|
Rượu. Thậm chí uống ở mức vừa phải cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Theo các chuyên gia, rượu thúc đẩy ung thư bằng cách làm tăng nồng độ các kích thích tố gây ung thư, khiến các mô vú dễ bị thiệt hại.
Phụ nữ uống khoảng 250 ml rượu mỗi ngày có khả năng tăng nguy cơ ung thư vú lên 25%. Nhiều bằng chứng khoa học cũng cho thấy, rượu chứa nhiều calo, dễ gây tăng cân và được liên kết chặt chẽ với nguy cơ ung thư vú.
Một số nghiên cứu ở Úc phát hiện ra rằng, phụ nữ có thể được bảo vệ tránh khỏi nguy cơ ung thư vú bằng cách tăng cường 400-600 microgram axit folic mỗi ngày. Thực phẩm giàu axit folic bao gồm các loại rau xanh, các loại đậu, đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và nội tạng động vật.
Trà. Trà và cà phê được biết đến chứa chất chống oxy hóa polyphenol dồi dào, có tác dụng giảm nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm sức khỏe Phụ nữ ở Toronto (Canada) phát hiện ra rằng phụ nữ có nguy cơ cao của bệnh ung thư vú di truyền uống từ 4-6 tách cà phê mỗi ngày có khả năng kìm hãm được sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, trà xanh cũng là nguồn cung cấp flavonol epigallocatechin-3 gallate (EGCG), một tác nhân có thể phòng chống ung thư.
Mỡ. Chất béo là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống bởi nó đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng các tế bào, dây thần kinh cũng như liên quan đến nhiều nội tiết tố quan trọng trong cơ thể. Trong khi một số loại chất béo có hại cho sức khỏe, việc lựa chọn các loại chất béo tốt đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư vú.
Các loại chất béo được biết đến có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư vú hiện diện trong các thực phẩm chế biến sẵn, bánh quy và bánh ngọt. Còn chất béo có lợi trong việc ngăn ngừa ung thư vú được tìm thấy trong dầu ô liu, bơ, các loại hạt, đậu nành.
Sữa. Nhiều phụ nữ lo ngại rằng tiêu thụ quá nhiều các sản phẩm sữa sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí American Journal of Clinical Nutrition cho thấy các sản phẩm sữa ít chất béo như sữa tách kem, phô mai và sữa chua có thể bảo vệ phụ nữ khỏi căn bệnh này.
Một cuộc khảo sát khác cũng cho thấy uống gần một lít sữa ít chất béo mỗi ngày làm giảm nguy cơ ung thư vú xuống 20 - 30%. Các sản phẩm từ sữa là nguồn dinh dưỡng chứa dồi dào chất béo axit linoleic, có thể cản trở sự phát triển và lây lan các tế bào ung thư.
Đậu nành. Các loại thực phẩm từ đậu nành đều chứa chất có tên gọi isoflavone, có thể ức chế sự phát triển các khối u vú. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn 11 g đậu nành hoặc uống nửa lít sữa đậu nành mỗi tuần trong thời niên thiếu có thể bảo vệ chống lại sự phát triển của bệnh ung thư vú sau này.
Rau. Trái cây và rau được biết đến là nguồn cung cấp các loại vitamin rất dồi dào, có lợi ích sức khỏe, giúp kiểm soát cân nặng, từ đó có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Một số loại rau có tác dụng ngăn ngừa ung thư là bông cải xanh, bắp cải và súp lơ. Chúng phát huy vai trò trong việc bảo vệ enzyme, chống lại quá trình oxy hóa của cơ thể.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy những phụ nữ ăn rau mỗi ngày có thể giảm nguy cơ ung thư vú xuống còn 20-40%. Trái cây, rau màu vàng, màu đỏ (cà chua, cà rốt, khoai lang, ớt, xoài, dưa hấu, đu đủ) rất giàu carotenoid, chất chống oxy hóa rất hữu hiệu.
Đậu. Sau khi tiến hành theo dõi chế độ ăn của 90.000 y tá trong 8 năm, các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH Harvard (Mỹ) nhận thấy rằng phụ nữ ăn đậu 2-4 lần mỗi tuần có thể giảm 25% nguy cơ ung thư vú hơn những phụ nữ hiếm khi ăn loại thực phẩm này.
Polyphenol - hóa chất thực vật được tìm thấy trong đậu có thể giúp hạn chế sự phát triển của khối u. Các nguồn chính cung cấp polyphenol bao gồm nho, đậu phộng, bột nghệ, hành tây, mơ, dâu, lê, ca cao, anh đào, sung, lựu và củ cải đường.
Thịt. Bằng chứng gần đây cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều thịt có thể gây ung thư. Thay vì thịt, hãy lựa chọn cá để ngăn ngừa căn bệnh này. Hạn chế ăn thịt đỏ không quá 4 lần/một tuần. Hóa chất gây ung thư, được gọi là polycyclic, hình thành trong khi nấu thịt quá chín hoặc bị cháy.
Theo Ngọc Khuê (TNO)