Những người giữ hồn cốt văn hóa dân tộc - Bài 2

Nghệ nhân giữ điệu múa cổ cho người Mường xứ Thanh

(PLO)- Ở huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa có một nghệ nhân đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, bảo tồn và trao truyền hồn cốt xứ Mường qua Lễ hội Pồn Pôông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong căn nhà sàn cổ trăm năm của gia đình, bà Phạm Thị Tắng ở thôn Lỏ (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cao hứng kể lại hành trình gìn giữ hồn cốt văn hóa người Mường. Trong đó, đặc sắc nhất là Lễ hội Pồn Pôông ở xã Cao Ngọc đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Sự tích về Lễ hội Pồn Pôông

Theo bà Tắng, từ xa xưa, có nhiều sự tích về cây hoa Pồn Pôông gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương. Cả hai yêu nhau nhưng bị cha mẹ chia cắt tình duyên. Bởi vì chàng Bồng Hương nhà nghèo, khốn khó nên cha mẹ nàng Ờm không chịu gả con gái, thậm chí còn đánh đập nàng Ờm tàn nhẫn rồi đuổi khỏi nhà.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng trong không gian văn hóa người Mường mà bà đã dành cả cuộc đời nghiên cứu, gìn giữ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng trong không gian văn hóa người Mường mà bà đã dành cả cuộc đời nghiên cứu, gìn giữ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương rồi cả hai ăn lá ngón chết bên nhau. Lúc đó, Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng Ờm rồi vắt khăn lên cây chạng pạng. Cây chạng pạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quýt quanh thân mình.

Và cũng từ đó, hoa bông trắng nở vào tháng 3, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy người Mường chọn cây chạng pạng có hoa bông trắng nở để mở hội Pồn Pôông.

Mỗi năm vào mùa lễ hội, người dân cũng làm hoa bằng giấy trắng, giấy hồng cắm lên cây chạng pạng để chuẩn bị cho lễ hội. Đến tận ngày nay, Lễ hội Pồn Pôông trong những ngày đầu xuân đã trở thành nơi giao tình của trai gái dân tộc Mường.

Gia đình bà Tắng có truyền thống làm thầy mo Mường nên từ nhỏ bà đã được gia đình dạy những điệu múa, lời hát xường của người Mường và cách đẽo, gọt làm cây chạng pạng cùng dựng cây bông cao chín tầng với hàng ngàn bông hoa bằng gỗ. Bà còn được truyền dạy đầy đủ các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng cũng như nghi lễ dựng cây bông.

Tâm huyết với giá trị văn hóa Mường

Lễ hội Pồn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng 3 và rằm tháng 7 với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Theo đó, lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam nữ.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng hướng dẫn các điệu múa Pồn Pôông cho thanh niên trong làng. Ảnh: LÊ HỢI

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng hướng dẫn các điệu múa Pồn Pôông cho thanh niên trong làng. Ảnh: LÊ HỢI

Người chủ của Lễ hội Pồn Pôông thường được gọi là Âu Máy (hay còn gọi là bà máy). Vì thế, người dân địa phương thường gọi bà Tắng là máy Tắng. Trong tiếng Mường, “Pồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa, “Pôông” có nghĩa là bông, hoa, “Pồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây bông.

Tháng 11-2015, bà Phạm Thị Tắng được công nhận là nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Năm 2022, bà tiếp tục được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

Bà Tắng vừa kể vừa chỉ xuống sân nhà mình, đây cũng là vị trí tổ chức Lễ hội Pồn Pôông hằng năm của xã Cao Ngọc. Khi tiếng trống, tiếng cồng, chiêng nổi lên cũng là lúc máy Tắng cùng đoàn người trong trang phục truyền thống của người Mường vừa đi vừa nhảy múa, vừa hát quanh cây bông.

Ngay sau đó máy Tắng vừa là thầy cúng vừa là người dẫn chuyện kể lại qua giọng hát bằng những giai thoại sinh ra trời đất, thiết lập bản Mường cũng như thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng cơm mới, thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Các nam thanh, nữ tú sẽ biểu diễn trò mô phỏng các hoạt động đó như cảnh dân làng đuổi hổ dữ, bắt cá, chọi gà, chọi trâu, cày bừa, gặt hái hay trai gái vào hội bói hoa, giao duyên… Qua mỗi lần lễ hội, giá trị văn hóa của người Mường thêm một lần được bồi đắp.

Ra sức truyền dạy

Theo bà Tắng, có một thời gian Lễ hội Pồn Pôông bị lãng quên, mãi đến năm 1987, tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì lễ hội này như được hồi sinh trở lại.

Bà Phạm Thị Tắng và những người đam mê Lễ hội Pồn Pôông ở Cao Ngọc đã đem bản sắc của dân tộc mình đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, gặp gỡ, mang về không ít giải nhất, huy chương vàng…

Lễ hội Pồn Pôông đến nay không chỉ trở thành trò chơi, trò diễn của riêng người Mường ở Thanh Hóa mà còn là di sản của quốc gia. Vì thế, để văn hóa của người Mường không bị mai một, bà Tắng đã liên tục dành nhiều thời gian để truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pồn Pôông cho các thế hệ người Mường.

Đến nay số người được bà Tắng truyền dạy đã lên đến hàng trăm người, trong đó có cả những em bé ở lứa tuổi tiểu học cũng bắt đầu biết hát, biết múa Pồn Pôông. “Tôi mong rằng sau khi tôi mất đi thì những điệu hát, nhảy trong Lễ hội Pồn Pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường” - bà Tắng tâm sự.

Lễ hội Pồn Pôông kể lại đời sống người Mường

Loại hình nghệ thuật Pồn Pôông có 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc, trong đó bà Máy là nhân vật chính, cùng các vai diễn khác như ông Pố, nàng Quắc, nàng Choóng Loong, vua Út, vua Ả, vua Cả, vua Hai... và hệ thống âm nhạc đặc sắc của người Mường như sáo ôi, tam bu, cồng chiêng.

Lễ hội Pồn Pôông chính là tái tạo, mô phỏng và kể lại toàn bộ đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường kể từ lúc sơ khai phát nương làm rẫy, chia đất, chia nước, dựng nhà, trồng lúa, thêu dệt thổ cẩm, săn đuổi thú dữ, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông, bói bông, làm cơm mời Mường, mời bạn ăn cơm mới, uống rượu cần…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm