Nghịch lý ở U Minh Hạ - Bài 3: Nông dân lén lút trồng rừng

Theo báo cáo số 37/BC-SNN ngày 6-3-2012 của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện Công ty U Minh Hạ còn 3.430 ha diện tích đất rừng trống. Trong đó công ty này trực tiếp quản lý 1.553 ha, còn lại là của dân và các doanh nghiệp thuê đất rừng. Điều đáng nói là trong số đất rừng trống ấy có hàng ngàn hecta bị bỏ trống từ năm, sáu năm qua dù nông dân tha thiết muốn trồng rừng.

Cấm trồng nên dân phải lén

Ông Bảy Tửng, một hộ liên doanh đất trồng rừng ở phân trường Sông Trẹm, xã Khánh Thuận (huyện U Minh, Cà Mau), quả quyết đã bị lâm ngư trường không cho trồng rừng từ năm 2006, tức đã sáu năm qua.

“Từ năm 2006, lâm ngư trường, lúc ấy là Lâm ngư trường U Minh II đã tuyên bố không cho dân tiếp tục trồng rừng với lý do gần hết hạn hợp đồng, không đủ chu kỳ và tỉnh định lấy đất lại cho các công ty giấy từ Sài Gòn về thuê đất. Thấy hàng chục hecta đất rừng bị bỏ hoang cho sậy mọc, tôi không nhịn được nên đã lén trồng được gần 20 ha, bây giờ cây đã được ba tuổi” - ông Bảy Tửng kể. Nhiều nông dân ở đây như ông Trần Văn Sơn, ông Trần Trung Quốc… cũng kể y chang như vậy. Ông Sơn cho biết: “Tôi nhớ rõ sau mùa khai thác rừng năm 2006, tất cả hộ liên doanh liên kết sau khi khai thác rừng đều bị cấm trồng lại rừng. Nói thiệt, chính tôi cũng đã lén trồng lại rừng khoảng chục hecta, giờ cây được hơn một tuổi rồi”.

Ông Hai Vĩnh (Ngô Văn Vĩnh, ở xã Khánh Thuận) khề khà kể lại chuyện buồn cười khi đất rừng mà bị cấm trồng rừng trong nhiều năm qua: “Năm 2007, sau khi khai thác 20 ha, tôi với ông Sơn đi mua cây tràm giống về trồng. Mới chuẩn bị đem đi trồng thì cán bộ lâm trường vào bảo ngưng. Báo hại toàn bộ số cây giống năm đó bị bỏ thối hết trơn. Sau này thấy bỏ hoang lâu quá nên dân tiếc mới trồng lại đó chứ. Lén muốn chết!”.

Nghịch lý ở U Minh Hạ - Bài 3: Nông dân lén lút trồng rừng ảnh 1

Nếu chính sách ưu đãi của Nhà nước đến trọn tay nông dân trồng rừng thì cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Ảnh: TRẦN VŨ

Tại khu vực rừng xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời cũng có hàng trăm hecta bị bỏ hoang như thế. Các nông dân ở đây cho biết đã bị cấm trồng rừng từ năm 2005. Dù dân đã lén trồng lại được một ít nhưng vẫn còn vài trăm hecta toàn lau sậy.

Theo báo cáo của Công ty U Minh Hạ thì diện tích đất trống không có rừng hiện nay tại các hộ liên doanh liên kết là 852 ha. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty U Minh Hạ, xác nhận chuyện không cho dân trồng rừng từ năm 2006. Ông Nam nói: “Năm đó tỉnh có chủ trương kêu gọi các nhà máy giấy về trồng rừng nguyên liệu và mở nhà máy sản xuất tại địa phương. Phần diện tích liên doanh liên kết được dự định thu hồi lại giao cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc nên chủ trương này kéo dài đến nay vẫn chưa thể triển khai. Hiện tỉnh đã có chỉ đạo mới, cho dân hợp tác đầu tư trồng rừng lại nhưng đang trong quá trình thương thảo hình thức ăn chia với dân”.

Nhà nước luôn quy định sau khai thác phải trồng lại rừng ngay mùa trồng rừng liền kề hoặc trễ lắm là 24 tháng. Đặc biệt, sau khi có Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29-7-1998 của Thủ tướng về việc trồng 5 triệu ha rừng thì quy định này càng nghiêm hơn. Thế nhưng Cà Mau vẫn bỏ hoang rừng vô tội vạ trong nhiều năm. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?

Đẩy người dân vào thế bí

Từ năm 2007, gần một chục công ty nhảy vào xin thuê đất rừng U Minh Hạ để trồng rừng kinh tế. UBND tỉnh Cà Mau đã “hứa” cho thuê khoảng 5.000 ha nhưng khi triển khai thực hiện thì không tìm đâu ra số đất rừng này. Bởi số hộ liên doanh liên kết (76 hộ, đang giữ 3.310 ha) không đồng ý trả lại, họ đòi được thuê như các công ty hiện hành.

Nghịch lý ở U Minh Hạ - Bài 3: Nông dân lén lút trồng rừng ảnh 2

Ghe thu mua sản phẩm rừng ở U Minh Hạ. Ảnh: TRẦN VŨ

Đến giữa năm 2012, Công ty U Minh Hạ thông báo tiếp tục cho những hộ dân liên doanh liên kết ký kết hợp đồng trồng lại rừng nhưng đổi mới hình thức là “hợp tác đầu tư”. Theo đó, những hộ liên kết sẽ tự đầu tư 100% vốn, đến kỳ khai thác, sau khi trừ các khoản phí, thuế, công ty sẽ được hưởng 30% lợi nhuận (còn lại dân hưởng). Dân không đồng tình, yêu cầu giảm. Cuối cùng, tháng 8-2012, công ty đồng ý giảm với tỉ lệ ăn chia cụ thể: Chu kỳ đầu (mỗi chu kỳ sáu năm) công ty hưởng 15%, hai chu kỳ giữa công ty hưởng 20%, chu kỳ cuối là 25%, bình quân công ty được chia 20%.

Sự nhượng bộ này được một số người dân đồng tình nhưng khi nhận được bản hạch toán của công ty, ai cũng méo mặt. Theo đó, tại chu kỳ trồng rừng thứ nhất, nông dân phải bỏ ra 38 triệu đồng (lấy số tròn) để đầu tư trồng 1 ha rừng keo lai. Sau sáu năm sẽ khai thác được 130 triệu đồng/ha, trừ chi phí khai thác và thuế còn lại 80 triệu đồng. Công ty xem đây là phần lợi nhuận để áp tỉ lệ ăn chia, công ty hưởng 20% (tương đương 16 triệu đồng/ha), còn lại 64 triệu đồng/ha nông dân được hưởng. Với cách tính này, rõ ràng công ty đã quên khấu trừ chi phí đầu vào 38 triệu đồng/ha của nông dân!

Trong khi đó, nếu trừ đi chi phí đầu tư, nông dân thực chất chỉ lãi được 26 triệu đồng/ha/chu kỳ sáu năm (64 triệu đồng được chia trừ đi 38 triệu đồng đầu tư ban đầu). “Với lãi suất như hiện nay, 38 triệu đồng tiền vay sau sáu năm chúng tôi phải trả lãi ngân hàng ít nhất là 23 triệu đồng. Vậy chúng tôi chỉ còn lại 3 triệu đồng/ha/chu kỳ, chưa kể phần trượt giá của đồng tiền. Trong khi phía công ty được hưởng trọn 16 triệu đồng/ha/chu kỳ” - ông Trần Văn Sơn, người trồng rừng ở đây, bức xúc.

Đầu tháng 8-2012, Công ty U Minh Hạ ra thông báo cho các hộ dân phải đến công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư theo phương án ăn chia nói trên. Thông báo nói rõ: “Đến hết ngày 23-8-2012, nếu hộ dân không đến ký hợp đồng thì xem như không có nhu cầu, công ty sẽ thu hồi đất lại”. Xem ra dân trồng rừng lại bị đẩy vào thế bí.

Nhà nước thiệt hại hàng tỉ đồng

Mới đây, ngày 16-7-2012, một sự vụ đã xảy ra ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh (bà con ở đây gọi là “sự kiện Khánh Linh”). Hôm đó, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ bắt quả tang Công ty Khánh Linh (đơn vị được tạm giao gần 1.000 ha đất để trồng rừng) khai thác rừng trái phép. Phía Khánh Linh bảo rằng đã được giao đất, đã bồi hoàn giá trị đầu tư trên đất cho Công ty U Minh Hạ rồi nên phải khai thác rừng để có mặt bằng trồng mới rừng keo lai. Công ty U Minh Hạ thì bảo rằng nguyên tắc khai thác rừng là phải có giấy phép khai thác của Sở NN&PTNT. Lạ một điều, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc sở này, trả lời với báo chí rằng Khánh Linh không sai, dù chưa có giấy phép khai thác.

Theo quy định, các công ty xin thuê đất phải thuê đơn vị tư vấn có chức năng lập phương án bồi hoàn giá trị đầu tư trên đất, trình Sở NN&PTNT phê duyệt, sau đó mới được quyền khai thác giá trị trên đất được giao.

Trên thực tế, Khánh Linh đã khai thác được 113 m3 gỗ/ha tại khu vực rừng được tạm giao, trong khi sản lượng gỗ mà Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phê duyệt công ty này phải bồi hoàn là 77,2 m3 gỗ/ha. (Trữ lượng khai thác gỗ bình quân tại Công ty U Minh Hạ trong tám tháng đầu năm 2012 là 110 m3 gỗ/ha, khu đất có rừng tạm giao cho Khánh Linh cũng có trữ lượng tương tự). Tính ra, Khánh Linh đã “có lãi” ngay 36 m3 gỗ/ha ngay sau khi nhận đất mà không cần đầu tư công sức gì. Và với diện tích (đất đang có rừng) được tạm giao 256,1 ha, xem ra Khánh Linh được biếu không khoảng 9.200 m3 gỗ tràm, tính theo thời giá hiện nay tương đương với 3,5 tỉ đồng!

Rõ ràng trong vụ này đã có dấu hiệu làm thiệt hại tài sản Nhà nước hàng tỉ đồng.

TRẦN VŨ

Kỳ tới: Người dân bị chẹt đủ đường

Ba vấn đề mà nông dân U Minh Hạ đang quyết liệt đấu tranh đòi gỡ bỏ là tệ đặc quyền đặc lợi; bưng bít các chủ trương, chính sách của Nhà nước và thói làm càn của cán bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm