Sáng 16-9, TP Vinh (Nghệ An), Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18-7-2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bà Trương Thị Mai- Thường trực Ban Bí thư- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Trần Tuấn Anh- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng- Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Minh Hưng- Bí thư Trung ương Đảng- Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Nguyễn Khắc Định- Ủy viên Trung ương Đảng- Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Thái Thanh Quý- Bí thư Tỉnh ủy- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh- Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp (hơn 700 đại biểu tham gia) và trực tuyến với kết nối đến 655 điểm cầu trong tỉnh Nghệ An. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tham gia khoảng 41.000 người.
Tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh– Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã thông tin những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong bối cảnh phát triển mới.
Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho Nghệ An phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Bộ Chính trị đã đưa ra năm nhóm quan điểm chỉ đạo cho phát triển tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Đó là: Nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của tỉnh Nghệ An, là cơ sở để xác định rõ nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của tỉnh.
Đặt ra yêu cầu phát triển Nghệ An toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; yêu cầu về cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp cho phát triển của tỉnh và đặt Nghệ An trong tổng thể phát triển vùng và quốc gia.
Tập trung nhấn mạnh phương thức, mô hình phát triển của tỉnh theo hướng phát triển hiện đại, bền vững và theo các mô hình kinh tế mới; định hướng phát triển trọng tâm cho các vùng, miền và tăng cường liên kết phát triển; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Tập trung nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn lực văn hóa và con người Nghệ An, của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ; đưa ra định hướng phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội với môi trường; giữa các vùng, miền; phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc; phát huy truyền thống văn hóa, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí “tự lực, tự cường” của Nhân dân Nghệ An.
Nghị quyết hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ.
Là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp là phải thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hoá mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.
Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển. Trong đó, tỉnh cần tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuân thủ các định hướng của quy hoạch vùng, hệ thống quy hoạch quốc gia...
Tăng cường hợp tác với tỉnh Thanh Hoá, hướng tới hình thành tam giác phát triển khu vực Nam Thanh Hoá - Bắc Nghệ An; hợp tác với tỉnh Hà Tĩnh trong phát triển khu vực Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, nhất là về dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và với các địa phương khác.