Ngày về của những người được tha tù - Bài 3: Gánh nặng trần gian

Cụ là Đinh Văn Đào, quê ở TP Nha Trang. Năm 1979, trong khi cãi nhau với một du kích xã, cụ xô anh này té xuống mương, sau đó rút súng của anh du kích lên. Đạn nổ, anh du kích chết, cụ bỏ trốn, đến năm 1987 thì bị bắt, bị kết án chung thân. Thụ án được một năm, cụ tiếp tục trốn trại thêm 10 năm. Mãi đến năm 1997 cụ mới bị bắt lại và giam tại trại giam Z30D.

Ông có giận tôi không?

Cụ tâm sự: “Bốn năm từ ngày ngã bệnh tới nay tui không phải làm gì, lại được sự chăm sóc tận tình của các cán bộ, bác sĩ. Cán bộ mỗi lần cắt nhung hươu đều dành phần lớn huyết hươu cho tui bồi bổ. Các cán bộ quá tốt, lại thương tui nên tui quyết tâm không bỏ trốn nữa”.

Anh Nguyễn Phương Lâm (27 tuổi) cũng phạm tội giết người và được đặc xá trong đợt này. Trong trại giam, anh Lâm được bác sĩ Nguyễn Dược Cấu, trạm trưởng trạm xá, đào tạo thành y tá nhằm phụ việc cho trại giam. Lâm thương cụ lắm: “Sáng nào em cũng phải đo lại huyết áp và phát thuốc cho bố uống. Có lần bố bị tai biến, mặt đỏ bừng, em đo huyết áp thấy cao quá nên đã tự ý cấp thuốc cho bố uống rồi báo cho bác sĩ đưa đi bệnh viện. Em được các bác sĩ khen, nếu không kịp thời cho bố uống thuốc thì chắc bố khó lòng qua khỏi”.

Cụ Đào ngồi trầm tư lần cuối trước khi làm thủ tục đặc xá. Ảnh: HÀN GIANG

Ngày cụ về, con gái và thằng cháu ngoại đến tận cổng trại giam đón. Về đến nhà, cụ bước vào, tay run run vịn thành ghế, mắt nhìn bàn. Cụ bà Phạm Thị Cỏn (80 tuổi) bước nhanh ra ôm chầm lấy cụ khóc: “Tui tưởng suốt cả đời này không được gặp ông nữa. Nghe tin ông về, ba ngày nay tui không ăn, không ngủ, nằm trằn trọc mong đợi. 13 năm tui không vào thăm ông được, ông có giận tui không?”.

Nỗi đau ngoài cuộc đời

Con cụ phân trần: “Mẹ già rồi và phải chăm sóc em bị tâm thần suốt 11 năm nay. Cả nhà giấu ba” Cậu con trai ngày ông đi là chàng thanh niên khỏe mạnh, giờ gầy ốm, miệng phì phèo thuốc lá, múa may và nói những câu vô nghĩa, không nhận ra cha mình.

Cụ lặng thinh, mặt cúi gầm, nghẹn ngào. Con gái của cụ bưng ra một tô cháo: “Bố ăn đi, sáng giờ chưa ăn gì”. Cụ lặng lẽ đẩy tô cháo sang một bên và rút thuốc lá ra hút, hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo.

Đi thăm nhà con cái xung quanh, cứ vài bước cụ lại dừng chân vì mệt và xúc động. Cụ xoa đầu từng đứa cháu, chắt của mình và bắt đầu hỏi tên…

Con cụ ai cũng nghèo, không đất sản xuất, phải làm thuê, làm mướn nên chả ai dư dả gì. Những ngày cụ sống trong trại giam, hằng tháng cụ bà đều bảo con cháu vào thăm nuôi. Lúc thì mấy gói mì tôm, lúc vài hộp sữa. Bà nghẹn ngào: “Nghe chúng nó về kể ổng khỏe là tui mừng rồi. Tui chỉ sợ ổng chết trong đó, ổng không được nhìn tui mà tui cũng không được nhìn ổng lần cuối. Nay ổng trở về, cháu con sum vầy, ổng còn phải cùng tui chăm sóc cho thằng Đỉnh bị tâm thần mười mấy năm nay”.

Vừa gặp nhau, bà Phan Thị Cỏn đã khóc nức nở rồi dặn dò chồng để ông không bị bất ngờ khi gặp lại người con trai duy nhất bị bệnh tâm thần sau ngày ông vào tù. Ảnh: HÀN GIANG

Cụ dự định ngày về sẽ ra lại Nha Trang thăm bà con cố hương, gặp lại hai người em của nạn nhân để nói lời xin lỗi. Nhưng xem ra điều này thật khó bởi cụ đã già, rất nghèo và cụ còn có một người vợ gần 80 tuổi, một người con trai tâm thần không ai săn sóc.

Phút lặng của Tuấn

Phạm Anh Tuấn, sinh năm 1973 ở thị trấn Hòa Bình (Bạc Liêu), phạm tội giết người, bị phạt án tù 13 năm, đã thụ hình 10 năm tại trại giam Cái Tàu (Cà Mau). Trên chuyến xe trở về, Tuấn chậm rãi kể: Anh là con út trong gia đình có năm anh em. Nhà nghèo, Tuấn làm nghề thợ hồ để nuôi cha mẹ. Năm 2002, anh lấy vợ. Nhưng sau khi cưới nhau, không biết có điều gì đó không bằng lòng, cách vài ngày mẹ vợ anh cho người đến nhà kêu vợ anh về bên vợ vì một lý do nào đó. Mỗi lần như vậy, anh hoặc mẹ anh đều sang nhà vợ để đón vợ anh về. Một hôm, mẹ vợ bắt vợ anh về nhưng lại đổ lỗi cho mẹ anh để mất con dâu. Nghe tin, Tuấn bỏ dở công việc, sang nhà vợ tìm. Đến nơi, mẹ vợ của Tuấn bảo anh xây cho bà vách ngăn buồng trong nhà. Để làm vui lòng mẹ vợ mong đón vợ về, Tuấn đi mua gạch, cát, xi măng về. Đang xây vách buồng thì cha vợ đến xô ngã rồi bỏ đi. Vì cho rằng cha mẹ vợ là người gây nên việc chia rẽ vợ chồng Tuấn, Tuấn ra chợ mua một gói thuốc chuột rồi ra sau bếp đổ nửa gói vào nồi cá đang kho. “Em định khi cha mẹ vợ em chuẩn bị ăn cơm, em sẽ thông báo trong cá kho có thuốc chuột để dọa cha mẹ vợ đưa vợ em ra về với em” - Tuấn thật thà kể. Nhưng không may, ngay sau đó hai em vợ của Tuấn đi học về đã bới cơm ăn. Thấy vậy, Tuấn thú nhận là đã bỏ thuốc chuột và lập tức đưa hai em vợ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Mẹ vợ của Tuấn đã viết đơn tố cáo Tuấn giết gia đình bà.

Phạm Anh Tuấn nhận quyết định đặc xá. Ảnh: H.LỘC

Chúng tôi theo anh đi trên con đường về phía xã Minh Diệu. Ngày Tuấn gây án, con đường hãy còn lầy lội, giờ đã trải nhựa. Tuấn bỡ ngỡ nhìn quanh khi đi trên con đường về nhà.

Trong nhà, nhiều người trong xóm đã có mặt chờ Tuấn trở về. Tuấn lao vào ôm lấy mẹ nức nở: “Con viết nhiều thư xin lỗi má, má có nhận được không?”. Người mẹ gật đầu như vỗ về trẻ nhỏ. Tuấn lại hỏi: “Vợ con đâu?”. Bà mẹ vờ như không nghe câu hỏi, bảo Tuấn vào nhà vì bà con trong xóm đang đợi.

Huỳnh Lộc

HÀN GIANG

Ngày mai - Bài 4: Ngày về của Thảo

Phóng sự ảnh ngày về xúc động của cô gái trẻ với đôi nạng gỗ. Trước khi phạm tội giết người, cô gái tật nguyền ấy từng là nạn nhân của những con thú trạc tuổi mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới