Nghi lộ đề kiểm tra giữa kỳ tại trường THPT Thủ Thiêm

Sự việc được cho là xảy ra ở môn văn khối 10 trong đợt kiểm tra giữa học kỳ 2 vào chiều 2-3 tại trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).

Theo đó, khi bắt đầu làm bài kiểm tra văn, tất cả HS khối 10 của trường tỏ ra phấn khởi vì đề sát với nội dung các em đã được ôn ở lớp, thậm chí có những lớp vừa được giáo viên cho ôn tập y chang nội dung đề kiểm tra. HS vui sướng vì “trúng tủ” nhưng sự việc đã gây bức xúc và tranh cãi trong đội ngũ giáo viên của tổ và ở những lớp đề chưa trúng tủ 100%.

Đề thi giữa kỳ môn văn khối lớp 10 trường THPT Thủ Thiêm

Cụ thể, đề có hai phần, đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Phần làm văn yêu cầu HS “thuyết minh về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Trãi”. Còn phần đọc hiểu có 4 câu hỏi nhỏ xoay quanh bài ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà/nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/Nhớ ai dãi nắng dầm sương/Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.

Một số HS cho biết, cả hai nội dung trên đều đã được cô N. ôn kỹ ở lớp. Như ở phần làm văn, các lớp chỉ ôn hai nội dung là “Tác giả của tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo – tức Nguyễn Trãi” và “chuyện chức phán sự đền Tản Viên”. Còn phần đọc hiểu, các em cũng đã được cô giáo đọc cho HS chép kỹ ở lớp cả đề lẫn lời giải. Vì thế, khi thấy đề thì gần như bạn nào cũng làm được mà không cần phải học nhiều.

Một giáo viên trong tổ văn bức xúc cho biết, cách ra đề văn giữa học kỳ khiến HS trúng tủ như thế là bất ổn và không công bằng giữa các lớp. Theo giáo viên này, mọi năm, thường chỉ khoanh vùng nội dung ôn để các em ôn tập và các câu hỏi cũng được chọn từ ngân hàng câu hỏi nhưng năm nay ở phần làm văn chỉ ôn cho HS có 2 nội dung thì quá lợi cho các em vì đề sẽ ra một trong hai nội dung đó. Đề thì do từng giáo viên ra đề riêng và nộp về, trước giờ kiểm tra sẽ có bộ phận phụ trách bốc thăm đề, trúng đề nào thì làm đề đó. Tuy nhiên, trong tổ có 7 giáo viên nhưng được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm các thành viên ra đề giống nhau.

“Cách làm này chẳng khác nào cho HS học tủ một cách quá đơn giản, khiến các em ỷ lại và làm biếng trong việc học và kiểm tra cũng không đánh giá được toàn diện việc học của các em. Không chỉ khối 10 mà khối 11 cũng tương tự” – giáo viên này nói.

Còn ở phần đọc hiểu, giáo viên này cho hay, bất ngờ khi thấy đề y chang nội dung ôn tập ở một số lớp 10 do cô N phụ trách. Không chỉ giống câu từ trong đề mà cô N còn cho các lớp chép luôn bài giải để HS học thuộc. Điều đáng nói, theo giáo viên này, nội dung đề phần đọc hiểu rất hiếm khi trùng với nội dung ôn tập vì việc ra đề phải đảm bảo tính bảo mật, hơn nữa nội dung phần này thường được lấy từ vô vàn các vấn đề trong xã hội hoặc từ nhiều nguồn văn bản để tạo nên câu hỏi của đề chứ không dễ gì trùng từng câu từng chữ.

“Việc trùng nội dung đã rất hiếm gặp và trùng từng câu từng chữ lại càng khó vì câu này dạng đề mở. Vì thế, việc trùng đề rất có khả năng đề bị lộ trước đó. Và đáng nói, việc này vừa làm hư HS mà còn tạo sự bất công cho những lớp đầu tư việc học nhiều. Thậm chí có lớp làm kiến nghị phải kiểm tra lại cho công bằng” – giáo viên này bức xúc.

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã liên lạc với cô N. Cô N cho biết, đúng là nội dung phần đọc hiểu đã được cô cho HS ôn ở lớp và cô lấy nội dung này từ ngân hàng câu hỏi trước đây của tổ Văn nhưng giờ ngân hàng đó không còn sử dụng để ra đề nữa. Tuy nhiên, đó là nội dung cô đã cho HS ôn chứ đề kiểm tra giữa kỳ không phải do cô ra và cô cũng chưa biết ai ra đề đó cả. Theo cô, như thế không thể gọi là lộ đề được và cô cũng đang kiến nghị nhà trường làm rõ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Nghĩa, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã nắm sự việc và đang cho xác minh lại toàn bộ các khâu ra đề để có hướng giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, qua tìm hiểu ban đầu thì việc lộ đề là rất khó xảy ra vì việc bốc thăm đề diễn ra cận giờ kiểm tra và sau thời gian HS ôn tập ở lớp. Hơn nữa, HS làm đề nào là do bốc thăm trong những đề giáo viên tự ra và nộp lên chứ không phải chọn đề theo cảm tính.

Theo ông Nghĩa, việc phần đọc hiểu trùng với nội dung một số lớp ôn xuất phát từ những bất ổn trong tổ. Do trước đây, tổ văn có ngân hàng câu hỏi được bảo mật dùng để ra đề kiểm tra nhưng năm nay khi thay tổ trưởng bộ môn mới thì tổ trưởng cũ không nộp lại ngân hàng đề cho nhà trường nên các giáo viên có giữ và sử dụng.  Do đó, cô N đã lấy nội dung trong đó cho HS luyên tập và đề đó lại do cô T trong tổ ra đề nhưng cũng lấy nguồn từ trong ngân hàng này. Điều này dẫn đến trùng nhau.

Lí giải việc tại sao ở phần làm văn chỉ cho HS ôn tập 2 nội dung để đi thi, theo ông Nghĩa, vì kiểm tra giữa kỳ chỉ là dạng kiểm tra một tiết lấy điểm hệ số hai thôi nên không nhất thiết phải ôn tập dàn trải nhiều nội dung như kiểm tra học kỳ. Vì thế, HS chỉ cần học một vài nội dung để kiểm tra là đủ.

Trước kiến nghị phải tổ chức kiểm tra lại ở một số lớp, ông Nghĩa cho rằng, trường đang trong quá trình xác minh vụ việc. Nếu thực sự có lộ đề thì trường sẽ giải quyết theo hướng lộ đề, nhưng nếu không phải thì không thể tùy tiện tổ chức kiểm tra lại được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới