Ngôi làng ‘biệt thự’ học sinh ở huyện biên giới xứ Thanh

(PLO)- Ngôi làng “biệt thự” học sinh ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), nơi vùng đất có sáu dân tộc anh em gồm Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Làng học sinh của Trường THPT Mường Lát nằm nơi thượng nguồn sông Mã, cách trung tâm của tỉnh Thanh Hóa khoảng 250 km đang là nơi sinh hoạt, học tập của 180 học sinh (HS). Mường Lát cũng là huyện có đường biên giáp Lào 110 km.

Trao đổi với PLO,thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết, công trình Làng học sinh Trường THPT Mường Lát có 30 ngôi nhà sàn đủ phục vụ cho khoảng 250 HS vào ở sinh hoạt bán trú tại đây.

Trước đó, năm 2005, một tổ chức phi chính phủ của Cộng hòa Liên Bang Đức có tên Tere Deshmmer tài trợ 4,6 tỉ đồng để xây dựng 15 ngôi nhà. Đến năm 2008, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tài trợ thêm kinh phí để hoàn thiện 30 ngôi nhà sàn trong khu làng này và đưa vào sử dụng hiệu quả.

Sau thời gian sử dụng, cuối năm học 2013, huyện Mường Lát đã đầu tư sửa chữa làm lại toàn bộ phần mái 30 căn nhà và xây tường lại 11 căn, thay mới dây dẫn và thiết bị điện, láng nền gầm sàn nhà, sửa chữa nhà bếp… bằng nguồn vốn ngân sách huyện.

Quá trình đưa vào sử dụng, đến năm 2021, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện đã xuống khảo sát, tìm hiểu, thống nhất chủ trương đầu tư, tu sửa lại một số hạng mục với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng.

Chỉ sau thời gian ngắn, Làng học sinh đã hoàn thành đón 180 HS của 6 dân tộc anh em ở bán trú tại đây năm học 2022-2023, qua đó tạo điều kiện tốt nhất để các em yên tâm học tập, ăn ở ngay tại làng.

Trường THPT Mường Lát hiện có 960 HS đang theo học tại trường. Đối với những HS ở cách xa hơn trường 10 km đều được tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ mỗi tháng không quá 40%/tháng lương cơ bản. Riêng HS nghèo được hỗ trợ mỗi tháng thêm 100.000 đồng chi phí hỗ trợ học tập.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát kỳ vọng, việc bê tông hóa đường, tu sửa Làng học sinh giúp các em có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn. Cạnh đó, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng vươn lên đem tri thức của mình sớm từng bước đưa Mường Lát ra khỏi huyện nghèo vào năm 2030.

Làng học sinh Trường THPT Mường Lát nơi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa đã được chỉnh trang bao gồm cả đường bê tông được cứng hóa giúp cho HS của 6 dân tộc trên địa bàn yên tâm học tập. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Khi bước vào Làng học sinh là ngôi nhà chung sinh hoạt cộng đồng cho HS đã được thay "áo mới" khang trang, sạch đẹp và sân chung trở thành nơi rèn luyện sức khỏe cho các học sinh nam nữ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo thầy giáo Duy Khánh, ngôi nhà sàn chung rất đẹp, nhưng vẫn còn thiếu bàn ghế để các em sinh hoạt học tập. Mới đây nhà trường cũng đã có xin được một ít bàn ghế cũ để các em ngồi tạm nhưng cũng không đủ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Làng học sinh vừa mới hoàn thiện được nhiều học sinh ví như "biệt thự" ở vùng xuôi mà các em HS thấy qua ti vi, điện thoại. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Mỗi ngôi nhà sàn được xây dựng kiên cố 2 tầng, phía dưới tầng 1 là nơi để các em sinh hoạt nấu ăn, còn tầng 2 là nơi để các em nghỉ ngơi học tập. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Phía bên trong ngôi nhà sàn được các em học sinh dọn dẹp sạch sẽ, tuy nhiên hiện nay trong mỗi căn nhà sàn vẫn thiếu một bàn học tập chung. Thầy Văn cho biết việc ngồi học ở giường ảnh hưởng nhiều đến học tập, phát triển của các em. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Học sinh ở bán trú tại làng đều ở những bản vùng sâu vùng, xa của huyện biên giới Mường Lát nên có những học sinh nửa tháng mới trở về nhà để lấy gạo lên. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Bí đỏ là thực phẩm được em thường xuyên sử dụng, có lúc dành để ăn thay cơm. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Và rau cải của người Mông trồng trên những núi cao là món chưa bao giờ thiếu với các em HS nơi đây. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Khu bếp nấu ăn trong các ngôi nhà sàn ở làng cũng được chỉnh trang, sửa lại khang trang khiến cho các em HS thích thú. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Sau mỗi giờ học tập, HS ở làng còn trồng thêm các loại rau để mỗi khi chưa thể về nhà được vẫn có rau ăn tại trường mà không phải bỏ tiền mua. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo thầy Văn, làng học sinh đã khang trang sạch sẽ hơn nhiều, nhưng hiện tại mới có 180 HS đăng ký vào ở bán trú, trong khi công suất là 250 HS. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Khi làng HS thay "áo mới" dù ở bất kì góc nào ở đây cũng mang nét đẹp yên bình giữ núi rừng biên giới xứ Thanh. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, Trần Anh Văn trăn trở, Làng học sinh vẫn còn thiếu 30 bàn học tập chung tại các ngôi nhà sàn và bàn học ở các ngôi nhà chung khiến các em học khăn trong học tập ngoài giờ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Theo thầy Văn, HS vào làng học tập sinh hoạt chỉ mất mỗi tiền điện, ngoài ra các em không mất thêm các chi phí khác và rất an toàn. Trong khi đó các em thuê trọ ở ngoài rất khó khăn có lúc lại không an toàn. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Làng học sinh nơi biên giới huyện Mường Lát (Thanh Hóa) - nơi HS 6 dân tộc anh em cùng ở bán trú đã và đang ươm mầm khát vọng, ước mơ thoát nghèo từ con chữ nơi vùng đất từng trải qua 2 trận lũ lịch sử năm 2018-2019. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm