Ngôi trường lắm cái không trên núi Cấm

Phải vất vả lắm 11 năm qua thầy cô trường này mới duy trì được việc “cõng chữ” lên non, xóa dốt cho con em xã này.

Trường “không đạt chất lượng tối thiểu”

Đã nhiều năm rồi Trường Tiểu học “B” An Hảo dường như vẫn không có gì đổi khác. Thành lập cách nay 11 năm nhưng đến giờ một cái nhà vệ sinh cũng không có. Ngần ấy năm trời, hàng trăm giáo viên và học sinh của trường vẫn phải tiểu tiện ngoài rừng. “Sống ở đây, mắc cỡ nhất là mỗi khi đi vệ sinh phải lén lút trốn vào rừng. Giáo viên nam còn đỡ, giáo viên nữ lại càng khổ hơn. Mấy em học sinh hễ “mắc” thì chúng ra cạnh trường, vào đại tiện trong mấy lùm cây... Bởi vậy, cảnh quan trường lớp ở đây rất nhếch nhác!” - một giáo viên ngượng ngùng tâm sự. 

Mùa nắng, nước ở đây rất thiếu thốn. Đã vậy, giáo viên và người dân cả ấp Thiên Tuế chỉ sống nhờ vào nguồn nước dưới cái hồ rộng khoảng 20 m2 cạnh trường. Thầy hiệu phó Nguyễn Văn Luyến kể: “Mùa mưa, nước mưa rửa trôi, chảy xuống hồ nhiều thứ không tả nổi... nhưng nếu không xài thì lấy nước đâu ra để tắm giặt, nấu nướng mỗi ngày?”. Mới đây, trường được tài trợ chi phí xây thành hồ bảo vệ xung quanh, tuy vậy tình trạng ô nhiễm vẫn còn. 

Cảnh dạy và học của thầy trò Trường Tiểu học “B” An Hảo nhìn rất tội. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Thành Trung tâm sự: “Nhiều học sinh ở xa phải leo núi, băng rừng đến lớp. Trường không có trạm cấp nước nên dù nghèo học sinh vẫn phải đóng tiền mua nước lọc uống quanh năm. Trường cũng chưa có tiền xây hàng rào, bởi vậy năm nào phòng giáo dục xuống kiểm tra cũng xếp loại “không đạt tiêu chí chất lượng tối thiểu.”

Học sinh trên núi Cấm vất vả leo núi đến trường.

Ngày trước, khi con đường lên đỉnh núi Cấm chưa được xây dựng thì thầy cô giáo của Trường Tiểu học “B” An Hảo phải thức từ tờ mờ sáng, cuốc bộ hàng cây số đường đèo để đến trường giữa sương lạnh. Chạng vạng tối thì từng người một lại lội bộ xuống núi. Bây giờ, đường lên núi Cấm đã mở, giáo viên đỡ được cảnh leo núi nhưng khó khăn vẫn còn nhiều vô kể. 

Giáo viên tất tả mưu sinh

Giá cả hàng hóa trên núi hầu như lúc nào cũng cao hơn đồng bằng do phải chuyên chở lên cao. “Gạo dưới chân núi chỉ 10.000 đồng/kg, ở đây bán 15.000 đồng/kg; thịt cá, rau củ, quả thứ gì cũng cao gấp rưỡi. Trong khi đó, thu nhập giáo viên ở đây rất thấp. Phần lớn lại là giáo viên trẻ mới ra trường, chỉ được hưởng 85% lương, bởi vậy không cách nào sống nổi!” - nhiều giáo viên thở dài ngao ngán.

Vòng quanh sân trường, chúng tôi bắt gặp một thầy giáo đang ngồi sơn cái ghế hớt tóc. Đó là thầy Nguyễn Thanh Hiếu. Thầy Hiếu cho hay vài bữa nữa sẽ mở “tiệm” hớt tóc, vận động mấy em học sinh đến hớt ủng hộ. “Sống trên núi khổ lắm, chi phí cái gì cũng mắc nên mình phải kiếm thêm nghề phụ. Các thầy cô giáo ở đây chạy xe ôm, bán tạp hóa, hớt tóc kiếm sống nhiều lắm!”.

Chi phí đắt đỏ, sinh hoạt thiếu thốn là vậy nhưng điều khó hiểu là giáo viên của ngôi trường nằm trên đỉnh núi Cấm cheo leo này lại không được hưởng chế độ 135. “Ai cũng biết vùng núi đương nhiên được Chính phủ ưu đãi đầu tư bằng nguồn kinh phí 135 (kinh phí dành cho vùng kinh tế đặc biệt khó khăn). An Hảo là xã vùng cao và nghèo. Vậy mà từ đó đến giờ giáo viên ở đây chưa hề được hưởng đồng nào từ chế độ này. Từ ngày thành lập trường đến nay đã 11 năm, không năm nào trường không tiễn thầy cô cũ đi, đón người mới về. Cố gắng lắm họ cũng chỉ dạy đủ một năm là xin chuyển trường khác vì không chịu nổi cảnh thiếu thốn” - thầy hiệu trưởng cho hay. 

Sau nhiều năm kiến nghị xin nâng cao đời sống giáo viên nhưng không được đáp ứng, vừa rồi bốn cán bộ lãnh đạo hai trường tiểu học và THCS An Hảo đồng loạt làm đơn xin từ chức. Phòng Giáo dục huyện Tịnh Biên và Đảng ủy xã An Hảo đã vận động họ ở lại.

“Chúng tôi xin nghỉ là vì cảm thấy mình không đủ năng lực để lãnh đạo anh em. Hầu hết đề xuất của tập thể giáo viên đều không được cấp trên giải quyết. Không thể bắt giáo viên ngày ngày ngay ngáy lo đói mà phải bám trụ lại trường. Làm như thế là thiếu công bằng với họ!” - thầy Trung giải thích.

Rời Trường Tiểu học “B” An Hảo, chúng tôi thấy xốn xang trong dạ. Các thầy cô ở đây cái ăn còn chưa đủ thì làm sao an tâm giảng dạy, tương lai của những học sinh trên đỉnh núi này sẽ về đâu?

VĨNH SƠN  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới