Ngày 18-10, bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty bột mì Hương Xưa- hội viên Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết tại cuộc họp giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) với các doanh nghiệp diễn ra hôm qua (17-10), Hội đã kiến nghị cho phép tạm ngưng áp dụng tái xuất đối với mặt hàng lúa mì có nhiễm cây kế đồng theo quy định từ ngày 1-11-2018. Kiến nghị này được cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đồng ý tạm thời chưa áp dụng quy định tái xuất từ ngày 1-11-2018 như thông báo trước đó của cục. Tuy nhiên, khi nào áp dụng thì DN cũng chưa biết.
Một số DN cho biết thêm đây chỉ mới là thông tin trong cuộc họp, chưa có gì chắc chắn. Khi nào có văn bản từ cơ quan quản lý DN mới yên tâm hơn.
Trước đó, ngày 5-9-2018 Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I ban hành công văn số 95/CV-KDI nêu rõ: Thực hiên chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, từ ngày 1-11-2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsirum arvense (cây kế đồng) sẽ bị áp dụng biện pháp xử lí là tái xuất.
Đồng thời Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định tạm ngừng nhập khẩu các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cây kế đồng.
Với công văn này, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM đã tổ chức tọa đàm khẩn về khó khăn của DN nhập khẩu sản xuất lúa mì trong việc thực hiện. Đồng thời Hội cũng có công văn kiến nghị lên bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét cho phép tạm ngưng áp dụng thời gian thực hiện quy định của Cục Bảo vệ thực vật.
Theo một DN nhập khẩu lúa mì, mỗi chuyến tàu nhập khẩu lúa mì có trọng tải 30.000-50.000 tấn, có giá trị khoảng 20 triệu USD tương đương gần 500 tỉ đồng. Nếu buộc phải tái xuất, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Nếu quyết định nói trên được áp dụng, không chỉ riêng các DN nhập khẩu lúa mì và sản xuất bột mì bị thiệt hại do phải ngưng sản xuất vì không có nguyên liệu mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Đó là các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là bột mì từ bánh mì, bánh ngọt, mì tôm, fastfood... Thậm chí các DN sản xuất nguyên liệu, thức ăn dành cho chăn nuôi đều sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi quy định này.
Một nhà nhập khẩu lúa mì cho biết một chuyến tàu có trị giá 500 tỉ đồng sắp về Việt Nam nếu lệnh cấm nhập, buộc tái xuất thì DN thiệt hại rất lớn.
Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bột mì Bình An, cho biết lượng nhập khẩu lúa mì trong 8 tháng đã nhập trên 3 triệu tấn, đây là con số rất lớn. Bột mì đi vào đời sống từ bữa ăn đến các sản phẩm mì ăn liền, bánh kẹo, sản phẩm sữa, thức ăn chăn nuôi, thậm chí có trong ngành công nghiệp dùng làm keo sản xuất ván ép.
Thời gian qua bên kiểm dịch phát hiện cây kế đồng, không riêng nhà máy Bình An mà các đơn vị sử dụng lúa mì, đặc biệt lúa mì Nga bị nhiễm cây kế đồng chịu sự chi phối của Cục Kiểm dịch thực vật.
Theo đó, tất cả lô hàng đều được đưa về sản xuất nhưng nằm trong diện kiểm soát chặt chẽ. Từ khi bốc hàng ở cảng phải bảo quản tránh lây lan ra môi trường xung quanh, khi về đến công ty sử dụng hệ thống tách bóc ra. Sau đó cùng cán bộ của Cục thực hiện tiêu hủy bằng cách mang đi đốt.
“Công ty Bình An đang thực hiện như vậy, thành ra đối với những lô hàng nhiễm cây kế đồng thì xử lí được chứ không phải không”, ông Hiếu kể.
Cùng nhận định trên ông Phan Công Cường, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mì- Vikybomi, cho biết công ty nhập lúa mì từ Úc, Mỹ, Canada, Nam Phi, Châu Âu về sản xuất bột mì để cung cấp cho nhà máy mì ăn liền, bánh kẹo, thức ăn thủy sản, lúa để làm thức ăn gia súc.
Khi lúa mì về đến các nhà máy đều có khâu xử lí nguyên liệu, những tạp chất như hạt kế đồng đều bị loại ra hết, độc nhất chỉ có hạt lúa mì mới được đưa vô xay nghiền thành bột mì.
Theo ông Cường, khi Cục BVTV phát hiện lúa mì Canada, Nga, Mỹ bị nhiễm cây kế đồng, công ty đề nghị họ trước khi bán nên đưa qua bộ phận sàng lọc để loại ra. Các nhà cung cấp không làm, họ cho biết thị trường tiêu thụ lúa mì Việt Nam so với các nước khác không nhiều nên không đầu tư xử lí. Và nếu có cũng khó loại hết 100%, mà nếu về Việt Nam phát hiện còn 1% bắt DN tái xuất. Như vậy, thiệt hại cho khách hàng quá nên họ không làm chuyện này.
“Họ không xử lí không cam kết trong hợp đồng. Đồng thời họ không bán thêm lúa mì cho những DN nào đòi hỏi như vậy” - ông Cường kể.
Những tháng qua, công ty được sự hướng dẫn của Cục BVTV phân loại hạt kế đồng ra riêng phối hợp cùng Cục đem tiêu hủy, đốt ở nhiệt độ cao. Vì vậy, cơ quan nhà nước nên cho DN tiếp tục làm theo cách này, cho DN nhập lúa mì về sản xuất tạo công ăn việc làm cho người lao động… Nếu không, các nhà sản xuất sản phẩm từ bột mì sẽ nhập bột mì trực tiếp từ nước ngoài khiến cho các nhà sản xuất bột mì trong nước lao đao.
Trong khi đó, ông Lê Văn Vu, Phó Tổng Giám đốc công ty bột mì Bình Đông, cho biết hơn 30 năm nay nguyên liệu công ty nhập chủ yếu từ Mỹ, Úc. Do hai năm nay tình hình hạn hán ở Úc quá khắc nghiệt nên giá tăng, một số DN chuyển sang nhập lúa mì Canada, Nga để vừa giảm giá thành cạnh tranh được.
“Vừa rồi Bình Đông có liên hệ một số nhà nhập khẩu lúa mì đặt vấn đề chi phí loại bỏ cây kế đồng cứ đưa hết vô giá nguyên liệu, bao nhiêu DN cũng chịu. Người bán nói rằng họ đã có chứng thư chất lượng DN không mua được thì thôi. Tỷ lệ lúa mì Mỹ về Việt Nam chỉ có bấy nhiêu, DN mua được thì mua chứ họ không cần mình. Đó là cái khó khăn thật sự của DN” - ông Vu kể.
Giá lúa mì nhập khẩu đã rục rịch tăng 10%-15% Một số DN khác cho biết thời gian qua khi thông tin về lệnh cấm nhập lúa mì xuất hiện cho thấy giá lúa mì nhập khẩu đã rục rịch tăng 10%-15%. Nguyên nhân do DN phải chuyển sang nhập lúa mì ở các thị trường có giá cao như Úc. Bản thân giá lúa mì Úc đã cao nhưng Úc đang bị hạn hán khiến giá lúa mì càng tăng, hiện có giá khoảng 240 USD/tấn chênh lệnh 10%-15% so với thị trường Nga, Mỹ. Để ổn định làm ăn lâu dài, DN luôn mong muốn tạo điều kiện mua được nguồn nguyên liệu giá rẻ, ưu đãi bán hàng dễ dàng. Do đó lệnh tạm dừng này chỉ là giải pháp tình thế vì DN không chỉ tổn thất ở những hợp đồng đã kí mà ở những hợp đồng vừa kí sáu tháng trước, nay không có hàng để bán. Muốn có hàng bán phải tìm nguồn lúa mì ở thị trường mới với giá cao DN sẽ bị lỗ nặng. Mặt khác, với việc lùi thời hạn này khi DN tìm được nguồn hàng thay thế nhưng có giá cao thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi khi mua các sản phẩm với giá tăng tương ứng. |