Đại sứ Luận Thuỳ Dương

Ngoại giao thời biến động - Bài 2: Đối ngoại chuyển mình cùng thời đại công nghệ mới

(PLO)- Hội nhập kinh tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là những xu thế không thể đảo ngược, trong tiến trình ấy ngành ngoại giao là “cánh tay đắc lực” để kinh tế Việt Nam bước ra sân chơi toàn cầu.

Đại sứ Luận Thùy Dương, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam (VN) tại Myanmar, nhận định ngành ngoại giao đã có đóng góp lớn cho quá trình hội nhập kinh tế của VN trong nhiều thập niên. Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị chi phối mạnh bởi cuộc cách mạng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, những người làm ngoại giao cũng phải điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và trình độ để thích ứng, đưa kinh tế VN hội nhập sâu rộng.

Đại sứ Luận Thuỳ Dương.
Đại sứ Luận Thuỳ Dương.

Cầu nối kinh tế thế giới

. Phóng viên: Thưa đại sứ, từ khi thành lập đến nay, ngành ngoại giao đã góp sức vào công cuộc hội nhập kinh tế như thế nào, nhất là từ sau đổi mới?

+ Đại sứ Luận Thùy Dương: Có thể thấy rõ Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với bộ, ngành khác thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại của VN với các đối tác, nhất là các đối tác FTA; vận động gỡ bỏ rào cản thương mại đối với hàng hóa VN.

Ngành ngoại giao cũng kịp thời thông tin về tình hình chính sách của các đối tác; kịp thời cảnh báo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình tham gia những hoạt động giao thương quốc tế. Phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, ngành đàm phán, nâng cấp các FTA hiện nay; nghiên cứu, đàm phán các FTA với đối tác mới. Đồng thời, cùng Bộ KH&ĐT và các cơ quan đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào VN và thúc đẩy đầu tư của VN ra nước ngoài…

Các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài cũng hỗ trợ các địa phương, DN VN tìm kiếm đối tác, phát triển thị trường. Các cán bộ ngoại giao cung cấp rất nhiều thông tin cũng như giúp kiểm chứng nhiều DN cụ thể của nước sở tại, giúp DN VN tránh được rủi ro, thất thoát nguồn vốn và có được môi trường hoạt động kinh doanh an toàn.

Đơn cử chỉ trong năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hơn 50 đoàn làm việc với 25 địa phương, tổ chức khoảng 70 hoạt động kết nối giữa các địa phương với đối tác, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế. Những nỗ lực này đã được các địa phương, DN ghi nhận và đánh giá cao.

. Trong bối cảnh phương Tây đang chuyển hướng mạnh mẽ sang châu Á - Thái Bình Dương, nếu ngành ngoại giao tranh thủ được cơ hội này thì thành quả hứa hẹn mang về cho VN là những gì?

+ Lợi ích lớn nhất là góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của VN. Khi đó, VN có vai trò, tiếng nói bình đẳng trong xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực.

Ngoài ra, việc tham gia diễn đàn và liên kết kinh tế ở khu vực buộc VN thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh. Đó là động lực thúc đẩy cải cách trong nước. Từ đó, tạo tiền đề để VN tham gia những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết lớn hơn, như các FTA thế hệ mới.

Kế đó là tham dự các chương trình hợp tác về tăng cường trao đổi sinh viên, thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân... đem lại nhiều cơ hội lớn đối với người dân, nhất là thế hệ trẻ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 23-6-2023. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 23-6-2023. Ảnh: Quochoi.vn

Chín nhiệm vụ quan trọng

. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, liệu ngoại giao VN cũng cần có “phiên bản 4.0” để thích ứng?

+ Ngoại giao hiện đại trong thế kỷ 21 về cơ bản vẫn tiếp tục các chức năng, phương pháp của ngoại giao truyền thống nhưng cũng đã và đang có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Đáng chú ý là việc thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ và giúp VN thu hẹp khoảng cách với thế giới.

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ này, Bộ Ngoại giao và các đại sứ đã tiến hành chín nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, (i) xây dựng chương trình “Kết nối đại sứ” với một loạt tọa đàm, tạo điều kiện cho DN trao đổi với các đại sứ của VN ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài để tìm hiểu tiềm năng của các thị trường, khu vực khác nhau.

Cùng với đó, (ii) hỗ trợ và tổ chức các đoàn DN VN đến các thị trường châu Âu (Đức, Áo, Czech, Hungary, Slovenia, Slovakia…) gặp gỡ, trao đổi với DN nước bạn để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Tiếp đó, (iii) giới thiệu và kết nối nhiều đối tác DN khoa học - công nghệ nước ngoài với DN VN.

VN hiện đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 192 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có ba nước quan hệ đặc biệt, bốn nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện.

Quan trọng không kém, (iv) chúng ta cũng làm việc với các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIP), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)… để hiểu về luật pháp cũng như để tháo gỡ các rào cản, giúp các DN công nghệ VN mở rộng thị trường. Song song đó, (v) giúp cung cấp thông tin về thị trường và đối tác có nhu cầu về công nghệ môi trường, công nghệ nước sạch, công nghệ dược phẩm, thiết bị kỹ thuật nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Mặt khác, chúng ta cũng (vi) hỗ trợ thiết lập mạng lưới hợp tác với các tổ chức và các nhà khoa học trong và ngoài nước trong lĩnh vực sáng tạo khoa học - công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống; (vii) giúp tìm kiếm các đối tác chuyển giao công nghệ các sản phẩm khoa học cũng như hợp tác đào tạo chuyên gia công nghệ, chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu; (viii) giúp tìm kiếm các nguồn vốn, đối tác có thể liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần phát triển lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Cuối cùng, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài cũng (ix) giúp tìm kiếm các quỹ khoa học giúp DN cũng như nhà khoa học thực hiện những nghiên cứu khoa học - công nghệ, giới thiệu sản phẩm ra thế giới. Từ đó, VN đã có nhiều DN trở thành đơn vị khoa học và công nghệ có thương hiệu, uy tín không chỉ trong nước mà còn ở nhiều quốc gia khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) trò chuyện với các lãnh đạo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023. Ảnh: DUONG GIANG/VNA
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) trò chuyện với các lãnh đạo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023. Ảnh: DUONG GIANG/VNA

Vượt qua thử thách phía trước

. Quá trình hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay đặt ra những thách thức nào với những nhà làm ngoại giao VN? Cần làm gì để vượt qua những thách thức ấy?

+ Thách thức lớn nhất đối với những nhà ngoại giao là phải nắm bắt kịp thời các xu thế phát triển của thế giới, đặc biệt là các xu thế về kinh tế để tránh bị tụt hậu. Muốn vậy, các nhà ngoại giao phải không ngừng nâng cao công tác nghiên cứu cơ bản song hành với công tác nghiên cứu chiến lược, để từ đó có thể có được các báo cáo và đề xuất mang tính thực tiễn cao, chú trọng ngày càng nhiều hơn những báo cáo mang tính dự báo cũng như các kiến nghị giải pháp.

Thách thức thứ hai là những kiến thức mới về toàn cầu hóa kinh tế, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến kinh tế số, kinh tế đa tầng, kinh tế xanh… lại rất sâu và rộng. Do vậy, các nhà ngoại giao luôn phải học hỏi và nâng cao kiến thức toàn diện.

Bên cạnh việc hoàn thiện kỹ năng ngoại ngữ thì các nhà ngoại giao cũng phải không ngừng trau dồi kỹ năng đối thoại, đàm phán và văn hóa ứng xử. Có như vậy mới có thể tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế một cách tự tin và hiệu quả.

Thách thức thứ ba là tính cam kết và sự tin cậy. Chúng ta đã ký nhiều thỏa thuận quốc tế nhưng vẫn còn tình trạng chậm được triển khai do thiếu sự đôn đốc. Do vậy, mỗi cán bộ ngoại giao đều phải nâng cao trách nhiệm rà soát, kết nối, phối hợp tốt với các bộ, ngành khác để triển khai đầy đủ, tích cực và kịp thời. Có như vậy các đối tác kinh tế mới càng tin tưởng vào VN, góp phần làm cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và thực chất hơn.

. Xin cảm ơn đại sứ.

Dấu ấn ngoại giao kinh tế 78 năm qua

Từ năm 1945 đến nay, ngành ngoại giao đã cùng các bộ, ngành khác giúp tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ, mở ra cục diện mới. Ngoại giao cũng đã đóng góp tích cực vào hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước.

VN là thành viên tích cực và trách nhiệm của hơn 70 tổ chức quan trọng của khu vực và thế giới như Liên hợp quốc, ASEAN, Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á và nhiều tổ chức và diễn đàn kinh tế quốc tế như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)...

VN đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, chiếm gần 90% GDP thế giới.

Đại sứLUẬN THÙY DƯƠNG

Đọc thêm