Điều 147 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng. Theo đó, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm...
Có hướng dẫn, vẫn khó xử hình sự
Nhằm hướng dẫn xử lý tội vi phạm chế độ một vợ một chồng cùng các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình khác trong Chương XV BLHS, Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2001.
Theo Thông tư liên tịch số 01/2001, tình tiết “chung sống như vợ chồng” trong tội vi phạm chế độ một vợ một chồng được hiểu là người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.
Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự một người về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng khi thuộc một trong các trường hợp sau: Thứ nhất, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... Thứ hai, người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Chuyện ngoại tình vẫn thường xảy ra trong xã hội. Dù đã có thông tư hướng dẫn nhưng thực tiễn hơn 15 năm thi hành BLHS 1999 cho thấy rất khó xử lý hình sự người ngoại tình vì các lý do sau:
Thứ nhất, thực tế rất ít khi xảy ra trường hợp người đang có vợ, có chồng mà “kết hôn” được với người khác vì pháp luật quy định thủ tục đăng ký kết hôn rất chặt chẽ (nếu có xảy ra cũng rất hãn hữu, do làm giả giấy tờ…).
Thứ hai, đối với trường hợp “chung sống như vợ chồng”, các cơ quan tố tụng phải chứng minh là những người vi phạm có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoài vợ ngoài chồng này. Như vậy, đối với các quan hệ ngoại tình lén lút, không được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng hoặc chưa được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục thì đều “thoát” tội này.
Đó là chưa kể, nếu các cơ quan tố tụng chứng minh được người vi phạm có “kết hôn” hoặc có “chung sống như vợ chồng” thì cũng phải thỏa mãn các điều kiện khác là “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Quy định sửa đổi: Chưa hợp lý
Dự thảo BLHS (sửa đổi) mới nhất đã có sửa đổi, bổ sung quy định về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (Điều 181). Theo đó, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ mà thuộc một trong các trường hợp sau thì phạm tội vi phạm chế độ một vợ một chồng: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Hình phạt ở khoản cơ bản này (khoản 1) là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm…
Như vậy, Điều 181 dự thảo chỉ luật hóa hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 01/2001. Mà như tôi đã phân tích, các cơ quan tố tụng hầu như không xử lý hình sự người ngoại tình vì rất khó chứng minh được các trường hợp, các điều kiện theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2001.
Ngày nay, thực tiễn xét xử án ly hôn ngày càng gia tăng, trong đó có nguyên nhân do vợ hoặc chồng ngoại tình. Về pháp lý và đạo lý đều cần khẳng định rằng vợ chồng phải chung thủy, yêu thương, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã khẳng định mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Do đó, tôi đề nghị một khi còn giữ tội danh vi phạm chế độ một vợ một chồng trong BLHS (sửa đổi) thì ban soạn thảo cần chỉnh lý, bổ sung sao cho quy định có thể thực thi trên thực tế, thực sự là phương thuốc hữu hiệu để bảo vệ gia đình phát triển lành mạnh, hạnh phúc, bền vững.
Ngoại tình: Nguyên nhân thứ hai dẫn đến ly hôn Theo thống kê của ngành tòa án, những năm gần đây, số lượng các vụ ly hôn ở Việt Nam tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ; đến năm 2010, con số này lên tới 126.325 vụ... Người vợ đứng đơn ly hôn gấp hai lần so với người chồng. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng là 9,4 năm, riêng ở các khu vực nội thành của các thành phố lớn chỉ tám năm. Điều đáng báo động là tình trạng ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ đang có dấu hiệu gia tăng, số vụ ly hôn năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Theo một cuộc điều tra nghiên cứu quốc gia về gia đình của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), về nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%), tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo hành gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Hiện tượng ly hôn đang tăng lên chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thủy của cả hai giới... |