Nhiếp ảnh gia người Anh Lee Chapman, đồng sáng lập tờ Tokyo Times, mới đây đã có bộ ảnh ghi lại khoảnh khắc của những người đàn ông uống say bí tỉ rồi ngủ lại khắp nơi trên đường phố Nhật Bản. Bộ ảnh đã phần nào phản ánh nét văn hóa, cuộc sống của Nhật Bản theo cách mà ít người nghĩ tới.
Không hề bị mất trộm
Ở Nhật Bản, có một cụm từ dùng để chỉ những nhân viên văn phòng uống say rồi ngủ lại trên đường, đó là “salaryman”. Họ có thể là doanh nhân hoặc nhân viên văn phòng làm việc hưởng lương cố định. Vào một ngày cuối tuần điển hình, sau khi kết thúc công việc, họ đổ về các quán rượu, nhà hàng rồi uống say bí tỉ. Mỗi buổi tối như vậy “có hàng ngàn salaryman ngủ lại trên đường phố”. Nhiều người còn mặc nguyên bộ quần áo đi làm nhưng vẫn ngủ ngon lành trên vỉa hè, ga tàu điện, bến tàu,… trong khi vali đựng tài liệu của họ vẫn để một bên.
Hình ảnh này đã trở nên quá quen thuộc ở Nhật, đến mức những người đi ngoài đường khi nhìn thấy họ, đơn giản sẽ lịch sự bước qua hoặc ngồi tránh ra trên tàu điện ngầm. Trên các trang mạng xã hội thậm chí có nhiều nơi chuyên chia sẻ hình ảnh say xỉn của các “salaryman” này cùng những lời bình luận như “Một nét văn hóa rất Nhật Bản”.
“Tôi không nghĩ rằng việc này là xấu. Trên thực tế, bạn không thể ngủ như vậy ở bất cứ đâu trên thế giới vì bạn sẽ bị cướp. Tôi thấy những người đàn ông Nhật nằm ngủ với chiếc điện thoại iPhone ngay trên ngực họ, tuy nhiên không ai động đến. Ví của họ cũng rơi ngay bên cạnh, túi xách thậm chí có thể mở toang nhưng không ai trộm cả” - ông Thom O’Brien, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức ảnh chụp người say Nhật Bản trên mạng xã hội Instagram, trả lời phỏng vấn tờ Vice.
Vậy tại sao uống rượu say xỉn rồi ngủ lại ngoài đường lại được coi là một hành động chấp nhận được, đặc biệt là trong một xã hội phương Đông như Nhật Bản? Theo trang SoraNews24, câu trả lời chính là vì người Nhật Bản nổi tiếng là coi trọng công việc hơn bất cứ chuyện gì khác nên họ cũng sẽ sẵn sàng tha thứ cho hành vi say xỉn vì công việc.
Mỗi cuối tuần ở Nhật Bản sẽ có hàng ngàn người uống rượu say khướt rồi ngủ lại trên đường phố. Ảnh: TOKYO TIMES
Được nhận trợ cấp để nhậu
Các “salaryman” từ lâu đã trở thành một trong những tầng lớp quan trọng trong nền kinh tế của Nhật Bản với số lượng ngày càng tăng. Ở xứ sở mặt trời mọc, uống rượu với khách hàng hoặc đồng nghiệp là dấu hiệu của sự trung thành với công ty và được coi là “một phần của công việc”. Trên thực tế, từ chối uống rượu với ông chủ là một sự xúc phạm và có thể phá hỏng sự nghiệp của bạn. Các nhân viên thậm chí còn được hưởng một khoản trợ cấp đặc biệt để đảm bảo họ không có lý do gì mà từ chối tham dự cuộc vui.
Chính phủ Nhật gần đây đã ước tính có hơn sáu triệu người ở nước này bị các vấn đề liên quan đến rượu - phần lớn là do văn hóa uống rượu với sếp hoặc đồng nghiệp sau giờ làm việc, theo hãng tin Mirror của Anh. Hiện tượng nghiện rượu nặng này cũng đã được các phương tiện truyền thông Nhật Bản liên tục phản ánh trong những năm gần đây.
Một công ty quảng cáo ở Nhật Bản thậm chí còn đầu tư hẳn một video về các “salaryman” để phát động chiến dịch nâng cao nhận thức về rượu. Hình ảnh các doanh nhân, nhân viên văn phòng uống say bí tỉ rồi ngủ gục ngoài đường, được lan truyền trên mạng xã hội cùng những lời kêu gọi mọi người nên từ bỏ thói quen này.
Nghệ thuật… ngủ ngon ngoài đường
“Người Nhật Bản không ngủ” là một tuyên bố về văn hóa và xã hội vô cùng thú vị của nhiều người dân ở Nhật Bản, theo bài viết của TS Brigitte Steger, khoa Nghiên cứu văn hóa châu Á và Trung Đông, ĐH Cambridge, Anh, đăng trên hãng tin BBC.
Những nhân viên văn phòng Nhật Bản có thể ngủ gục ở bất cứ nơi đâu: trong cuộc họp công ty, trong lớp học hay trên những chuyến tàu điện, xe buýt và thậm chí cả trên đường phố, công viên. Người Nhật thậm chí còn dùng thuật ngữ “inemuri” để đặt tên cho hiện tượng này.
Nét văn hóa này bắt nguồn từ cuối những năm 1980, khi nền kinh tế xứ Phù Tang đang phát triển ở đỉnh cao và cuộc sống của người dân càng bận rộn hơn. Mỗi ngày người dân đều lao vào các cuộc họp công việc, những hoạt động vui chơi giải trí và hầu như chẳng có thời gian để ngủ. Do đó, ngủ gật khi đi làm đã trở thành một hình ảnh phổ biến ở quốc gia này.
Ở Nhật, “inemuri” không được coi là một giấc ngủ. Nếu bạn “inemuri”, bạn không bị coi là lười biếng mà ngược lại, bạn sẽ được xem là một nhân viên chăm chỉ vì nó chứng tỏ bạn đã thức suốt đêm làm việc. Chính vì những chuẩn mực văn hóa này mà người dân Nhật Bản có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ ở bất kỳ đâu và trước sự hiện diện của bất kỳ ai. Thậm chí nhiều người trưởng thành nói rằng họ cảm thấy ngủ tại công ty còn ngon hơn ngủ một mình ở nhà.
Vợ mừng khi chồng ngủ ngoài đường “Nếu bạn là công nhân, nhân viên bậc trung và không có năng lực nổi bật, uống rượu với sếp là cách dễ dàng hơn để bạn thăng tiến. Xây dựng mạng lưới quan hệ trên bàn nhậu cũng rất hiệu quả, thay vì cứ vùi đầu làm việc cả ngày lẫn đêm” - chuyên gia tư vấn Shinsuke Suzuki trả lời trên tờ Japan Today hồi năm 2014 về hiện tượng đã có từ lâu này của Nhật Bản. “Nếu bạn về nhà sớm, vợ bạn sẽ lo lắng. Vợ của bạn sẽ mắng là vì sao không tham gia tiệc với ông chủ. Còn nếu bạn về nhà trễ hoặc thậm chí không về, vợ của bạn sẽ biết rằng bạn đã nỗ lực hết mình trong công việc”. |