Người bệnh tiểu đường có được hảo ngọt?

Nhiều bệnh nhân đến lúc nào đó đành phá giới để chén một bữa no say. Hậu quả là thực khách không về nhà mà đến phòng cấp cứu sau bữa ăn khoái khẩu.

Đáng tiếc vì trên thực tế có thể phòng tránh chuyện vừa kể. Đường huyết phải tăng cao sau bữa ăn. Nếu đến bữa ăn kế tiếp mà lượng đường trong máu vẫn còn cao thì đường huyết tất nhiên bội tăng hơn nữa sau bữa ăn. Nhiều người bệnh, dù uống thuốc nghiêm túc, vẫn có lượng đường trong máu khó trở về định mức bình thường chẳng qua vì đường huyết cứ “góp gió thành bão” sau mỗi bữa ăn. Trên cơ sở vừa phân tích, muốn thưởng thức món ngọt một chút cho bớt thèm, chỉ cần đợi đến lúc đường huyết xuống thấp, càng thấp càng tốt, hãy ăn. Nếu có máy đo đường huyết bên mình thì chuyện xác định lượng đường trong máu chỉ không đầy nửa phút. Nhưng nếu không có máy đo cũng không quan trọng vì người bệnh tiểu đường nào hầu như cũng quá quen với cảm giác “hạ đường huyết”. Khi đó người bệnh có thể yên tâm thưởng thức chén cơm đầy, hay chọn món đang thèm, chén chè nhỏ, miếng bánh ngọt, miễn đừng quá lớn… thay cho bữa ăn rau cải chán phèo thường ngày mà không sợ đường huyết tăng cao. Như thế, mỗi lần muốn ăn ngon ngọt một chút chỉ cần ráng nhịn ăn nhiều giờ để khoảng cách giữa hai bữa ăn càng xa càng tốt, nhịn hẳn một bữa càng hay.

Thêm vào đó, đừng quên vận động cho đổ mồ hôi trước giờ ăn để góp phần kéo đường huyết xuống thấp. Quan trọng không kém là vận động ngay sau bữa ăn để xài cho hết lượng đường vừa dư trong máu. Số cầu nếu cao khỏi ngại số cung quá nhiều. Cần gì phải đợi đến bệnh tiểu đường, chuyện đời xưa nay vẫn thế, tránh sao cho khỏi tràn ly nếu rót cho nhiều mà chọn cốc đã đầy…

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm