Nghi án oan giết người ở Bình Dương

Gửi đơn tới Pháp Luật TP.HCM, chị Vương Thị Mỹ Hằng trình bày: Chồng chị là Nguyễn Hùng Minh cùng bạn là Nguyễn Văn Ngọc đã bị VKSND tỉnh Bình Dương truy tố oan về tội giết người với vai trò đồng phạm.

Xô xát, đánh nhau vì một câu chửi

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Dương, khoảng 23 giờ ngày 12-10-2014, Minh, Ngọc cùng Nguyễn Hữu Tình và ba người khác uống bia tại một quán nhậu thuộc thị xã Dĩ An (Bình Dương). Do có mâu thuẫn trong bàn nên Minh và Ngọc về trước. Cả hai đi ngang qua bàn bên cạnh thì Vương Hoài Phong (đang ngồi nhậu cùng Huỳnh Văn Líp ở bàn này) lớn tiếng chửi: “Tụi bay qua đây chơi tao hả?”. Minh trả lời: “Nãy giờ ai kiếm chuyện với tụi bay đâu mà chơi?”. Xong Minh lấy xe máy chở Ngọc về.

Ra khỏi quán được khoảng 20 m, Minh bực tức về chuyện bị Phong chửi nên vòng xe quay lại, chạy xe đâm thẳng vào bàn nhậu của Phong. Xô xát lập tức xảy ra giữa bốn người, một bên là Minh, Ngọc với một bên là Phong, Líp.

Lúc này, Tình vừa đi từ nhà vệ sinh ra, thấy cảnh xô xát liền chạy tới lấy một ly thủy tinh đập vào đầu Phong. Líp định xông tới đánh Tình thì bị Ngọc cầm ghế nhựa đuổi chạy ra đường. Tình tiếp tục nắm tóc Phong đập đầu xuống nền bê tông. Mọi người can ngăn và đưa Phong đi cấp cứu. Ngày 19-10-2014, Phong tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.

Bị cáo Nguyễn Hùng Minh (ảnh phải). Chị Vương Thị Mỹ Hằng, vợ bị cáo Minh (ảnh do gia đình cung cấp). Ảnh: L.TRINH

Chưa rõ yếu tố đồng phạm

Sau đó Tình, Minh, Ngọc bị bắt, bị khởi tố, truy tố về tội giết người. Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2015, TAND tỉnh Bình Dương đã xác định đây là trường hợp đồng phạm giản đơn và phạt Tình 15 năm tù, Minh 14 năm tù, Ngọc 12 năm tù về tội này.

Sau đó Minh, Ngọc kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 9-2016 của TAND Cấp cao tại TP.HCM, Minh và Ngọc kêu oan rằng không đồng phạm giết người với Tình như các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định.

Đại diện VKS cho rằng cấp sơ thẩm xét xử Minh, Ngọc với vai trò đồng phạm giết người là có căn cứ, không oan. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định trong vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ:

Tại phiên tòa phúc thẩm và tại các bút lục trong hồ sơ vụ án, Tình luôn khai: Sau khi đi vệ sinh ra, nhìn thấy xô xát nên đến can ngăn. Do Tình bị Phong chửi và đánh nên đã đánh lại. Minh và Ngọc không có yêu cầu hay ra hiệu cho Tình đánh Phong. Lúc Tình đánh Phong thì không nhìn thấy Minh, Ngọc đánh Phong. Trong khi đó, Minh và Ngọc đều khai khi Tình đánh Phong thì cả hai đang đuổi theo Líp, không tham gia đánh Phong.

Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm đã không làm rõ về không gian và thời gian khi Tình đánh Phong thì Minh và Ngọc có mặt hay không? Minh và Ngọc đang làm gì? Có tham gia đánh ai không? Có tham gia cùng Tình đánh Phong không? Mặc dù mâu thuẫn và xô xát là do Minh, Ngọc khởi xướng nhưng diễn tiến tiếp theo dẫn đến việc Tình đánh Phong chưa được làm rõ. Minh, Ngọc, Tình có cùng bàn bạc, có ánh mắt, ám hiệu gì hoặc có cơ sở nào chứng minh tiếp nhận ý chí của nhau để cùng đánh Phong hay không?

Tòa phúc thẩm nhận định việc làm rõ các vấn đề trên rất cần thiết để có cơ sở xác định Minh, Ngọc có đồng phạm giết người với Tình hay không. Từ đó tòa phúc thẩm đã quyết định hủy một phần bản án sơ thẩm đối với Minh và Ngọc, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.

Thế nào là đồng phạm?

Theo Điều 20 BLHS hiện hành, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Theo ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Ví dụ: A cắt khóa vào nhà kho lấy trộm một chiếc tivi. B nhìn thấy, đợi A bê tivi ra ngoài sau đó lẻn vào nhà kho lấy trộm một chiếc quạt bàn và một số phụ tùng xe máy. Khi ra khỏi kho được 200 m thì cả A và B đều bị bảo vệ cơ quan phát hiện bắt giữ. Tuy cả A và B đều thực hiện tội trộm cắp tài sản nhưng không cùng thực hiện nên không coi trường hợp phạm tội của A và B là đồng phạm.

Chế định đồng phạm quy định trong BLHS có hai loại là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, câu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu…

___________________________________

Từ khi chồng tôi bị bắt, cuộc sống gia đình gần như bế tắc. Sáng tôi gửi con cho ngoại rồi đi phụ bán quán phở, chiều về nướng chuối, vừa bán vừa chăm con, rồi còn đi kêu oan, thăm nuôi chồng. Trên đường kêu oan cho chồng, tôi gặp được em gái của anh Nguyễn Văn Ngọc cũng kiên trì đi kêu oan cho anh trai mình. Với niềm tin rằng chồng tôi và anh Ngọc không phải là đồng phạm giết người, cực khổ mấy chúng tôi cũng cam lòng, quyết không bỏ cuộc.

Chị VƯƠNG THỊ MỸ HẰNG, vợ Nguyễn Hùng Minh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm