Đó là ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội được đưa ra trong báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động sửa đổi được báo cáo tại phiên họp chiều 4-11. Đọc tờ trình về dự án bộ luật, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết dự thảo nâng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường từ bốn tháng lên năm tháng; các trường hợp đang nghỉ năm tháng thì được nghỉ sáu tháng, còn quy định mức sáu tháng trước đây vẫn giữ nguyên.
Qua thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm ủy ban, cho rằng xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là sáu tháng, theo tính toán của cơ quan BHXH thì có thể cân đối được. Tuy nhiên, việc tăng thời gian cũng phải quan tâm đến các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ) để hài hòa lợi ích của cả hai bên.
“Chúng tôi cho rằng nên quy định linh hoạt đối với vấn đề này để phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là bốn tháng và tối đa là sáu tháng. Trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ thai sản phù hợp với công việc, cuộc sống của mình” - bà Mai nói. Về việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ như tuổi nghỉ hưu của lao động nam, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng cần được xem xét, nghiên cứu từ bây giờ để có lộ trình hợp lý cho các nhóm khác nhau.
Cũng trong buổi chiều, Quốc hội lắng nghe dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, dự án Luật Công đoàn sửa đổi, dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các báo cáo thẩm tra liên quan đến ba luật này.
T.HẰNG