Việc nghệ sĩ nhận quảng cáo sản phẩm sai sự thật, không đúng công dụng sản phẩm đã xảy ra nhiều trong thời gian qua.
Đáng nói hơn, nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng, tiếng nói của họ rất có thể mang lại sự tin tưởng và quan trọng với số đông người dân trong xã hội. Việc quảng cáo không đúng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến người dân, người tiêu dùng khi mua sản phẩm đó.
Nghệ sĩ Cát Tường xin lỗi vì quảng cáo sai
Gần đây nhất là vụ việc các trang mạng xuất hiện nhiều video quảng cáo của nghệ sĩ Cát Tường nói quá sự thật về công dụng của một sản phẩm sữa có thể chữa nhiều bệnh. Điều này đã gây không ít phản ứng từ phía người dân.
Trước lùm xùm đó, ngày 24-9, nữ nghệ sĩ đã lên tiếng thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi do bản thân nói chưa đúng những từ chuyên môn, nữ nghệ sĩ mong dư luận cho cơ hội để sửa sai.
Nghệ sĩ Cát Tường cũng hứa sẽ bù đắp lại những cái sai đã làm và sẵn sàng khắc phục hậu quả cho sự việc vừa qua.
Sau vụ việc của Cát Tường và một số nghệ sĩ khác, bạn đọc cho rằng các nghệ sĩ chưa nhận thức rõ hậu quả có thể gây ra từ chính việc làm của mình. Đừng vì món lợi trước mắt mà phớt lờ những quy định pháp luật.
Nên xem lại văn hoá quảng cáo
Trao đổi với PV, TS Trần Long, nguyên Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-TP.HCM, cho biết việc các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật có thể xem là một hiện tượng xã hội và cần được khắc phục ngay.
Theo TS, nguyên nhân dẫn đến vấn đề nghệ sĩ quảng cáo không đúng sự thật là do một số nghệ sĩ họ không nắm rõ được các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, những sản phẩm được quảng cáo không phải là chuyên môn của họ...
“Cái nào không thuộc lĩnh vực của mình thì đừng lấn sân. Nếu bản thân không chắc chắn hiểu rõ cũng như chưa đủ kiến thức về sản phẩm đó thì không nên quảng cáo. Bản thân nghệ sĩ không phải là một chuyên gia về y tế thì điều đó càng không nên. Còn với người dân, người tiêu dùng trước khi mua một sản phẩm nào đó cũng cần phải tìm hiểu rõ về sản phẩm”, TS Trần Long nói.
Cũng theo TS Trần Long, từ việc quảng cáo sai sự thật, các doanh nghiệp, tổ chức, công ty… cần phải xem xét lại văn hoá quảng cáo cũng như văn hoá thương hiệu để hình ảnh quảng cáo được hoàn thiện hơn trong mắt mọi người.
Quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, không chỉ riêng nghệ sĩ mà tất cả mọi người đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố… sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.
Ngoài ra, tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021 quy định người vi phạm còn phải bị áp dụng biện pháp khắc phục như tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo; Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân; Buộc cải chính thông tin. Tùy vào tính chất của sản phẩm được người vi phạm quảng cáo mà sẽ áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp theo quy định.
Mặt khác, theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối. Cụ thể, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM