Ngôi trường thừa đến 1/3 giáo viên

 Chuyện dư thừa giáo viên luôn là đề tài nóng trong những cuộc họp của trường - Ảnh: S.Bình

Tiếp chuyện chúng tôi là hiệu trưởng Trương Hoàng Thái, ông đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng Trường THCS Lương Hòa mới được vài năm. Khi hỏi về câu chuyện thừa giáo viên, ông Thái nói: “Tôi đau đầu về chuyện này. Đó là hậu quả lịch sử để lại”.

Một lớp: hai giáo viên chủ nhiệm

* “Tôi tốt nghiệp ĐH sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Do trường dư giáo viên nên tôi được điều sang y tế. Tôi đâu biết chích thuốc, lấy thuốc gì đâu. Biết sơ mấy thuốc đau bụng, cảm sốt quen thuộc cho học sinh uống. Mỗi lần học sinh bệnh, tôi cũng muốn bệnh theo...”.

Cô Phạm Trúc Hà (giáo viên Trường THCS Lương Hòa)

* “Đó là hậu quả lịch sử thì chúng tôi phải giải quyết cho phù hợp lịch sử. Các trường khác dư thừa giáo viên không nhiều, làm sao mà chuyển. Chúng ta nhận người ta vào, người ta không vi phạm, chẳng lẽ vận động nghỉ việc”.

Ông Nguyễn Văn Ngoan (phó Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành)



Theo ông Thái, hơn sáu năm trước, xã Lương Hòa được chia làm ba xã dẫn đến tình trạng học sinh phân tán khắp nơi nhưng số lượng giáo viên của trường không thay đổi (khoảng 90 giáo viên). Thời điểm đó trường dư đến gần 40 giáo viên nhưng giải quyết nghỉ hưu dần cho nhiều người lớn tuổi nên số lượng dư có giảm. Ông Thái khẳng định hiện tại trường có tổng cộng 63 giáo viên, thừa 23 giáo viên. “Số lượng giáo viên thừa tập trung các môn tự nhiên như toán, lý, sinh, tiếng Anh. Trong khi các giáo viên môn văn, sử, địa được dạy 16-18 tiết/tuần”, ông Thái chia sẻ.

Để “coi cho được”, ban giám hiệu trường tìm cách cho giáo viên “rảnh” có việc làm khi tăng một lớp đến hai giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời tích cực phân loại học sinh yếu kém để nâng số tiết dạy cho các em này. Nhờ vậy các giáo viên dư thừa được dạy 4-6 tiết/tuần nhưng lượng giáo viên dư thừa luôn chiếm tỉ lệ cao. Trường lại chuyển tiếp nhiều giáo viên đang giảng dạy sang năm bộ phận cơ bản trong trường như thư viện, thiết bị, y tế, kế toán và văn thư. “Biết là các thầy cô không nắm chuyên môn khi chuyển sang bộ phận khác, nhưng trường dư thừa nhiều giáo viên sao có thể tuyển thêm người khác. Nhiều lần tôi cũng báo cáo phòng, sở cùng hỗ trợ giải quyết”, ông Thái tâm tư.

Thực tế khi chuyển sang các bộ phận khác, nhiều giáo viên phản ứng dữ dội. Cô Phạm Thanh Trâm (32 tuổi) bức xúc: “Tôi tốt nghiệp ĐH sư phạm địa Trường ĐH Cần Thơ. Ước muốn ra trường sẽ đứng lớp giảng dạy nhưng lại bị đưa sang làm văn thư. Nhà trường hứa hẹn nếu làm tốt một năm sẽ chuyển lên dạy. Dù không am hiểu chuyên môn nhưng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bốn năm qua mà không thấy ai nói gì”.

Ngoài ra, khi chuyển sang những bộ phận khác các giáo viên chỉ sống nhờ “lương trơn” chứ không được hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp công vụ như bao giáo viên giảng dạy. “Buồn quá, nhiều lần muốn xin nghỉ nhưng hiệu trưởng động viên nên đợi thêm thời gian”, cô Trâm chia sẻ.

Giải pháp “đợi học sinh” (!)

Trước tình hình trên, ngoài cách giải quyết ngắn hạn, ban giám hiệu trường đã vạch kế hoạch tương lai. Ông Thái cầm bảng thống kê đưa cho chúng tôi nói: “Mỗi năm số lượng học sinh cấp dưới chuyển lên đều tăng, dự đoán đến năm 2015 số lượng giáo viên dư thừa sẽ giảm đáng kể hoặc không còn nữa”. Khi chúng tôi hỏi: “Nếu đến năm 2015 lượng học sinh cấp dưới chuyển lên không tăng thì sao?”, ông Thái trả lời: “Mong là các em lớp dưới không bỏ học, không thi rớt để kế hoạch đúng như dự đoán!”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngoan, phó Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, cho biết việc dư thừa giáo viên tại Trường THCS Lương Hòa kéo dài nhiều năm. Khoảng 20 năm trước, lượng giáo viên tại tỉnh Trà Vinh thiếu trầm trọng, lãnh đạo tỉnh có chính sách thu hút, đào tạo cấp tốc và phân bổ giáo viên giảng dạy nhưng không cân đối. Riêng Trường THCS Lương Hòa khi tách ra ba xã, lượng học sinh bỏ trường gần một nửa đến các trường mới (được phân bổ giáo viên mới) chứ không chuyển theo giáo viên Trường Lương Hòa.

Theo ông Ngoan, lãnh đạo phòng có tham mưu với UBND huyện tìm nhiều hướng giải quyết, trong đó có dự trù phát triển trường lớp bởi hiện nay số học sinh cấp cơ sở gia tăng đến năm 2015 sẽ tương đối đủ cho giáo viên dạy. Khi hỏi về bức xúc của giáo viên khi chuyển sang các bộ phận khác còn nhiều bất cập trong chính sách ưu đãi, ông Ngoan cho biết: “Phần lớn giáo viên được chuyển không đạt chuẩn đứng lớp nhưng đó chỉ là biện pháp “chữa cháy”. Lãnh đạo phòng đã phối hợp những nơi liên quan mở lớp sơ cấp cho các giáo viên đi học để đảm bảo công việc. Sau khi chuyển nhiệm vụ ngoài chuyên môn, giáo viên bị mất phụ cấp thâm niên chúng tôi thấy xót nhưng phải chịu vì đó quy định”. “Nhưng giáo viên còn than phiền mất luôn phụ cấp công vụ được hưởng 25%?”, chúng tôi hỏi. Ông Ngoan trả lời: “Số giáo viên không được hưởng bởi khi chuyển qua không đúng quy định về chuyên môn. Khi chúng ta làm việc đúng với chuyên môn mới được hưởng công vụ”.

Theo SƠN BÌNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới