Người bệnh nặng, hiểm nghèo mong mỏi bỏ thủ tục chuyển tuyến

(PLO)- Nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo phải nằm viện, thăm khám nhiều ngày, nhiều lần ở tuyến dưới mới xong thủ tục chuyển tuyến. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà Lê Minh Huệ, 61 tuổi (ngụ xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm để chữa những bệnh thông thường, hưởng mức BHYT cao nhất 80%.

Vất vả với thủ tục chuyển tuyến

Điều bà Huệ mong muốn hơn cả là nếu mắc bệnh nặng, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu không điều trị được, bà buộc phải vượt tuyến khám chữa bệnh thì vẫn được hưởng BHYT 80%.

“Tôi đã tham gia BHYT lâu nay, may mắn chưa mắc bệnh nặng. Nhưng ở tuổi này thì khó nói lắm, nếu không may bị bệnh nặng hay hiểm nghèo, tôi mong có thể tự lên bệnh viện tuyến trên mà vẫn được BHYT thanh toán như hiện tại” - bà Huệ nói.

đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến
Người dân đến khám chữa bệnh và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: THANH TÚ

Không may mắn như bà Huệ, bà Trần Thị Tĩnh, 57 tuổi (ngụ huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) mắc bệnh hiểm nghèo là ung thư đại tràng di căn. Ngay sau khi phát hiện bệnh, bà Tĩnh được chỉ định phẫu thuật cắt khối u.

Do ở quê không có người chăm sóc hậu phẫu, con gái bà không thể nghỉ việc dài ngày vì cần phải tiếp tục đi làm để có tiền thanh toán chi phí điều trị bệnh, bà Tĩnh vượt tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để phẫu thuật, hưởng mức BHYT 32%.

Toàn bộ chi phí từ phẫu thuật đến nằm viện 10 ngày hậu phẫu của bà lên đến gần 70 triệu đồng. Trong đó, BHYT vượt tuyến hỗ trợ thanh toán hơn 16 triệu đồng.

Sau khi cắt bỏ khối u ác tính, bà Tĩnh được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chỉ định điều trị hóa chất sau mổ. Bà biết rằng quá trình điều trị sẽ rất tốn kém, nếu BHYT không thanh toán mức cao nhất thì gia đình rất khó có thể chi trả nổi.

“Tôi phải về Bệnh viện Đa khoa huyện Ân Thi để làm các xét nghiệm, chụp chiếu lại từ đầu, mấy ngày sau mới có kết quả. Sau đó, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, tỉnh Hưng Yên, tiếp tục khám chữa bệnh lại từ đầu, đợi mấy ngày nữa mới có giấy chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai” - bà Tĩnh kể lại thủ tục chuyển tuyến của mình.

Cùng điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) với bà Tĩnh là bà Nguyễn Thị Vân, 47 tuổi (ngụ Bắc Giang). Bà Vân cũng vượt tuyến lên bệnh viện tuyến cuối để điều trị ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.

Bà Vân cho biết sau 10 ngày nhập viện, theo quy định khám chữa bệnh vượt tuyến, bà đã phải thanh toán chi phí 12 triệu đồng. Biết khó duy trì điều trị lâu dài với mức chi phí này, bà về tuyến dưới để làm thủ tục chuyển tuyến.

“Nằm viện tuyến dưới 2 tuần tôi mới xong thủ tục chuyển tuyến. Tôi mong những người bệnh nặng như mình có thể được lên thẳng các tuyến trên để chữa bệnh, không bỏ lỡ thời gian vàng điều trị” - bà Vân chia sẻ.

Đề xuất người bệnh nặng được vượt tuyến

“Để thuận tiện cho người tham gia BHYT, đối với các ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo mà các bệnh viện tuyến huyện không điều trị được, chúng tôi đề xuất người bệnh có thể được chuyển thẳng lên tuyến chuyên sâu và hưởng đầy đủ quyền lợi của BHYT” - bà Đoàn Thị Xuyến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ân Thi (Hưng Yên) nêu ý kiến.

bo thu tuc chuyen tuyen kham chua benh.JPG
Cảnh chờ khám tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM). Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế cũng đã đề xuất các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng được lên thẳng cấp chuyên môn cao để khám chữa bệnh và điều trị mà không cần làm thủ tục chuyển tuyến.

Theo Bộ Y tế, đề xuất này nhằm cải cách hành chính, thủ tục khám chữa bệnh, tạo thuận lợi và giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.

Tại một hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), chia sẻ ngành y tế biết rõ trong nhiều trường hợp, chỉ có cơ sở y tế tuyến trên mới thực hiện được những kỹ thuật cao. Do đó, cần tạo điều kiện để người bệnh được lên thẳng tuyến trên mà không phải làm các thủ tục chuyển tuyến ở tuyến dưới.

Với một số trường hợp bệnh mãn tính, sau khi tuyến trên điều trị người bệnh sẽ được chuyển về tuyến dưới để được quản lý, theo dõi bệnh mãn tính. Họ vẫn được nhận những thuốc chuyên khoa như khi điều trị ở tuyến trên.

“Quy định bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo có thể đến thẳng cơ sở y tế có chuyên môn để được khám chữa bệnh mà không cần chuyển tuyến vừa thuận tiện cho người dân, tiết kiệm chi phí, giúp người bệnh được điều trị ngay từ ban đầu. Việc này vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp hai lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới mà vẫn cần khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện.

Tuy nhiên, danh mục bệnh vượt tuyến sẽ được nghiên cứu cụ thể, là những bệnh chỉ thực sự tuyến trên mới có thể điều trị được, nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối” - bà Trang nói.

Tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải cách hành chính, thủ tục khám chữa bệnh.

“Dự thảo Luật quy định một số giải pháp thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức” - bà Lan nhấn mạnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm