Người bị oan bật khóc vì 4 năm tù oan, 5 phút xin lỗi

Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng đã gây ra oan cho người vô tội thì phải xin lỗi, bất kể người bị oan có yêu cầu xin lỗi hay không.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh dù chiếm tỉ lệ rất nhỏ nhưng án oan là nỗi đau. “Những vụ án oan của ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là điển hình” - bà Thủy nói.

Bà Thủy là tiến sĩ chuyên ngành Luật hình sự, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND Tối cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy: "Khi đã gây oan, sai thì cơ quan tố tụng phải xin lỗi"

Liên quan đến bồi thường oan trong tố tụng hình sự, bà Thủy lưu ý đến vấn đề tổ chức xin lỗi công khai người bị oan. Theo dự thảo luật, đây là một trong những thủ tục trong quá trình bồi thường oan, việc công khai xin lỗi chỉ diễn ra khi người bị oan có yêu cầu.

Bà Thủy nói: “Khi đã gây oan sai thì cơ quan tố tụng phải xin lỗi, không phụ thuộc vào người bị oan có yêu cầu hay không. Khi một người bị bắt giữ, còng tay dẫn đi trước gia đình người thân, bà con lối xóm, họ đã bị tổn thương rất lớn rồi chứ không đợi đến sau này có bản án oan hay không. Vì vậy, khi đã gây oan sai thì phải xin lỗi”.

Bà Thủy đề xuất dự luật phải quy định trình tự thủ tục xin lỗi người bị oan, chứ không nên giao cho Bộ Tư pháp quy định. Bởi theo bà Thủy, việc xin lỗi người bị oan những năm gần đây diễn ra qua loa, hình thức có nguyên nhân từ việc trình tự, thủ tục xin lỗi chưa được quy định trong luật.

“Việc xin lỗi người bị oan sai phải đúng mức, tránh tình trạng người ngồi bị tù oan bốn năm nhưng xin lỗi chỉ năm phút, khiến người bị oan bật khóc ngay tại buổi xin lỗi” - bà Thủy nói.

Về vấn đề bồi thường, bà Thủy cho rằng nếu dự luật quy định phải có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu không bồi thường là thể hiện sự không thực tâm. “Cần quy định cứ gây ra oan là phải xin lỗi, bồi thường, không cần đợi người bị oan có yêu cầu hay không” - bà Thủy bày tỏ quan điểm.

Dự luật cũng quy định rằng cơ quan cuối cùng trong tiến hành tố tụng gây ra oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bà Thủy cho rằng quy định như trên là chưa thỏa đáng, cần phải quy trách nhiệm cho các cơ quan trong suốt quá trình tố tụng. Dẫn chứng việc chỉ có tòa án là đơn vị xét xử cuối cùng chịu trách nhiệm đứng ra bồi thường trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, bà Thủy cho rằng như thế là không phù hợp. Bởi việc gây ra án oan ông Nguyễn Thanh Chấn có cả vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng khác như cơ quan điều tra, viện kiểm sát…

Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An), Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đồng tình cho rằng gây ra án oan thường là lỗi hỗn hợp của cả ba cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, nên cả ba cơ quan này phải chịu trách nhiệm. Việc bồi thường oan sai nên giao cho cơ quan cuối cùng gây ra án oan (là tòa án) chủ trì việc bồi thường oan sai sẽ phù hợp hơn.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng không nên kéo dài việc bồi thường cho người bị oan vì bất cứ lý do gì. Bởi những oan khuất, thiệt thòi cho người bị oan và gia đình họ là khó có thể bù đắp được.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Chánh án TAND TP Hà Nội) dẫn câu tục ngữ “nhất tội nhì nợ” để nói rằng những người bị oan phải chịu nhiều khốn khó. Ông Chính nói cần phải đề cao đạo đức công chức trong vấn đề này để trách nhiệm xin lỗi, bồi thường được tiến hành nhanh hơn. Ông Chính cũng đồng tình các cơ quan liên đới gây ra oan sai đều phải có trách nhiệm bồi thường.

Bộ trưởng Lê Thành Long trong phần giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội nói rằng: Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến được các đại biểu đưa ra. Đồng thời, giải thích rõ hơn nhiều vấn đề về nguyên tắc, thủ tục bồi thường nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm