Ngô Quang Hải không bỡ ngỡ với những đổ vỡ

- Đang từ phim điện ảnh kiểu như "Chuyện của Pao", anh lại chuyển hướng làm phim truyền hình "Chít và Pi". Anh đã phải điều chỉnh cách làm việc thế nào để phù hợp với thể loại mới?

- Mỗi phim có ngôn ngữ và phương pháp dàn dựng riêng. Trước khi làm, tôi phải nghiên cứu kỹ đối tượng mình sẽ hướng tới. Chẳng hạn với Chuyện của Pao, trước khi bấm máy, tôi phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu cách sống, cách sinh hoạt của bà con dân tộc. Với Chít và Pi cũng thế. Tôi phải sống cùng các em, hiểu theo cách hiểu của các em... để bộ phim được thật hơn, gắn với đời sống hơn.

Tôi mê cách làm phim của đạo diễn tài ba James Cameron. Ông ấy luôn phân định rõ ràng các dự án khác nhau. Tôi buộc phải học cách làm việc đó. Tôi không quan tâm mình làm phim nhựa hay phim truyền hình. Với tôi, điều duy nhất quan trọng đó là phim thế nào.

"Bây giờ tôi sống một mình và chỉ biết có công việc". Ảnh: Gia Khánh.
"Bây giờ tôi sống một mình và chỉ biết có công việc". Ảnh: Gia Khánh.

- Nhưng "Chít và Pi" là phim dành cho tuổi teen. Anh làm thế nào để hòa nhập được với thế giới 9X khi anh bước qua lứa tuổi ấy đã lâu?

- Ngay từ khâu tuyển diễn viên, tôi đã khuyến khích các diễn viên trẻ cứ sống đúng với cuộc sống của chính họ, để từ đó tôi có cách nhìn nhận mới phù hợp. Chứ nếu bản thân mình cứ lọ mọ đi tìm hiểu về một thế hệ đã quá xa với mình, e rằng hỏng hết.

Êkíp làm phim của tôi đều là những người trẻ, có tài năng và tôi đặt vào họ niềm tin tuyệt đối. Tôi là tổng đạo diễn, cũng phải tiếp cận nhiều với diễn viên, nhưng người có trách nhiệm sâu sát đời sống dân teen thì sẽ là nhà biên kịch. Chính họ phải tiếp xúc trực tiếp với diễn viên, từ đó chỉnh sửa kịch bản sao cho phim gần với đời thực nhất.

- Ở tuổi hơn 40, khi tiếp xúc với êkíp diễn viên toàn teen, bản thân anh thấy thế nào?

- Tôi đi chơi, đi ăn với họ, và thấy hoàn toàn thoải mái. Tôi như được sống lại những năm tháng trẻ đó, và khám phá ra nhiều điều mà ở tuổi tôi khi ấy không có được.

- Phim của anh nói về lứa tuổi teen, anh nghĩ sao nếu nó đi theo vết xe của "Nhật ký Vàng Anh", với nhiều mảng màu sáng mà ít nói tới những góc tối có thật của lứa tuổi này?

- Nhật ký Vàng Anh là phim truyền hình tương tác, các tình huống đưa ra được thông qua đôi mắt của một cô gái. Chít và Pi là một bộ phim có cốt truyện cụ thể. Các chi tiết trong phim được nhìn qua lăng kính của 2 cô gái, với những giấc mơ đẹp và trong sáng trẻ thơ, không có ăn chơi, thuốc lắc... Tôi không muốn nhắc tới trò quậy phá, bởi tôi nghĩ, đạo diễn có quyền lãng mạn khi thực hiện những tác phẩm hướng tới phần sáng của con người.

- Dồn hết thời gian cho "Chít và Pi", còn dự án "Mùa hè lạnh" của anh thì sao?

- Hiện tại, tôi đang cố gắng hết sức cho Chít và Pi. Sau đó, sẽ tiếp tục các dự án còn dang dở. Làm gì cũng thế, cứ làm tốt một việc đi đã, rồi những việc khác sẽ từ từ ổn định thôi.

- Một trong những nguyên nhân khiến "Mùa hè lạnh" bị đình trệ là nữ diễn viên chính - Đỗ Hải Yến - không còn là "người của anh" nữa. Sau gần 10 năm gắn bó, vì sao mối quan hệ vợ chồng của anh chị lại tan vỡ?

- Tôi luôn cảm ơn Hải Yến về những gì cô ấy làm cho tôi. Nhưng để làm được một bộ phim, không phải chỉ một mình tôi hay một mình cô ấy là đủ. Diễn viên không phải là chuyên gia, đạo diễn cũng vậy, vì thế với mỗi công đoạn tôi lại cần một người thực sự giỏi để thực hiện. Có như vậy, bộ phim khi ghép lại mới thực sự tự nhiên và ăn khớp.

Khi thực hiện Chuyện của Pao, chúng tôi rất vất vả. Lúc đó tôi có khá nhiều trợ lý, và Yến cũng là một trợ lý của tôi. Yến giúp tôi nhiều việc, và thực sự nhờ có Yến mà mọi thứ mới được trôi chảy. Còn chuyện vì sao mối quan hệ gắn bó giữa chúng tôi bị rạn nứt, thì đó là cả câu chuyện dài.

"Tôi luôn cảm ơn Yến về những gì cô ấy đã làm". Ảnh nghệ sĩ cung cấp.
"Tôi luôn cảm ơn Yến về những gì cô ấy đã làm". Ảnh nghệ sĩ cung cấp.

- "Không còn Hải Yến, Ngô Quang Hải sẽ chới với trong những bước đi tiếp theo". Anh nghĩ sao về nhận định này?

- Tôi chẳng biết nói sao, chỉ biết chờ đợi thời gian trả lời.

- Hải Yến tâm sự rằng, cô ấy rất lo lắng cho tương lai sắp tới của anh bởi những dự án đang dang dở. Cảm giác của anh thế nào?

- Tôi rất xúc động, và cảm ơn vì Yến đã lo lắng cho tôi. Nhưng con người tôi thất bại nhiều hơn thành công, không còn quá bỡ ngỡ với những đổ vỡ. Và Yến là người biết rõ điều này.

Người ta chỉ nhìn thấy bề nổi của tôi trong hiện tại, còn mảng chìm trước kia thì mấy ai biết. Để có tiền nuôi sống ước mơ làm phim, tôi phải làm tất cả công việc có thể. Trước khi ra mắt Chuyện của Pao, tôi mất tới gần 15 năm nghiên cứu tất cả lĩnh vực về phim ảnh, cách làm phim, chọn người... Thành công không tự nhiên mà có.

LÊ BẢO - (Theo VnExpress.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm