Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến Triều Tiên vốn không hề nghiêm trọng và “người Mỹ có thể ngủ ngon vào ban đêm”.
“Tôi không tin rằng sẽ có bất kỳ mối đe dọa nào diễn ra” - hãng tin Independent của Anh dẫn lời ông Rex Tillerson nói.
Những phát biểu này được đưa ra sau khi ông Trump khẳng định Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến” nếu còn tiếp tục đe dọa đến Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định phương án đối thoại vẫn có thể được mang ra xem xét. Ảnh: REUTERS
Ông Tillerson khẳng định lời cảnh báo “khốc liệt” của tổng thống Mỹ là nỗ lực của nước này nhằm ngăn chặn Triều Tiên gây ra “bất kỳ sai lầm” nào.
“Những gì ngài tổng thống đang làm là gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên bằng ngôn ngữ mà ông Kim Jong-un sẽ hiểu được, bởi vì ông ta dường như không hiểu gì về ngôn ngữ ngoại giao” - Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói. “Tôi nghĩ tổng thống của chúng tôi đang muốn vạch rõ cho Triều Tiên thấy khả năng tự vệ của Mỹ, về việc chúng tôi sẽ bảo vệ mình và bảo vệ các đồng minh”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh chiến lược hiện tại của chính quyền Tổng thống Donald Trump để đối phó với Triều Tiên. “Áp lực đang bắt đầu hiện diện. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao những phát ngôn từ phía Bình Nhưỡng lại ngày càng nghiêm trọng và mang tính đe dọa nhiều hơn” - ông Tillerson nói. “Việc chúng tôi liệu có dồn họ vào chân tường hay không vẫn còn khó nói. Tuy nhiên, về mặt ngoại giao, chúng tôi không bao giờ dồn ép ai đến chân tường mà không chừa cho họ đường lui”.
Theo ông, phương án đối thoại vẫn có thể được mang ra xem xét. “Các cuộc đàm phán, với tính chất đúng nghĩa là đàm phán, vẫn có thể diễn ra” - ông Tillerson khẳng định.
Triều Tiên tuyên bố đang cân nhắc khả năng tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa chiến lược nhằm vào căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: KCNA
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua liên tục tăng cao sau khi nước này liên tiếp phóng thử hai tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7 vừa qua, bất chấp sức ép từ cộng đồng quốc tế.
Bất chấp những cảnh báo từ phía ông Trump, quân đội Triều Tiên hôm nay cũng tuyên bố đang cân nhắc khả năng tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa chiến lược nhằm vào khu vực đảo Guam, nơi có khoảng 6.000 nhân viên quân sự của Mỹ. Bình Nhưỡng cho biết kế hoạch này sẽ sớm được triển khai theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi đến hãng tin Reuters hôm nay cho biết nước này kêu gọi tất cả các bên hết sức giữ bình tĩnh, tránh bất cứ lời nói hoặc hành động nào có thể khiến cho tình hình căng thẳng leo thang. Theo Trung Quốc, các bên nên nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.
Trong khi đó, chính phủ Đức cũng kêu gọi Trung Quốc và Nga can thiệp nhiều hơn để ngăn chặn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. “Trung Quốc và Nga có trách nhiệm đặc biệt phải làm mọi thứ có thể để ngăn cản Triều Tiên làm leo thang căng thẳng” - phát ngôn viên của chính phủ Đức Ulrike Demmer khẳng định. “Mục tiêu của chính phủ Đức là tránh leo thang quân sự và giải quyết cuộc xung đột ở khu vực phía Bắc Thái Bình Dương bằng biện pháp hòa bình”.