Tự thú … ngoại tình

Những phút ngoài vợ, ngoài chồng có thể xem là khoảng thời gian lầm lỡ và khi bạn thực sự muốn quay đầu là bờ thì đường về cũng không dễ dàng.

Tự thú hay dấu luôn sự thật? Hầu hết người đã "lỡ" ngoại tình sẽ chọn cách cho qua trong im lặng vì không “dại gì” gây ra sự xáo trộn. Nhưng trường hợp người phạm lỗi đánh giá tình hình nên nói ra thì cách nói cũng phải hết sức cân nhắc.

Bước đầu tiên: Tự vấn

1. Bạn muốn thú nhận để được gì?

Phải thực sự thành thật với bản thân, thú nhận vì đã mệt mỏi hoặc cảm thấy tội lỗi, buộc phải chấm dứt với người thứ ba nếu không muốn lãnh hậu quả ly hôn, bạn muốn bạn đời hiểu được sự rạn vỡ của hao người là do đâu, bạn mong muốn giải quyết khúc mắc để gương vỡ lại lành? Có muôn ngàn lý do, nhưng điều trước tiên phải vạch ra đủ nguyên do để công khai bí mật không vui vẻ gì này.

2. Sẽ làm gì để xây dựng lại niềm tin?

Nếu thú nhận, bạn chắc chắn sẽ phải chấp nhận hậu quả. Niềm tin của bạn đời với bạn chắc chắn sẽ đổ vỡ, sau đó chắc chắn là một khoảng thời gian không an lành với cả 2. Bạn sẽ bị giám sát – cả ngoài mặt lẫn âm thầm – và bất cứ dấu hiệu nào cũng sẽ làm dấy lên nghi ngờ.

Nếu chân thành muốn giữ người phối ngẫu, người phạm lỗi bắt buộc phải kiên nhẫn hết sức có thể, thậm chí “nín nhịn” vì rõ ràng bạn đã sai.

Tự thú … ngoại tình ảnh 1
 

 3. Có khả năng tái phạm không?

Nếu bản thân không đáp được câu hỏi này thì đồng nghĩa với việc câu trả lời đã rõ. Vấn đề là ở bạn hay ở đối phương. Cần hiểu rõ nguyên nhân nào đã đưa đẩy bản thân phạm lỗi? Chúng ta cần thay đổi điều gì, tác động điều gì thì mới có thể đảm bảo tương lai không tái diễn ngoại tình.

Bước thứ hai: Nói chuyện cùng bạn đời

Một ngày bình yên, ít công việc, không có khách khứa hay người ngoài làm phiền sẽ dễ cho bạn “cửa” an toàn hơn để tự thú trước bình minh.

Theo chuyên gia tâm lý, bạn nên ngồi cạnh bạn đời, và thú nhận trách nhiệm cho hành vi của mình theo các nguyên tắc sau:

Không nói quá nhiều

Nói ngắn gọn, đầy đủ, đúng mục tiêu. Không kể lể quá nhiều nhưng phải thành thực. Trả lời những câu hỏi không thể thoái thác và cố kiểm soát câu chuyện không đi vào chi tiết.

Không đổ lỗi

Dù trong bất kỳ tình huống nào, đừng nên nói câu “vì em thế nọ nên anh thế kia”. Có thể thực sự khủng hoảng trong gia đình khiến bạn ngoại tình, nhưng đó vẫn là trách nhiệm của bạn, đừng đổ lỗi. Việc giải quyết mâu thuẫn để sau.

Thể hiện rõ cảm xúc mà bạn đang cảm thấy

Nói với bạn đời về cảm xúc tồi tệ của bạn khi phạm lỗi nhưng đừng mong chờ lòng thương hại từ người ấy.

Để khoảng trống

Sau khi thú nhận, hãy để bạn đời có khoảng trống để suy nghĩ. Họ có thể giận dữ, xa cách, quát tháo, im lặng…dù là gì hãy tôn trọng cảm xúc của họ.

Hãy hiểu phản ứng của bạn đời bằng cách đặt mình vào vị trí của họ.

Sau đó, dũng cảm đương đầu với mọi diễn biến tiếp theo của “cuộc chiến”.

Bước thứ ba: Bắt đầu làm lại

Nếu nghĩ rằng ly hôn là giải pháp thì không có gì để bàn cãi nữa.

Nhưng nếu bạn muốn tiếp tục ở bên nhau, hãy dành cho bạn đời mọi quyền hành xử. Phần bạn chỉ là kiên nhẫn tuyệt đối với ý muốn quay trở lại “chính đạo” và nên thể hiện rõ điều đó. Cần có nhiều thời gian và nhiều cố gắng, thậm chí đau đớn để bỏ qua lỗi phản bội.

Khi bạn đời sẵn sàng lắng nghe, hãy gỡ rối từng nút buộc một bằng cách trao đổi thẳng thắn. Tin rằng chính bạn đời của bạn cũng rất lo lắng sau thử thách vừa rồi. Nếu còn yêu, họ sẽ có thiện chí cải thiện hôn nhân.

Xác lập kế hoạch xây dựng lại niềm tin, tình cảm, bắt tay thực hiện nó. Ngoại tình có thể phá vỡ hôn nhân, nhưng cũng có thể làm một cuộc hôn nhân được tái cấu trúc vững mạnh hơn. Tất cả phụ thuộc vào thái độ và cách hành xử của người trong cuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm