Ngày 9-10, UBND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã làm lễ công bố đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một”.
Lãnh đạo TP Thủ Dầu Một tri ân các cá nhân đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển nghề sơn mài. Ảnh: LÊ ÁNH
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Lộc Hà, Chủ Tịch UBND TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết, vào năm 2016 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Thủ Dầu Một. Các sản phẩm sơn mài là sự kết hợp tinh hoa, văn hóa vùng phía bắc kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng và con người miền nam cho ra những sản phẩm độc đáo được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng.
Đến nay, có khoảng 330 hộ với trên 800 lao động đang tham gia hoạt động sản xuất sơn mài.
“Xác định việc bảo tồn và phát triển nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng và lâu dài nên UBND TP Thủ Dầu Một đã quyết định xây dựng đề án này”, ông Hà nhấn mạnh.
Khách tham quan các sản phẩm sơn mài tại phòng trưng bày. Ảnh: LÊ ÁNH
Đề án được phê duyệt vào tháng 3-2020 có tổng diện tích khoảng gần 6 ha, nằm tại phường Tương Bình Hiệp. Đề án được thực hiện trong 4 năm với nhiều nội dung như: Đầu tư xây dựng làng nghề, giới thiệu sản phẩm, quảng bá du lịch…
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, việc bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là trách nhiệm của địa phương Tương Bình Hiệp. Đây còn là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự đồng tình quyết tâm ủng hộ của nhân dân tỉnh Bình Dương.
Quá trình hình thành và phát triển nghề sơn mài Tương Bình Hiệp Nghề sơn mài bắt nguồn từ nghề đồ sơn là một nghề thủ công dân gian lâu đời của dân tộc ta. Ở Bình Dương quá trình khai hoang lập ấp lưu dân ở miền bắc, miền trung đổ về mang theo những nghề thủ công truyền thống. Quá trình làm việc sáng tạo, kết hợp với con người và thổ nhưỡng nơi đây nghề đồ sơn và các nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ. Nghề đồ sơn tập trung ở hai làng Tương Bình và Tương Hiệp thuộc tổng Bình Phú (1916). Năm 1927 hai làng này sát nhập thành làng Tương Bình Hiệp. Năm 1930, một số sinh viên trường Mỹ Thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), đã nghiên cứu thành công loại sơn cánh gián cho khả năng mài được với nước. Cho ra sản phẩm được bền đẹp hơn. Đây là bước ngoặt trong lịch sử nghề đồ Sơn tạo ra một nghề thủ công mới là nghề sơn mài. |