thiết kế bao bì, logo do người cô bảo lãnh.

Anh tâm sự: “Vì không biết chữ, đi đâu tôi cũng phải nhờ anh tài xế giúp đỡ, nhất là khi kiểm kê lại hoặc xác nhận thanh toán giao hàng cho khách. Ai cũng hỏi tôi có bạn gái chưa, tôi ngại lắm. Họ nhắn tin mà tôi có đọc được đâu, điện thoại gọi còn khó nữa là dám làm quen ai”.

Ngay từ nhỏ, ba mẹ ly dị sớm, sức khỏe của mẹ yếu, anh phải nghỉ học lớp 2 về phụ làm vườn. Đến 20 tuổi anh và anh trai đi cùng người cô lên TP.HCM làm việc. Không may người anh bị tai nạn thành người lúc tỉnh lúc mê, anh là lao động chính trong nhà. Vì thế hầu như ngày nào anh cũng làm khoảng 20 tiếng/ngày, ngày cuối tuần anh cũng xin đi làm để kiếm thêm tiền. Mặc dù vậy anh vẫn thường xuyên đến lớp để theo học lớp 1 tại trường này.

“Giờ tôi chỉ ước học để biết đọc, biết viết rành rọt. Nếu còn điều kiện tôi sẽ học lên dần để được làm chuyên về phần mềm công nghệ, làm đĩa CD hay lắp ráp đầu đĩa. Đó là ước mơ từ nhỏ, giờ chắc hơi khó nhưng không lẽ cứ đi giao hàng, làm công nhân hoài. Tôi cũng ráng làm có tiền để gửi về cho má và anh nữa. Tôi hứa sửa lại nhà lá cho má mà chưa làm được…” - anh Bé Nhỏ trầm ngâm.

Mừng nhất là phân biệt được chữ “ga” và “gà”

Từ khi biết chữ, mỗi lần đi đường, tự nhiên mình tò mò mấy chữ trên các bảng biểu hoặc bảng tên đường. Mình đứng đánh vần một xíu là biết chữ gì ngay, thấy vui vui… Mừng nhất là đã phân biệt được chữ “ga” và “gà”, thấy dễ hơn ngày xưa đi học, không hiểu sao học mãi mà không biết.

Anh MÃ PHI HÙNG

Trưởng thành từ những lớp học đêm

Đó là trường hợp của Phạm Thị Tuyết Hạnh (27 tuổi), nhân viên kinh doanh của nhà hàng Quán Xưa trong Khu du lịch Bình Quới 1, quận Bình Thạnh. Hạnh vừa tốt nghiệp ngành du lịch, hệ CĐ của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Hạnh nhớ lại, ba mất sớm, hai mẹ con sống ở Cần Thơ nhưng vì nghèo nên Hạnh phải nghỉ học khi mới vào THCS. Năm năm sau, Hạnh cùng mẹ lên TP.HCM thuê nhà trọ ở quận Bình Thạnh và cùng đi làm phụ bếp cho các quán ăn. Được hai năm, Hạnh xin vào học ban đêm ở Trường Phổ cập giáo dục trong Trường Tiểu học Bình Hòa, ngay sát chỗ mình làm, còn ban ngày thì vẫn phục vụ quán ăn. Vốn từ nhỏ Hạnh đã là HS khá giỏi nên khi bắt nhịp lại, việc học ban đêm không quá khó với Hạnh. Sau khi tốt nghiệp THCS, Hạnh tiếp tục chuyển qua lớp phổ cập ban đêm ở Trường THPT Hà Huy Tập để học tiếp cho đến khi thi tốt nghiệp THPT.

Ngày kiếm cơm, tối đến trường - Bài 2: Con lớp 5, cha vào lớp 2 ảnh 2

Phạm Thị Tuyết Hạnh cùng mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp hệ CĐ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Vào lớp, thấy tôi là người lớn tuổi nhất, thầy cô ấn tượng lắm, tận tình động viên tôi từng chút nhỏ, thế là cứ tiếp tục học. Lên lớp 12, thầy cô lại khuyến khích tôi làm hồ sơ thi ĐH. Tôi thấy ngượng nhưng nhìn thầy cô nhiệt tình quá nên chọn đại Trường ĐH Kinh tế” - Hạnh nói.

Rồi Hạnh xúc động: “Tôi nghĩ thi đậu tốt nghiệp là quá may mắn rồi. Khi biết tin mình rớt ĐH, tôi cũng thấy bình thường. Tôi lại cùng mấy người bạn làm nguyện vọng 2, thế mà không hiểu sao đậu CĐ, lại đúng ngành mình mơ ước. Tôi muốn nhảy cẫng lên, rồi nhìn thầy cô vui khôn xiết mà tôi thấy hạnh phúc và mang ơn họ quá. Họ chính là những người thứ hai sinh ra tôi của ngày hôm nay”.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm