Nghệ thuật giật gân của “Ám ảnh kinh hoàng”

Giữa mùa phim hè toàn bom tấn, “The Conjouring” bất ngờ nổi lên như một hiện tượng thành công nhất của dòng phim kinh dị siêu nhiên trong vòng một thập niên trở lại đây. Được sản xuất với kinh phí vẻn vẹn 20 triệu USD, đến nay phim đã thu về trên 243 triệu USD trên toàn thế giới. Con số khiến người ta phải tự hỏi vì sao bộ phim kinh dị nhỏ bé và không có ngôi sao này lại thành công đến vậy.


Nghệ thuật giật gân của “Ám ảnh kinh hoàng” ảnh 1
“The Conjouring” được chiếu tại VN từ ngày 6/9, muộn hơn gần 2 tháng so với thế giới.

Thực tế, “The Conjouring” là một bài học thành công gây tranh cãi ở khía cạnh quảng bá phim. Nó không cần đến những buổi ra mắt rầm rộ hay quảng cáo dội bom ở khắp nơi, mà tìm cách len lỏi vào đời sống bằng những đoạn phim, hình ảnh “hé lộ” về một câu chuyện hoàn toàn có thật, nay được dựng thành phim. Mà có lẽ không gì kích thích sự tò mò cho bằng một chuyện ma quỷ “có thật” với đầy đủ nhân chứng, “vật chứng”. Trong cách quảng bá hình ảnh của “The Conjouring”, những người làm tiếp thị đã tỏ ra khéo léo khi sử dụng những nguyên mẫu ngoài đời thật, để họ nói về bộ phim được cho là dàn dựng từ những tài liệu và trải nghiệm của chính người họ. Đó là câu chuyện của cặp vợ chồng Carolyn và Roger Perron và 5 cô con gái Andrea, Cynthia, Nancy, April, Christine, xảy ra vào năm 1971, khi họ chuyển đến trang trại ở Harrisville (Rhode Island) sinh sống. Ngay trong ngày đầu tiên, căn nhà mới đã liên tiếp xảy ra những chuyện bất thường: những chiếc đồng hồ ngừng ở thời điểm 3 giờ 7 phút, Christine bị kéo chân khi đang ngủ, Nancy mộng du, April nhìn thấy hồn ma, những con chim lao vào chết bên hiên nhà, những khung ảnh trên tường bị giật vỡ…, buộc gia đình phải mời vợ chồng nhà ngoại cảm săn ma quỷ là Ed và Lorraine Warren tới giúp đỡ. Cách dọa “chuyện ma có thật” thật ra khá phổ biến ở dòng phim kinh dị siêu nhiên, như “The Amityville Horror”, “The Exocist”, “The Haunting in Connecticut”. Nhưng “The Conjouring” biết cách tăng phần ép phê cho mình bằng cách phát đi cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc tới nhiều khán giả ở khu vực Bắc Mỹ trước lúc mua vé. Rằng, bộ phim có thể “gây rối loạn cảm xúc và tâm lý”, “nhiều người dự các suất chiếu sớm phàn nàn về những chuyện bất thường mà họ trải qua kể từ khi xem bộ phim”. Và vì vậy, để bảo đảm an tâm cho khán giả, một linh mục đã được mời tới rạp để “hỗ trợ tinh thần và/hoặc tiến hành nghi thức giải tội nếu bạn cảm thấy cần”. Những cách tiếp thị khéo léo kiểu như vậy khiến bộ phim được biết tới nhờ chính khán giả loan tin nhau theo kiểu rỉ tai, hơn là vì ầm ĩ trên phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng công bằng mà nói, bộ phim thành công cũng còn nhờ bản thân nội dung. Trong tình trạng nhiều phim kinh dị quá nghèo nàn ý tưởng dẫn đến việc lạm dụng âm thanh và hình ảnh đáng sợ để dọa khán giả, “The Conjouring” cho thấy một cách làm khác. Đạo diễn người Mỹ gốc Hoa James Wan (phim “Insidious”, “Saw”) và hai biên kịch Carey và Chad Hayes không chỉ nắm bắt được đâu là quy luật của tâm lý sợ hãi, mà còn là những người biết cách kể chuyện đầy dọa dẫm. Không tham lam, ôm đồm một đường dây câu chuyện quá phức tạp, toàn bộ sáng tạo của bộ phim tập trung dàn dựng thật chi tiết cuộc xung đột giữa một gia đình với thế lực siêu nhiên hiện diện ngay trong ngôi nhà của họ. Qua đó làm bật lên hai chủ đề của đời thường: tình cảm gắn bó của gia đình và niềm tin vào những đấng thiêng liêng. Trên mô típ đã quá quen thuộc như vậy, bộ phim tung các đòn “dọa ma” tăng dần từ thấp tới cao, cho tới khi hoàn toàn bùng nổ đầy nghẹt thở vào những phút cuối. Và vì ai nấy vào rạp xem phim là để được thấy… ma trên màn ảnh, “The Conjouring” đã dẫn dụ họ vào một trò chơi xấp ngửa liên tục như thể trò ú tim. Ngay khi tưởng chừng sẽ thấy ma thì ma lại không có, và lúc tưởng đã an toàn thì lại đầy nguy hiểm. Với một kịch bản tốt như vậy, bộ phim có lý khi chẳng cần viện tới những ngôi sao hạng A, và nếu có hẳn sẽ làm hỏng cả không khí của bộ phim. Nhưng chắc chắn, những ai ghiền phim sẽ không thể bỏ qua hai cái tên đóng chính trong phim này: Vera Farmiga (phim “Up in the air”) và Patrick Wilson (phim “Little Children”). Còn khán giả nào đã thấy rợn người với thứ âm nhạc ma quái trong “Insidious” cũng sẽ gặp lại cảm giác tương tự trong phim này, do cùng được sáng tạo bởi nhà soạn nhạc Joseph Bishara.
Theo Minh Chánh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm