“Nghiên cứu Trần Dần để hiểu thơ hiện đại”

 Đây không chỉ là một công trình nghiên cứu hiếm hoi về nhà thơ Trần Dần và sự nghiệp thi ca của ông, đặc biệt hơn, tác giả của luận án, chị Hà Thị Hạnh là giáo viên văn trẻ tuổi của trường cấp 3 huyện miền núi Lập Thạch của tỉnh Vĩnh Phúc. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với Ths. Hà Thị Hạnh.

Thạc sĩ Hà Thị Hạnh

Xin chị cho biết lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu này?

Khi còn là sinh viên ngành văn học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi chưa biết nhiều về thơ Trần Dần. Tôi chỉ biết về sự nghiệp và bộ tiểu thuyết Người người lớp lớp của ông. Nhưng đến năm 2008, khi đọc cuốn Trần Dần thơ, tôi rơi vào tình trạng càng đọc càng… không hiểu gì cả.

Vì thế tôi quyết định buộc mình vào một tình thế bất khả kháng đó là phải tìm hiểu bằng được Trần Dần để “xoá mù” về thơ hiện đại. Sau hai năm hoàn thành luận án của mình, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng lựa chọn của mình là đúng và tôi tin rằng Trần Dần là một hiện tượng thơ luôn cần được khai phá.

Chị vừa nói rằng tiếp cận thơ Trần Dần là để “xoá mù thơ hiện đại”?

Vâng. Thú thực là trước khi làm luận án này, kiến thức về thơ hiện đại của tôi rất hạn chế. Chính vì vậy, bước đầu tiên là tôi phải trang bị cho mình một hệ thống kiến thức cần thiết. Tôi phải đọc lại những tài liệu, nghiên cứu về thơ hiện đại trên thế giới, về các nhà thơ khác, về các vấn đề triết học liên quan... Tóm lại là một hành trang kiến thức nền dày dặn hòng mở được cánh cửa thơ Trần Dần.

Còn về tư liệu nghiên cứu?

Tôi dựa chủ yếu vào ba tác phẩm là Trần Dần thơ và hai cuốn tôi tìm được trên thư viện Quốc gia là Mùa sạch và Cổng tỉnh. Còn văn bản thì nói thật là khi làm luận án này, tôi chưa liên hệ được với gia đình nhà thơ nên chưa có gì cả.

Xin chị nói rõ hơn về hướng tiếp cận vấn đề của mình?

Nếu đọc thơ Trần Dần mà bỏ qua quan điểm nghệ thuật của ông thì rất dễ dẫn đến sự cực đoan trong quan niệm: hoặc phủ nhận hoàn toàn, hoặc khen ngợi mù quáng. Giống như sống ở một đất nước theo một tôn giáo hoàn toàn khác mình thì mình phải hiểu tôn giáo đó. Với Trần Dần thì thơ chính là tôn giáo của ông. Nên theo tôi, phải hiểu ông suy nghĩ thế nào về thơ.

Chính vì thế trong chương đầu tiên, tôi tìm hiểu quan điểm nghệ thuật của ông để xác định sự chuyển biến qua từng giai đoạn. Mỗi thời Trần Dần có quan niệm khác nhau và ứng với thời điểm đó sẽ sinh ra hành trình sáng tạo khác. Đó là logic trong nghiên cứu của tôi.

Vậy chị định vị quan điểm nghệ thuật của Trần Dần trong từng giai đoạn như thế nào?

Tôi dựa vào hai cơ sở. Thứ nhất là một số ý kiến lấy ra từ cuốn nhật ký Ghi của ông và các tư liệu, hồi ức tôi khai thác từ internet. Đó là cơ sở trực tiếp. Và tất nhiên, cơ sở thứ hai là tác phẩm của ông. Như trong Trần Dần thơ có nhiều câu thể hiện quan niệm. Ví dụ ông nói: “Viết là viết về cái gì? Trước hết là viết về cái trong mình. Sau đó là cái ở ngoài mình”.

Chị có thể nói về phương pháp nghiên cứu của mình?

Phương pháp nghiên cứu của tôi là phân tích văn bản, sau đó đối chiếu và hệ thống lại để rút ra những kết luận. Vì nói về Trần Dần, thường người ta hay kết luận rất mạnh mẽ nhưng họ lại không đi vào những chi tiết của ông. Cách làm của tôi là mỗi ngày đọc vài câu, vài bài và ghi lại những ý hiểu của mình về từng chữ từng câu trong đó. Sau đó khoảng một năm trời thì những cái đó tạo thành một hệ thống giúp tôi kết luận vấn đề.

Chị đã gửi luận văn này cho anh Trần Trọng Vũ, con trai của cố nhà thơ Trần Dần, anh ấy có phản hồi gì không?

Anh Vũ phản hồi ngay sau khi tôi gửi email cho anh ấy vài ngày. Trong bức thư, anh Vũ cho rằng đây là cách thức tiếp cận khác với những nghiên cứu trước đây về Trần Dần. Và anh ấy đánh giá đây là một nghiên cứu dụng công nhiều và nghiêm túc. Tôi rất vui vì điều đó. Anh Vũ cũng đề nghị tôi viết cái gì đó công phu hơn và hứa sẽ tạo điều kiện tiếp cận tư liệu của gia đình. Nhưng tôi cho rằng lao động này của mình chỉ là bước đầu thôi.

Nghĩa là chị vẫn theo đuổi nghiên cứu về thơ Trần Dần?

Chắc chắn như vậy.

Xin cảm ơn chị.

Theo Dung P. (SGTT)

Chuyện về hai câu thơ của Trần Dần

Trong cuộc thảo luận Thơ Trần Dần tại trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace tối 1.3 vừa qua, một cuộc tranh luận nhỏ đã dấy lên trong khán phòng khá đông người tham dự. Đó là sau khi được nghe nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đọc hai câu thơ: “Tôi yêu đất mẹ đây có cỏ cây làm chứng/ Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi” trích trong tập Đi! Đây Việt Bắc!, thạc sĩ Lê Thị Ngọ, người từng có công trình nghiên cứu và tập hợp về các bài báo liên quan tới nhà thơ Trần Dần đã đưa ra một văn bản khác: “Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng/ Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi”. Hai câu thơ ông Nguyên đọc được lấy từ bản Đi! Đây Việt Bắc! do NXB Hội Nhà Văn và công ty Nhã Nam phối hợp xuất bản tháng 12.2009, được giới thiệu là bản in đầy đủ nhất toàn bộ bản hùng ca này. Còn văn bản của thạc sĩ Ngọ được lấy từ bản in trên báo Văn năm 1957.

Thạc sĩ Ngọ cho rằng nếu tôn trọng nhà thơ và tác phẩm thì nên trung thành với văn bản gốc chứ đừng “in lại đầy đủ nhưng lại sửa chữa về nội dung của tác phẩm” như thế. Thậm chí tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, phó giám đốc thư viện Hán Nôm gay gắt: “Không biết văn bản này có phải thủ bút thực sự của Trần Dần hay không? Và bao nhiêu phần trăm cắt bớt, bao nhiêu phần trăm chỗ khác đưa vào? Nhưng thế nào thì chúng ta cũng có lỗi với nhà thơ quá”.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người viết lời bạt cho cuốn sách cho biết đã viết rất kỹ những thông tin cần giải thích cho người đọc liên quan tới văn bản, nhưng khi in ra thì bị nhà xuất bản cắt mất nên người đọc không nắm được rõ. Nhưng thông tin cụ thể là gì thì ông Ân không nói rõ ràng. Chỉ đến khi dịch giả – nhà thơ Dương Tường khẳng định: “Khi hùng ca này được in lần đầu tiên năm 1990, chính anh Trần Dần đã sửa mấy chữ đó” thì nhiều người mới tạm yên tâm. Nhưng ông Dương Tường cũng buông lại: “Đó là những gì còn đọng lại trong trí nhớ của tôi đến bây giờ…”

X.Thi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm