Ngôi trường không có giáo viên nữ đặc biệt nhất xứ Thanh

Ngôi trường không có giáo viên nữ đặc biệt nhất xứ Thanh

(PLO)- Trên đỉnh Pha Hé ở Thanh Hóa được ví đẹp tựa "thiên đường", có một ngôi trường biệt lập suốt 17 năm qua không có giáo viên nữ và nhiều điều đặc biệt khác. 

Sau một hành trình vượt qua nhiều con dốc thẳng đứng bên những vách núi đá cheo leo, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến Cao Sơn, nơi có 3 bản gồm Son-Bá-Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa).

Nơi đây có ngôi trường TH-THCS Cao Sơn nằm lọt thỏm giữa núi rừng Cao Sơn cùng với nhiều câu chuyện đặc biệt của thầy trò người Thái nơi đây.

Bình minh ở vùng đất Cao Sơn đẹp tựa thiên đường

Bình minh ở vùng đất Cao Sơn đẹp tựa thiên đường. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Tự nguyện lên vùng đất khó

Giữa ngôi trường bao quanh là núi đồi, sương mù bao phủ quanh năm, thầy giáo Trần Ngọc Hải (40 tuổi) kể lại hành trình suốt 17 năm giảng dạy rồi gắn bó máu thịt với người dân nơi đây.

"Năm 2005, tôi nhận được quyết định lên Cao Sơn, một vùng đất đẹp như tranh vẽ. Đường lên Cao Sơn mất khoảng 5 tiếng bằng đường rừng, vách đá cheo leo dựng đứng. Ở đó những buổi chiều tà, tiếng kêu của thú rừng giữa đại ngàn Cao Sơn (Pù Luông) hoang vu rợn gáy" - người thầy đầu tiên lên Cao Sơn nhớ lại.

Đường lên Cao Sơn chênh vênh bên sườn núi

Đường lên Cao Sơn chênh vênh bên sườn núi. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ấn tượng đầu tiên của thầy Hải về vùng đất Cao Sơn là những ngôi nhà sàn đơn sơ xiêu vẹo trong những lớp sương mù dày đặc. Cao Sơn nghèo khó vô cùng với nhiều cái không: Không đường, không điện, không trường lớp, không sóng điện thoại với khoảng 90% là hộ nghèo.

Một bức tranh Cao Sơn đẹp nhưng nghèo, khiến những đứa trẻ lớn lên giữa vùng lõi Pù Luông chỉ biết nơi đây là một thế giới hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài kia.

Mỗi ngày, dù chỉ ăn bữa cơm độn ngô sắn không được no, các em học sinh phải đi bộ vượt núi đá, băng rừng hơn 3 giờ mới đến một điểm trường ở huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) thay vì ở nơi các em đang sinh sống là Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa. Bàn chân em nào em nấy nứt toác, rớm máu.

Chứng kiến cảnh nghèo khổ của người dân và các em học sinh nơi đây, thầy Hải đã không kìm được cảm xúc rồi nguyện đem sức trẻ đầy khát khao của mình cống hiến cho nơi đây.

Cảnh học sinh leo ngược dốc đá, núi cao ở đại ngàn Pù Luông sang Tân Lạc (Hòa Bình) đi học được chấm dứt kể từ khi Cao Sơn mở lớp học cho các em học sinh lớp 6, 7, 8 vào năm 2005.

Đây cũng là thời điểm thầy Hải lên tiếp quản các lớp học. Lớp học được dựng lên là mái tranh còn tường che chắn bằng những tấm tre đan.

Tuy nhiên, thời tiết băng giá nên mỗi mùa đông về, nhiều em học sinh phải quấn chăn đi học. Mỗi lần muốn dùng phấn viết lên bảng phải đốt lửa hong khô lên mới viết được. Đó mới chỉ là hành trình bắt đầu của một thầy giáo tuổi đôi mươi đến với vùng đất Cao Sơn.

Thầy Trần Ngọc Hải rơm rớm nước mắt khi kể lại những ngày đầu lên Cao Sơn dạy học
Thầy Trần Ngọc Hải rơm rớm nước mắt khi kể lại những ngày đầu lên Cao Sơn dạy học. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Gánh đá xây trường

Thầy Hải nhớ lại đặc điểm của vùng đất Cao Sơn thời điểm đó là không đường giao thông, không có quán hàng tạp hóa, không sóng điện thoại, không chợ… Mọi sản phẩm của người dân làm ra là tự cung, tự cấp.

Vùng đất đẹp như tranh vẽ Cao Sơn, nơi có 3 bản người dân tộc Thái Son-Bá-Mười sinh sống, giữ vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
Vùng đất đẹp như tranh vẽ Cao Sơn, nơi có 3 bản người dân tộc Thái Son-Bá-Mười sinh sống, giữ vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Từ lâu, chính quyền nơi đây trăn trở muốn xây dựng một ngôi trường kiên cố, nhưng khổ nỗi không có đường giao thông để vận chuyển vật liệu, vì thế cứ lần lữa mãi mà không xây được.

Nhưng "trong cái khó ló cái khôn", năm 2007, chính quyền đã nghĩ ra cách vận động người dân toàn xã Lũng Cao, trong đó chủ yếu là người dân ở Cao Sơn xây dựng một ngôi trường đủ ấm cho thầy trò nơi đây.

Trường TH-THCS Cao Sơn (Lũng Cao, Bá Thước) ngày nay nằm lọt thỏm giữa núi rừng Pù Luông.
Trường TH-THCS Cao Sơn (Lũng Cao, Bá Thước) ngày nay nằm lọt thỏm giữa núi rừng Pù Luông. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

"Lúc đó người già hay người trẻ đều quyết tâm, dù mỗi lần mất 6 đến 8 tiếng mới đưa được vài viên đá, gạch hay bao cát, xi măng cũng quyết xây dựng trường học" - thầy Hải nhớ lại.

Khoảng nửa năm sau, những phòng học kiên cố đầu tiên trên đỉnh “thiên đường” đã dần thành hình trong niềm vui khôn xiết của thầy trò và người dân nơi đây.

"Đó cũng là lúc những con chữ gieo xuống vùng đất khó đã trở nên trọn vẹn hơn. Đến nay thì ngôi trường đã khang trang hơn rất nhiều so với những ngày đầu tôi đến với vùng đất khó này" - thầy Hải chia sẻ.

Các em học sinh lớp 4 trường Cao Sơn trong trang phục người Thái đến trường

Các em học sinh lớp 4 trường Cao Sơn trong trang phục người Thái đến trường. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ngôi trường không có giáo viên nữ

Thầy Nguyễn Thế Tài, hiệu trưởng Trường TH-THCS Cao Sơn thông tin, trường được thành lập đến nay 14 năm nhưng tính cả lớp học ở khu lẻ đã là 17 năm. Có 42 lượt giáo viên đã về trường giảng dạy.

Theo thầy Tài, nhà trường hiện có 13 giáo viên biên chế, 3 giáo viên biệt phái, một giáo viên liên trường và một giáo viên thỏa thuận hợp đồng. Các thầy giảng dạy ở tại trường thì một tuần mới về một lần, còn có thầy nhà ở xa thì cả tháng mới về một lần.

Do đường sá đi lại khó khăn nên khi về, các thầy chủ yếu mang đồ khô từ dưới xuôi lên như cá khô, lạc, thịt băm muối... Để có những bữa ăn có chất hơn thì các thầy tăng gia thêm nhờ nuôi gà, vịt, trồng rau xanh...

Toàn trường hiện có 59 học sinh tiểu học và 67 học sinh trung học, đa số là người dân tộc Thái.

Một học sinh lớp 4 ở Cao Sơn nhổ cỏ, chăm sóc cho vườn rau xanh cho các thầy.

Một học sinh lớp 4 ở Cao Sơn nhổ cỏ, chăm sóc cho vườn rau xanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo thầy Tài, đây có lẽ là “ngôi trường” đặc biệt nhất ở Việt Nam vì suốt gần 17 năm qua, chưa có một giáo viên nữ nào đến giảng dạy.

Do vậy, với các thầy việc chia sẻ những điều tế nhị với học sinh nữ là rất khó vì ở tuổi dậy thì, tâm sinh lý của chính các em cũng có sự thay đổi rất nhiều. Vì thế, nếu có giáo viên nữ đến trường giảng dạy, hướng dẫn nắm bắt tâm sinh lý, chia sẻ cho các em thì sẽ tốt hơn các thầy rất nhiều.

Không có giáo viên nữ, đây có lẽ là điều cũng thiệt thòi với những em học sinh nơi đây, đặc biệt là các em học sinh nữ khi đến tuổi dậy thì.

Trong suốt nhiều năm qua kể từ năm 2005, đây chính là ngôi trường không có giáo viên nữ dù đã có 42 lượt thầy cô giáo về giảng dạy

Trong suốt nhiều năm kể từ 2005, đây chính là ngôi trường không có giáo viên nữ dù đã có 42 lượt thầy giáo về giảng dạy. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Lý giải về việc không có giáo viên nữ, thầy Tài cho rằng đường lên Cao Sơn quá xa xôi, cách trở. Mặc dù, những năm gần đây chính quyền đã mở đường xóa đi khoảng cách biệt lập với Trung tâm xã Lũng Cao với Cao Sơn. Tuy nhiên, đường xuống cấp và đèo dốc khiến cho việc đi lại còn khó khăn.

Không có giáo viên nữ cũng là một thiệt thòi đối với các em học sinh nữ ở vùng đất Cao Sơn này khi đến tuổi dậy thì
Không có giáo viên nữ cũng là một thiệt thòi đối với các em học sinh nữ ở vùng đất này khi đến tuổi dậy thì. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

"Kể từ khi có đường điện nối lên bản vào tháng 12-2021, cuộc sống của người dân ở Cao Sơn có nhiều thay đổi, thoát khỏi cảnh đèn dầu. Học sinh có điện để học, thầy cô được sử dụng máy tính để soạn giáo án. Những năm trở lại đây, ở Cao Sơn cũng đã có nhiều em đỗ đại học, trong đó có những em đã ra trường là kỹ sư nông nghiệp…" - thầy Tài chia sẻ.

Vùng đất Cao Sơn có những thầy giáo bám trụ vững vàng đã 17 năm qua. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Vùng đất Cao Sơn có những thầy giáo bám trụ vững vàng đã 17 năm qua. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Rời Cao Sơn trong sương sớm, ký ức neo lại trong tôi là những người thầy bám trụ kiên cường, vững vàng trong suốt 17 năm qua để gieo chữ cho vùng đất nở hoa.

Đọc thêm