Đại sứ Ted Osius: 'Việt - Mỹ đã đi qua một hành trình phi thường'

Đại sứ Ted Osius: 'Việt - Mỹ đã đi qua một hành trình phi thường'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam (VN). Ngài tổng thống đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trịnh trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Mỹ tại VN, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, nói: “Chúng ta đã đi qua một hành trình thật sự phi thường để hòa giải với quá khứ, vượt qua khác biệt và hướng tới tương lai”.

. Phóng viên: Thưa ông, sự kiện Tổng thống Joe Biden thăm VN và hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã được công luận chú ý và đưa tin nhiều. Với ông, điều này có bất ngờ không?

+ Đại sứ Ted Osius: Hơn 30 năm gắn bó với VN trong sự nghiệp ngoại giao, tôi đã có vinh dự được tham dự và chứng kiến nhiều cột mốc quan trọng trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta. Nhưng khi Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước ra sau cuộc hội đàm và tuyên bố trước báo giới quốc tế VN và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện thì đây là một khoảnh khắc đi vào lịch sử.

Đây cũng là khoảnh khắc viên mãn cho những ai quan tâm và đóng góp cho mối bang giao VN - Mỹ.

Bạn hỏi tôi có gì bất ngờ không ư? Đây là sự kiện mà tôi và nhiều người đã tin tưởng và chờ đợi từ lâu. Nhưng thời điểm của sự kiện lịch sử này quả thực có đôi chút bất ngờ. Tổng thống Joe Biden vẫn thực hiện chuyến thăm này dù lịch trình vô cùng bận rộn với Hội nghị thượng đỉnh G20. Đây là một minh chứng quan trọng cho cam kết rất lớn của nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ đối với mối quan hệ song phương hai nước.

. Một điểm thú vị là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ thăm VN theo lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản VN, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

+ Để hiểu tầm quan trọng của sự kiện này, tôi nghĩ chúng ta cần điểm lại chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tám năm trước mà tôi có vinh dự được tham gia tổ chức.

Vào tháng 7-2015, tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí về Tuyên bố Tầm nhìn chung, trong đó “hai nước khẳng định tiếp tục theo đuổi mối quan hệ sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Kể từ đó, cả hai nước đều hành động trên cơ sở đó. Mỹ hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN trong việc hoạch định chính sách cũng giống như VN hiểu hệ thống dân chủ Mỹ. Trong cuộc điện đàm hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mời Tổng thống Joe Biden thăm VN và Tổng thống Biden đã thể hiện sự tôn trọng bằng việc nhận lời và thực hiện chuyến thăm.

. Theo ông quan sát, điều gì đã làm nên kết quả của hôm nay trong mối quan hệ Việt - Mỹ?

+ Tình bạn sâu sắc và sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước ngày hôm nay không phải là kết quả của sự tình cờ, mà nhờ rất nhiều vào sự nỗ lực và lòng dũng cảm. Có rất nhiều người ở cả VN và Mỹ đã vun đắp cho mối quan hệ này.

Như những gì tôi đã chia sẻ trong một cuốn sách, đơn giản là: sự tôn trọng, lòng tin và hợp tác. Sự nâng cấp trong mối quan hệ báo hiệu rằng sẽ không có rào cản nào để ngăn chúng ta tiến về phía trước.

. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 đến khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023 là gần 30 năm. Ông nghĩ tiến trình này là nhanh hay chậm? Chúng ta đã vượt qua các khó khăn, khác biệt trong từng thời điểm như thế nào?

+ Theo bạn, thời gian 30 năm để hai quốc gia từng đối đầu nhau trên chiến trường trở thành những người bạn thực sự thân thiết và tin cậy như hôm nay là nhanh hay chậm? Chúng ta đã đi qua một hành trình thật sự phi thường để hòa giải với quá khứ, vượt qua khác biệt và hướng tới tương lai.

Hàn gắn vết thương quá khứ, nhất là những tổn thương, mất mát sâu sắc chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhưng cùng nhau, chúng ta đã tìm kiếm và trao trả hài cốt của các quân nhân mất tích cho gia đình họ. Cùng nhau, chúng ta đã có thể rà phá lượng lớn bom mìn chưa nổ tại các tỉnh, tẩy chất độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, hỗ trợ người khuyết tật và tiếp tục tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.

Từng bước, từng bước, những người Mỹ và người VN đã gây dựng và làm sâu sắc niềm tin và sự tin cậy lẫn nhau, để tạo nền tảng làm nên những gì như bạn nói là “điều kỳ diệu” của hôm nay: Những đối tác chiến lược gần gũi và quan trọng không chỉ với nhau mà với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực.

Kết quả ấy cũng là sự kế tục tuyệt vời nhất tư tưởng của lãnh tụ lập quốc của các bạn: Hồ Chí Minh, người đã nỗ lực kiến tạo những nền móng đầu tiên cho quan hệ bang giao Việt - Mỹ khi ông chỉ đạo lực lượng Việt Minh nỗ lực cứu sống các phi công Mỹ trong Thế chiến thứ hai.

Lời mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 khai sinh nước VN Dân chủ Cộng hòa cũng được ông trích từ bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Ngay trong những ngày tháng đầu tiên của chính quyền non trẻ VN Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman bày tỏ VN mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ.

Với việc gặp gỡ tại Hà Nội để cùng nhau tuyên bố nâng cấp quan hệ Mỹ - Việt lên mức cao nhất hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây gần một thế kỷ, còn Tổng thống Joe Biden đã làm được điều mà Tổng thống Truman đã bỏ lỡ.

. Hôm nay, tầm quan trọng của VN và Mỹ đối với nhau có lẽ đã không còn là điều cần bàn cãi, thưa ông?

+ Khi tôi đến VN lần đầu cách đây 30 năm, quy mô kinh tế VN còn rất nhỏ. Đến năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều là 138 tỉ USD. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, trong khi VN là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Mỹ.

Mỹ đã đầu tư hơn 11 tỉ USD vào VN tính đến cuối năm 2022. Ở nơi tôi đang làm việc, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, hiện có rất nhiều công ty chú ý tới VN đầu tiên khi họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong ASEAN. Họ thấy một chính phủ luôn ủng hộ đầu tư trực tiếp nước ngoài và có các chính sách thân thiện với doanh nghiệp.

. Theo ông, mỗi bên cần làm gì để cụ thể hóa, hiện thực hóa các định hướng hợp tác mà chúng ta đã dày công gây dựng?

+ Tuyên bố chung của Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện đã xác lập những định hướng và lĩnh vực hợp tác cụ thể. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng khuôn khổ mới này sẽ mở ra những cơ hội và tiềm năng không giới hạn cho hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để chúng ta có thể biến những cơ hội này thành các kết quả cụ thể.

Trước mắt, tôi nghĩ rằng cả hai bên cần bắt tay ngay vào việc triển khai các sáng kiến đã được công bố như chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, các kế hoạch hỗ trợ VN đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các sáng kiến về chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu…

. Hồi tháng 3-2023, khi cùng đoàn doanh nghiệp Mỹ đến VN, trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM, ông đã khẳng định vai trò rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quan hệ Việt – Mỹ. Vậy ông nhận định thế nào về đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản VN, đứng đầu là Tổng Bí thư đã thực hiện trong thời gian qua?

+ Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại tại Mỹ vào tháng 7-2015 đã thực sự thay đổi lịch sử. Đó là thời khắc quan trọng nhất trong thời gian tôi làm đại sứ và cũng có lẽ là thời điểm quan trọng nhất trong 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện của hai nước cho đến trước chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden.

Sau khi Tổng Bí thư thăm Washington, mối quan hệ song phương khởi sắc trên mọi phương diện từ an ninh, giáo dục, kinh tế thương mại, đầu tư đến chống biến đổi khí hậu, năng lượng và hợp tác y tế. Những gì đã làm được trong 10 năm qua chính là nền tảng vững chắc để hai nước có thể nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện như hôm nay.

Tôi đánh giá cao đường lối đối ngoại hữu nghị, đa dạng hoá, đa phương hoá và nguyên tắc bốn không của VN. VN, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư đã xây dựng được quan hệ hữu hảo với tất cả các cường quốc lớn của thế giới. Xét riêng trong quan hệ Việt – Mỹ, các nhà lãnh đạo VN đã chủ động giữ nhịp và tận dụng những cơ hội đúng thời điểm để thúc đẩy mối quan hệ phát triển mạnh mẽ.

Chúng ta đã đi từ hợp tác song phương sang hợp tác khu vực và toàn cầu, về những vấn đề lớn, những vấn đề quan trọng. Tôi nghĩ chúng ta là những đối tác có chung tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, kết nối, thịnh vượng và hòa bình”.

. Xin cảm ơn ông.

Đọc thêm