GÓC NHÌN

Khi các tổng thống Mỹ… lẩy Kiều

(PLO)- Khi tổng thống Mỹ “cao hứng” lẩy đôi câu Kiều, đằng sau đó chứa đựng nhiều ý nghĩa kinh tế - chính trị và ngoại giao sâu sắc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người phương Tây thường rất thích thú những nét đặc sắc văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam. Và càng thú vị hơn, khi qua những kiệt tác như Truyện Kiều, các nguyên thủ quốc gia của Mỹ gửi gắm sự chân thành, hướng tới hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng.

Đến thăm Việt Nam vào cuối năm 2000, sau khi Việt - Mỹ vừa trải qua 5 năm đầu tiên bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Tổng thống Bill Clinton cảm ơn buổi chiêu đãi trọng thể của Chủ tịch nước Trần Đức Lương bằng hai câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.

15 năm sau, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (cũng chính là đương kim tổng thống Mỹ) khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lẩy hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Đó là tiền đề cho chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào một năm sau đó, tức năm 2016. Vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đứng trước hàng ngàn học sinh, sinh viên, trí thức Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, lẩy hai câu Kiều khác: “Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi”.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dịp này, Tổng thống Joe Biden lẩy hai câu trong kiệt tác Truyện Kiều. Ảnh: VGP

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Dịp này, Tổng thống Joe Biden lẩy hai câu trong kiệt tác Truyện Kiều. Ảnh: VGP

Và mới đây, vị đương kim tổng thống Mỹ từng đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ vào năm 2015 đã có chuyến thăm rất đặc biệt đến Việt Nam. Nói là “đặc biệt” bởi lẽ đây là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Mỹ theo lời mời của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; đặc biệt cũng là vì dịp này đúng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, được xem là “giai đoạn phát triển chưa từng có” trong lịch sử hai nước; và đặc biệt nữa chính là cả hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Và cũng dịp này, trước sự đón tiếp nồng ấm và trọng thị của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ông Joe Biden lẩy hai câu Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”.

Nếu như giai đoạn của tổng thống Bill Clinton, thông qua lẩy Kiều, lãnh đạo Mỹ muốn gửi gắm thông điệp gác lại quá khứ từng là cựu thù, cùng ngồi lại tìm ra những không gian hợp tác mới tươi sáng; thì đến giai đoạn của Tổng thống Obama, chính phủ Mỹ bày tỏ sự cam kết cao độ trong việc tiếp tục củng cố, xây dựng, tạo lập lòng tin giữa hai nước khi những vấn đề của “quá khứ” đã và đang được hai nước giải quyết dần ổn thỏa. Đến những câu Kiều mà ông Biden vừa lẩy cho thấy hai nước đã tạo lập được nền tảng lòng tin, độ chân thành, tin cậy cao; để hướng đến “chữ tình”. Mỹ kỳ vọng sự chân thành, cởi mở, tình cảm của cả hai nước sẽ ngày càng đậm nét, tất cả cũng vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng chung của hai nước, khu vực và thế giới.

Tổng thống Barack Obama (phải), Phó Tổng thống Joe Biden (giữa) - cũng chính là đương kim Tổng thống Mỹ hiện nay, cùng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong cuộc gặp vào năm 2010. Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images/Washington Post

Tổng thống Barack Obama (phải), Phó Tổng thống Joe Biden (giữa) - cũng chính là đương kim Tổng thống Mỹ hiện nay, cùng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong cuộc gặp vào năm 2010. Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images/Washington Post

“Chữ tình” mà ông Biden mang đến Việt Nam trước tiên là sự thống nhất cao độ các nguyên tắc nền tảng của quan hệ hai nước, cụ thể là tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Việc một tổng thống Mỹ cùng với một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản ra tuyên bố chung giữa hai quốc gia là minh chứng cho thấy sự tôn trọng thể chế mà Mỹ dành cho Việt Nam.

“Chữ tình” mà ông Biden mang đến Việt Nam còn là đội ngũ tháp tùng hùng hậu, đa lĩnh vực, từ quan chức cấp cao đến các tập đoàn hàng đầu ở Mỹ, mang đến cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, thương mại; hợp tác chuyển giao công nghệ mới; thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu; hợp tác giải quyết các rủi ro, nguy cơ chung về an ninh bằng các biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật…

Chuyến thăm kỳ này của ông Joe Biden được giới quan sát quốc tế nhìn nhận không phải là một chuyến thăm mang tính biểu tượng. Khi tổng thống Mỹ “cao hứng” lẩy đôi câu Kiều, đằng sau đó chính là một cam kết mạnh mẽ về sự chân thành, kỳ vọng hợp tác, hữu nghị, mang lại hòa bình và thịnh vượng chung cho hai nước, khu vực và thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm