Rừng tràm ở Khu du lịch sinh thái Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên (An Giang) hơn chục năm qua có rất nhiều người ngày ngày vào đây quét lá rừng mang về chụm bếp để nấu đường thốt nốt. Mấy tháng gần đây, khi giá đường thốt nốt vùng Bảy Núi xuống thấp thì bà con làm nghề nấu đường càng tiết kiệm vật liệu đốt, vì thế người ta càng tranh thủ đi quét lá rừng về xài.
Xoay trở khi trấu lên, đường xuống
Tờ mờ sáng, rừng tràm Trà Sư sương mù còn bay lãng đãng. Hơi sương đọng từng giọt trên tàu sen, lá súng thì loáng thoáng trong những vạc rừng đã có bóng người lúi húi nhặt, hốt lá rừng. Vào khu rừng rộng gần 900 ha này lúc 7 giờ sáng đã thấy dân đi quét lá rừng có mặt tự bao giờ.
Những lúc khu rừng vắng khách tham quan, nhìn quanh quẩn xung quanh chỉ thấy toàn người quét lá. Xa xa đằng kia, theo con đường mòn hai bên tràm mọc thẳng đuột là những bao chứa lá rừng chất đống. Cứ đi một đoạn vài trăm mét nơi bìa rừng là có vài bao lá chất tựa vào cây.
Vừa thấy chúng tôi dừng xe đột ngột, chị Neàng Nho như hốt hoảng. Sau vài câu chuyện vãn, chị Nho mới dám cởi mở chuyện trò, vừa nói tay chị vừa lia lịa quét gom lá rừng thành đống. “Gia đình tôi nghèo mà phải nuôi bốn đứa con. Cả nhà trông cậy vào nghề thắng đường thốt nốt. Dù đầu tắt mặt tối cả ngày nhưng lơ đễnh chút là thiếu ăn. Để lấy công làm lời từ nghề, hơn 10 năm qua tôi vào khu rừng này quét lá về chụm” - chị Nho, nhà ở ấp Xây-Cốt, xã Văn Giáo, kể. Lom khom giữa đám rừng sau lưng chị là đàn cò lọ mọ tìm mồi.
Hai chị em Neàng Đa, Neàng Na với công việc thường ngày.
Chị Nho tâm sự do gia đình không ruộng đất, hơn chục năm trước vợ chồng chị đã mướn cây thốt nốt của người dân trồng quanh xóm để thu hoạch nước và trái bán kiếm lời. Cuộc sống cứ thế lây lất. Ngày trước, việc thắng đường chụm bằng trấu. Càng về sau giá trấu càng đắt nên nhiều gia đình làm đường phải kiếm củi, lá cây về chụm cho đỡ chi phí. “Năm nay nhà tôi mướn được 40 cây thốt nốt với giá 1,5 triệu đồng. Cũng bao nhiêu cây đó, năm rồi gia đình kiếm được 20 triệu đồng tiền lời. Nhưng giờ con cái đã lớn, đều đi học nên cần nhiều tiền hơn. Bao nhiêu tiền lời đó chỉ đủ trang trải chứ không có dư. Mùa thu hoạch nước thốt nốt làm đường năm nay đã bắt đầu từ hai tháng trước. Dạo này nước thốt nốt lấy được ít mà giá bán đường thì sụt nhiều” - chị Nho tâm sự.
Trong khu rừng tràm Trà Sư không khó nghe được tiếng những con chim nhang sen, điêng điểng đập cánh, tiếng con bìm bịp la hớt hải. Ở những nơi đó, ẩn khuất dưới tán rừng là bóng dáng của những người quét lá.
Cũng có mặt từ sáng sớm, chị Neàng Sóc (30 tuổi, ở ấp Đây-Cà-Hom, xã Văn Giáo) cho hay mình đã quét lá rừng hơn bảy năm nay. Dù vợ chồng trẻ có 6 công ruộng và mới chỉ có đứa con đầu lòng nhưng chi phí thắng đường thốt nốt ngày càng cao, mà giá bán đường lại xuống thấp nên chị cố bươn chải. “Giá đường thốt nốt vùng Bảy Núi hổm rày chỉ còn 13.000 đồng/kg. Vỏ trấu chụm thắng đường năm rồi chỉ có 7.000 đồng/bao, nay tăng lên 13.000 đồng/ bao, bằng giá một ký đường! Do vậy, nhiều người làm đường phải vào rừng quét lá” - chị Sóc nói.
Cũng như bao người đi nhặt lá rừng, hễ mỗi ngày chị Sóc thu gom được bốn bao lá thì có thể đốt tương đương với tám bao trấu. Với giá trấu 13.000 đồng/bao, tính ra chị tiết kiệm mỗi ngày được hơn 100.000 đồng. “Vợ chồng tôi thuê được 35 cây thốt nốt. Dạo này mỗi ngày chỉ thu được 17 kg đường, bán được 221.000 đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, tôi chỉ còn lời được hơn 100.000 đồng. Nếu như mua trấu chụm thì xem như chẳng còn lãi là bao” - chị Sóc thổ lộ.
10 năm nay, ngày nào chị Nho cũng đạp xe 7 cây số tới rừng quét lá.
Những mẻ đường thốt nốt ra lò từ nguồn chất đốt bằng lá cây rừng. Ảnh trong bài: VĨNH SƠN
Lá cây rừng cũng thành của hiếm
Thời gian gần đây, lượng người sớm hôm vào rừng tràm Trà Sư quét lá rừng về chụm ngày càng đông. Dù lá cây rừng ở Trà Sư rất nhiều nhưng cứ đà này thì tới đây có khi nó sẽ trở thành vật liệu đốt khan hiếm của một vùng. “Mấy năm trước khi giá trấu còn thấp, dân làm đường kiếm lời khá thì ít người vào rừng. Bây giờ ngó qua ngó lại toàn thấy người đi quét lá rừng. Mỗi ngày ở đây có không dưới 20 người vào quét. Ngày trước có thể ngày vào rừng ngày nghỉ, còn bây giờ thì hầu như ngày nào tôi cũng phải vào quét lá mang về” - chị Neàng Sóc kể thêm.
Ở một góc rừng vắng, chị em của Neàng Đa (18 tuổi) và Neàng Na (16 tuổi, ở ấp Mằng Gò, xã Văn Giáo) cũng đang lúi húi quét lá rừng. Khi thấy người lạ mặt, Neàng Đa ngại ngùng nấp mình vào đám cây, còn Neàng Na thì… bẽn lẽn. Na cho biết nhà hai em cách rừng hơn 5 cây số, từ tờ mờ sáng hai chị em đã thức dậy ăn cơm nhà rồi chạy xe máy đến đây quét lá. Cây chổi quét lá rừng được làm bằng nhiều nhánh tre nhỏ cột lại. Họ luồn lách theo những gốc cây rừng quét mót từng chiếc lá khô gom lại thành đống rồi hốt dồn vào bao. Cứ thế, chị em của Na quần quật đến 1, 2 giờ chiều mới chở được lá rừng về nhà. “Mẹ em nói do có em nhỏ nên hai chị em của em phải ở nhà trông em, không cho đi học nên em không biết chữ. Hai năm nay do gia đình túng khó, giá trấu tăng mà giá đường thốt nốt lại giảm nên cha em kêu hai đứa em đi quét lá về chụm. Ngày nào chúng em cũng phải vào rừng và quét từ sáng cho tới chiều mới về” - Na tâm sự.
Neàng Na còn kể nhà em có năm người mà chỉ có 5 công ruộng nên rất khó khăn. 10 năm trước, để có phương tiện đi xa cắt cỏ nuôi bò, cha Na mượn tiền hàng xóm mua được chiếc Honda giá 13 triệu đồng. Bây giờ, xe này buổi sáng chị em Na làm chân đi quét lá rừng, chiều về dành cho cha đi cắt cỏ. “Em thấy mấy cô, mấy chị vào đây quét lá hầu hết đi bằng xe đạp. Nhà ai cũng ở rất xa, có khi cách rừng 10 cây số. Chở lá bằng xe đạp chạy cực lắm, vì nó cứ chao đảo. Dạo này gió lớn nên xe chở lá rừng mỗi chuyến về đến nhà có khi mất cả giờ đồng hồ. Nhờ mấy chú kiểm lâm cho quét nên có lá cây mang về thường xuyên. Tụi em chỉ vào đây lấy lá cây chứ không bắt chim, cò hay cá ở rừng nên không ai la rầy gì hết” - Na hồn nhiên bộc bạch.
Rời Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, hình ảnh những người cặm cụi quét lá cây rừng khiến chúng tôi nhớ đến câu ca: “Đố ai quét sạch lá rừng/ Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây”. Hẳn trường hợp này chúng tôi phải “khuyên gió” ngược lại.
VĨNH SƠN