Ngựa ô… thu phí : Tiếng cười đáng suy gẫm!

Chỉ trong mấy ngày đã có hàng trăm ngàn lượt truy cập, cho thấy mức độ bức xúc của người dân với tình trạng phí chồng lên phí.

Những ngày qua, các trang mạng xã hội, diễn đàn về ô tô, xe máy… xôn xao với clip ca khúc nhạc chế Ngựa ô… thu phí. Ca khúc này có phần nhạc từ ca khúc Ngẫu hứng lý ngựa ô của nhạc sĩ Trần Tiến và phần lời viết lại về hiện trạng thu phí giao thông tại Việt Nam.

Hấp dẫn nhờ chân phương

Kể từ ngày 9-5 khi được đăng tải trên trang mạng YouTube đến nay, clip này đã có hàng trăm ngàn lượt xem và nhanh chóng được giới thiệu trên nhiều diễn đàn, báo điện tử.

Vì sao clip có sức hút công chúng mạnh mẽ đến như vậy? Phần giới thiệu tên các thành viên chạy bằng chữ: Năm thành viên ngồi hát với sự đệm đàn guitar của Hiếu TT. Không có động tác múa may hay các chân dài phụ diễn. Clip được quay tự nhiên trong một căn phòng, một góc quay, một cự ly duy nhất, hoàn toàn không có thủ thuật kỹ xảo nào. Chân phương và nghiệp dư đến mức trong clip vẫn nghe rõ tiếng đếm nhịp 1, 2, 3… để vào bài hát. Rõ ràng sự hấp dẫn của clip là bấm đúng vào sự kiện thời sự bức xúc bằng ca từ dí dỏm sát hợp với giai điệu sôi nổi vui tươi của nhạc sĩ Trần Tiến. Những giọng ca không chuyên nhưng đồng điệu, ngắt, nhấn nhá duyên dáng làm bài hát càng thêm sinh động.

Nhóm nhạc là thành viên… câu lạc bộ bóng đá

Nhóm thực hiện ca khúc nhạc chế Ngựa ô… thu phí là những thành viên của câu lạc bộ bóng đá thuộc Công ty Phần mềm FPT. Thành viên Trí TM (là anh Minh Trí, phụ trách khối hoạt động đoàn thể của Công ty Phần mềm FPT) cho biết: “Khi đăng tải lên mạng xã hội, có thể có ý kiến đồng tình với phần lời chế này hoặc không nhưng thật sự trước tiên nhóm chỉ muốn chia sẻ những suy nghĩ của nhóm. Thứ đến, nhóm muốn nói lên những trăn trở chung của xã hội...”.

Chuyện Bộ GTVT thu quá nhiều phí đến việc Bộ xây trụ sở… đều được đưa vào ca khúc chếNgựa ô… thu phí.(Ảnh chụp lại từ clip)

Quả thực ngoài bài hát này, nhóm đã có những ca khúc chế phần lời có liên quan đến những vấn đề xã hội. Từ tháng 1-2012, khi dư luận đang nóng lên vấn đề xe máy bốc cháy, nhóm này cũng chế ca khúc Ngọn lửa tay ga với phần nhạc từ ca khúc Ngọn lửa cao nguyên (Trần Tiến) và cũng được hưởng ứng mạnh trên YouTube. Ngọn lửa tay ga cũng cùng phong cách với ca từ dí dỏm như “Một ngọn lửa hồng từ đâu ra, á à a... Một ngọn lửa hồng cháy phà phà... Đến bây giờ, xe bốc hơi rồi, xăng kia bị pha lắm thứ, giờ nó bị cháy thì biết kêu ai, bây giờ… còn bao nhiêu Honda, còn bao nhiêu tay ga vẫn chờ cháy, chờ cháy… Cháy lên đi này xe Honda, cháy lên đi này Yamaha, cháy lên đi này Toyota!”.

Anh Minh Trí cũng cho biết thêm, những ca từ chế này đều do tập thể anh em trong nhóm sáng tác. “Khi rảnh rỗi, khi đi chơi chung… thì các bạn trong nhóm thường bàn về nhiều vấn đề và ai có ý tưởng gì cứ gửi đến diễn đàn nho nhỏ của nhóm và từ đó, mỗi người một ý góp thêm làm thành ca khúc” - anh Minh Trí nói.

Việc xe máy cháy, thu phí giao thông… là những vấn đề mà các thành viên trong nhóm đều hứng thú. Vậy nên khi một thành viên mở màn thì được hưởng ứng rất nhanh. Theo lời anh Minh Trí thì từ khi có ý tưởng cho phần lời của ca khúc Ngựa ô… thu phí từ anh Trọng Hiếu (người chơi đàn guitar - tức Hiếu TT) đến khi quay clip để đăng tải lên mạng chỉ mất hai ngày.

Hâm mộ nhạc sĩ Trần Tiến nên mạn phép…

Nhóm chọn những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến để viết lại lời bởi hầu như đó là những ca khúc mà thành viên nào trong nhóm cũng nằm lòng, khi viết lời dễ ráp vào với phần nhạc.

Chúng tôi có trao đổi với nhạc sĩ Trần Tiến về vấn đề tác quyền của ca khúc, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết: “Nếu đúng luật thì tôi sẽ kiện. Bởi ngay cả những tiểu phẩm hài có dùng phần lời chế từ ca khúc của tôi cũng phải xin phép. Dĩ nhiên người ta yêu ca khúc mình mới đặt lời nhưng cũng phải xin phép đàng hoàng”.

Anh Minh Trí cũng chia sẻ thêm: “Phần đăng tải lên mạng cũng chỉ để chia sẻ với các thành viên và các bạn quan tâm. Khi đăng tải ca khúc, nhóm cũng lo lắng vấn đề vi phạm tác quyền nhưng nhóm không biết cách liên lạc với nhạc sĩ Trần Tiến để xin phép. Và việc nhóm làm là không vụ lợi, không để kinh doanh gì cả nên mong nhạc sĩ Trần Tiến bỏ qua”.

Châm biếm cũng là phản biện đáng trân trọng

Hiện nay đang tồn tại hai luồng dư luận, một cho rằng giới trẻ thời ơ với những vấn đề của xã hội, luồng ngược lại cho rằng giới trẻ không thờ ơ. Và tôi nằm ở luồng dư luận thứ hai. Clip nhạc này cho thấy giới trẻ không thờ ơ mà quan tâm đến mọi vấn đề trong xã hội.

Theo tôi, ca khúc nhạc chế này là một sự châm biếm nhẹ nhàng nhưng rất cần thiết. Từ thời xưa, Việt Nam đã có những kiểu châm biếm trào phúng như thế, ví dụ như Trạng Quỳnh. Hay trước những vấn đề xã hội làm cho người dân xáo trộn thì nhân dân phản ứng lại bằng những câu hò, vè châm biếm. Như thời Minh Mạng, khi vau ban lệnh phải mặc quần, không mặc váy, có câu vè “Tháng tám có chiếu vua ra. Cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông. Đi thì phải mượn quần chồng sao đang. Có quần ra quán bán hàng. Không quần ra đứng đầu làng trông quan”.

Châm biếm, cười cợt nhẹ nhàng cũng là một hình thức phản biện. Người trẻ thích âm nhạc, họ dùng âm nhạc để châm biếm thì không có gì đáng phê phán nếu không muốn nói là trân trọng.

(Nhà thơ Đỗ Trung Quân)

 Clip: Nguồn YouTube

NAMTHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới