Chiều 23-8, Công an TP.HCM đã tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC năm 2018 với doanh nghiệp, đại diện người dân.
Đây là lần đầu tiên Công an TP tổ chức đối thoại và nhiều ý kiến của người dân về thủ tục tạm trú, đăng ký xe,… được đại diện Công an TP.HCM giải đáp.
Ngồi nhà sẽ có CSGT đến đăng ký xe
Tại cuộc đối thoại, đại diện Công ty CP Sài Gòn Ô tô hỏi: “Công ty tôi có 200 xe để kinh doanh ô tô vận tải, một kho ở quận 9, một kho ở Biên Hòa. Tôi muốn đăng ký xe tại kho quận 9 và Biên Hòa có được không? Nếu được thì làm thủ tục như thế nào?”.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng CSGT (PC08 - trước đây là PC67) Công an TP, cho biết: Hiện ùn tắc giao thông hết sức phức tạp, Phòng CSGT đã có cách tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp.
Theo đó, nếu có nhu cầu đăng ký xe đối với hai xe trở lên thì không cần đến cơ quan đăng ký xe. Chỉ cần gửi đơn đến PC08, căn cứ địa điểm tập kết xe, phòng sẽ cử cán bộ đến kiểm tra thực tế xe. Sau khi hoàn thành, tất cả thủ tục còn lại cũng như nhận giấy đăng ký xe phải đến đội đăng ký xe ở 282 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh).
Theo phó Phòng PC08, đơn vị đã đề xuất các điểm đăng ký mới ở ngoại thành. Đối với các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, đại sứ quán tại TP.HCM thì giải quyết tại đội đăng ký xe ở 282 Nơ Trang Long. Ngoài ra có hai điểm ở ngoại thành gồm Đội CSGT Rạch Chiếc (phục vụ cho các quận 2, 7, 9, Thủ Đức và huyện Cần giờ, Nhà Bè) và Đội CSGT An Sương (phục vụ cho các quận 12, Tân Phú, Bình Tân; các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi).
Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP, tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN
Phòng PC08 cũng đang tiếp tục tìm những vị trí thuận lợi khác để xe có nhu cầu đăng ký không cần vào đội đăng ký xe ở quận Bình Thạnh vì lộ trình rất cực.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp cũng thông tin đối với thắc mắc của anh Trần Thanh Tuấn (Công ty Toyota Hyroshima) về việc khi khách hàng mới mua xe, chưa có biển số có được chạy đến địa điểm đăng ký xe không.
“Trên thực tế nhiều bà con ngại về mặt thủ tục nên khi xe chưa có biển số đã chạy ngoài đường, xui thì gặp CSGT chịu phạt, còn không thì đi. Theo quy định, phải dùng xe chuyên dùng chở xe đến địa điểm đăng ký hoặc dùng biển số tạm trong 15 ngày” - Thượng tá Diệp nói.
Người nước ngoài ôm thẻ tạm trú về nước thì làm sao?
Đại diện Công ty Paiho thắc mắc: Trường hợp người nước ngoài đã được công ty bảo lãnh để cấp thẻ tạm trú nhưng khi đột xuất nghỉ việc và cầm thẻ tạm trú ra nước ngoài thì làm sao để chấm dứt hiệu lực của thẻ.
Đại diện Công ty Microsoft băn khoăn việc nhân viên người nước ngoài làm mất công văn phê duyệt nhập cảnh nên gặp khó khăn trong việc làm thẻ tạm trú. Tại sao cứ phải kêu bổ sung công văn?
Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh PA08 (PA72 trước đây) Công an TP, cho biết trường hợp người nước ngoài tự ý bỏ việc, không trả lại thẻ tạm trú thì chỉ cần công ty làm văn bản gửi về Phòng PA72 để hủy thẻ trên hệ thống. Còn trường hợp người nước ngoài làm mất công văn phê duyệt nhập cảnh thì chỉ cần trong đơn đề nghị cấp thẻ tạm trú có cam kết của doanh nghiệp bảo lãnh thì sẽ được xem xét giải quyết ngay.
“Người nước ngoài mất thẻ tạm trú, doanh nghiệp phải báo ngay cho Phòng PA08 làm lại… Quốc tịch nào cũng được hỗ trợ làm thẻ tạm trú đúng hẹn. Nếu mất thời gian chỉ có thể rơi vào trường hợp liên quan vi phạm trước khi nhập cảnh nên khi xét duyệt phải hỏi cơ quan thụ lý. Nếu kéo dài ngày thì sẽ báo cho doanh nghiệp bảo lãnh biết” - Thượng tá Tiến thông tin thêm…
Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết thời gian tới Công an TP sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với cá nhân, doanh nghiệp hai lần/năm để nhìn nhận thái độ, quy trình, kết quả phục vụ nhân dân trong lĩnh vực hành chính.
Đưa công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính Trong sáu tháng đầu năm 2018, Công an TP đã ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào việc giải quyết TTHC trong nhiều lĩnh vực, giúp rút ngắn thời gian đi lại của người dân. Tính đến nay đã có gần 164.000 hồ sơ của dân được cấp thẻ căn cước công dân. Công an đã chủ động đến tận nhà làm thủ tục cấp thẻ cho người già, người có hoàn cảnh đặc biệt, người không có điều kiện đi lại gần 350 trường hợp. Công tác quản lý xuất nhập cảnh, tỉ lệ trả kết quả đúng hẹn cho người dân đạt 100% và đã áp dụng công nghệ thông tin trong mô hình “Tờ khai điện tử”; ứng dụng hệ thống “Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ và cung cấp thông tin xuất nhập cảnh qua màn hình cảm ứng”; ứng dụng chuỗi “Hệ thống các dịch vụ thông báo kết quả giải quyết hồ sơ”; triển khai các dịch vụ công trên trang thông tin điện tử xuất nhập cảnh ở mức độ 3. Ngành cũng duy trì 28 hộp thư điện tử và trong sáu tháng đầu năm 2018 đã tiếp nhận và giải quyết rốt ráo tám phản ánh của người dân; thường xuyên cập nhật 104 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết trên cổng thông tin điện tử Công an TP ở nhiều lĩnh vực; duy trì chế độ làm việc vào sáng thứ Bảy hằng tuần để giải quyết TTHC cho người dân... Đây là lần đầu tiên Công an TP tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, đại diện người dân TP. Chắc chắn trong quá trình tương tác, phục vụ còn nhiều khiếm khuyết về thái độ phục vụ, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để lực lượng công an có tinh thần, trình độ phục vụ yêu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân tốt hơn. Mong người dân có yêu cầu, phản ánh thì có thể thông tin để lực lượng công an ngày càng gắn bó với nhân dân hơn, thấy được khiếm khuyết, sai sót để sửa chữa. Đại tá TRẦN ĐỨC TÀI, Phó Giám đốc Công an TP.HCM |