Người bán thịt heo đứng tên giám đốc công ty trăm tỉ thâu tóm ‘đất vàng’ Bình Dương

(PLO)- Người bán thịt heo khai được nhờ đứng tên 45% vốn điều lệ tại Công ty Âu Lạc – mắt xích quan trọng trong phi vụ “thâu tóm” 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-8, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 28 bị cáo trong vụ bán rẻ “đất vàng” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan.

HĐXX dành thời gian thẩm vấn một số bị cáo và nhân chứng để làm rõ quá trình thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc – mắt xích quan trọng trong phi vụ “thâu tóm” khu đất 43 ha.

Các bị cáo trong vụ án thâu tóm "đất vàng" Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG

Các bị cáo trong vụ án thâu tóm "đất vàng" Bình Dương. Ảnh: UYÊN TRANG

Cổ đông lớn là... người bán thịt heo

VKS cáo buộc, năm 2010, sau khi được Nguyễn Văn Minh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2) bàn bạc về việc tìm đối tác để hợp tác thực hiện dự án tại khu đất 43 ha, Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Minh) liên hệ với một số người bạn thành lập Công ty Âu Lạc.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 2, Công ty Âu Lạc có vốn điều lệ 153 tỉ đồng, trong đó ông Dương Đình Tâm góp 68,85 tỉ (chiếm 45%), Huỳnh Trung Nam góp 68,85 tỉ (chiếm 45%) và Nguyễn Quốc Hùng góp 15,3 tỉ (chiếm 10%). Trong số này, cơ quan điều tra xác định ông Tâm là người đứng tên cổ đông thay cho Nguyễn Đại Dương.

Tháng 8-2010, Công ty Âu Lạc thay đổi lần thứ 3 người đại diện pháp luật là Dương Đình Tâm - tổng giám đốc. Đến tháng 11-2018, công ty thay đổi lần thứ 4 người đại diện pháp luật là Nguyễn Quốc Hùng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.

Được triệu tập với tư cách nhân chứng, ông Dương Đình Tâm, người nắm giữ 45% vốn điều lệ tại Công ty Âu Lạc, cho biết mình chỉ là người đứng tên trên giấy tờ, còn thực tế không hề góp tiền vào công ty.

Ông Tâm khai, năm 2010, khi vào TP.HCM, ông được Nguyễn Đại Dương nhờ ký một số giấy tờ. HĐXX hỏi cụ thể là các giấy tờ gì? Ông Tâm nói “không đọc, Dương đưa thì ký”.

Đến năm 2015, ông Tâm gặp Dương, trả lại các giấy tờ nêu trên. Dương nhận lại rồi viết một tờ giấy xác nhận. Nội dung xác nhận thể hiện ông Tâm chỉ là người đứng tên 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc giúp cho Dương.

“Thực tế, tôi không có tiền để mà góp vốn vào công ty. Lúc đó chỉ là người bán thịt heo” – ông Tâm nói.

Chủ tọa tiếp tục hỏi, năm 2010 (thời điểm thành lập Công ty Âu Lạc), Nguyễn Đại Dương có gửi tiền cho ông Tâm hay không?

Ông Tâm khẳng định Dương không gửi khoản tiền nào. Mãi đến năm 2015, khi trả lại các giấy tờ cho Dương, thấy vợ ông Tâm than “vất vả quá” thì Dương mới cho vay 5 tỉ đồng, và thực tế mới chuyển cho 4,5 tỉ đồng. Tính đến nay, do làm ăn không mấy khấm khá, ông chưa trả được tiền cho Dương.

Bị cáo Nguyễn Đại Dương, con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh. Ảnh chụp màn hình

Bị cáo Nguyễn Đại Dương, con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh. Ảnh chụp màn hình

"Chỉ biết sơ sơ chứ không tham gia"

Trả lời tại tòa, Nguyễn Đại Dương không thừa nhận nhiều hành vi như cáo buộc, đặc biệt là việc đồng phạm trong thâu tóm "đất vàng".

Về việc thành lập Công ty Âu Lạc, Dương khai do các cổ đông của công ty thực hiện và ông chỉ "biết sơ sơ", chứ không tham gia. Bị cáo cho rằng thời điểm năm 2010, cha vợ bị cáo là Nguyễn Văn Minh có gặp và kể rằng Tổng Công ty 3/2 đang gặp rất nhiều khó khăn, vậy nên bị cáo mới kết nối với hai người khác để thành lập liên doanh.

"Vậy bị cáo có tham gia ký hợp đồng giữa Công ty Âu Lạc với Tân Phú không?" - chủ toạ hỏi. Dương khẳng định không tham gia quá trình soạn thảo hợp đồng, dù vậy thừa nhận có kết nối để hai bên ký kết hợp đồng.

"Bị cáo hoàn toàn không tham gia quá trình liên doanh thành lập công ty sân sau như cáo buộc. Chỉ khi VKS ra cáo trạng, bị cáo mới biết Công ty Âu Lạc đã chuyển tiền cho Tổng Công ty 3/2” – Dương giải thích, và nói có biết Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Âu Lạc, nhưng bản thân không tham gia vào phi vụ này.

"Về tội danh bị truy tố, bị cáo thấy sao?" - chủ tọa tiếp tục hỏi. Dương cho rằng bản thân không có nhiều hành vi sai phạm và đồng phạm với cha vợ như quy kết. "VKS cứ buộc tội nhưng không đưa ra căn cứ pháp lý nào, cũng không có phụ lục nào thể hiện cụ thể" – bị cáo nói.

Theo cáo buộc của VKS, Nguyễn Đại Dương là người giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội, liên đới gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 964 tỉ đồng.

"Thâu tóm" tài sản nhà nước, thiệt hại trăm tỉ

Sau khi thành lập, Công ty Âu Lạc ký hợp đồng với Tổng Công ty 3/2 để lập ra liên doanh Công ty Tân Phú.

Theo phương án đã được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt, khi cổ phần hóa, Tổng Công ty 3/2 phải chuyển khu đất 43 ha về cho Công ty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy) quản lý. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Minh không thực hiện quyết định này mà lại chỉ đạo cấp dưới chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú.

Tiếp đó, bị cáo Minh xin chủ trương từ Tỉnh ủy chuyển nhượng nốt 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Lẽ ra, các lãnh đạo tỉnh Bình Dương, bao gồm ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh uỷ) phải yêu cầu Tổng Công ty 3/2 huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha để chuyển giao khu đất cùng với 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú về cho Công ty Impco. Thế nhưng, nhóm bị cáo lại đồng ý với đề xuất của Tổng Công ty 3/2 .

Được “bật đèn xanh”, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Lúc này, toàn bộ quyền sở hữu khu đất 43 ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú - là tài sản nhà nước – đã hoàn toàn rơi vào tay tư nhân.

Cơ quan tố tụng xác định chuỗi hành vi nêu trên của các bị cáo gây thất thoát cho nhà nước số tiền hơn 984 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.