Ngày 7-11, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi TAND tỉnh Hậu Giang nêu ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh đối với khởi kiện của ông Phạm Nhứt Hùng, nguyên phó giám đốc Xí nghiệp XD&QL thủy nông huyện Phụng Hiệp, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Hậu Giang (cũ) khóa III nhiệm kỳ 1985-1989.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giữ nguyên Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 21-9-2016 của chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 16-4-2015 của chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Hùng và Thông báo số 34/TB-UBND ngày 24-2-2015 của chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại của ông Hùng.
Ủy ban: Ông Hùng tự ý nghỉ việc
Trước đó, ông Phạm Nhứt Hùng khởi kiện hành chính yêu cầu TAND tỉnh Hậu Giang tuyên hủy hai quyết định nói trên và Thông báo số 34/TB-UBND của chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại và phục hồi chế độ công chức cho ông Hùng. Ngày 17-10, TAND tỉnh Hậu Giang gửi thông báo cho chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc chính thức thụ lý đơn khởi kiện của ông Hùng và đề nghị người bị kiện có ý kiến về các yêu cầu khởi kiện.
Trong công văn gửi tòa, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng năm 1990 ông Hùng bị Công an huyện Phụng Hiệp bắt tạm giữ và tạm giam từ ngày 25-11-1990 đến ngày 2-3-1991 thì được gia đình bảo lãnh. Sau khi được bảo lãnh, ông Hùng không đến cơ quan làm việc (tự nghỉ việc), UBND huyện Phụng Hiệp không có quyết định cho nghỉ việc, thôi việc hoặc kỷ luật đối với ông Hùng.
Quá trình khiếu nại, ông Hùng không có giấy tờ, hồ sơ chứng minh cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã giải quyết cho ông Hùng nghỉ việc (không cung cấp được quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của huyện). Do đó, chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp ban hành thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại. Quyết định số 2337/QĐ-UBND của chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp giải quyết khiếu nại của ông Hùng là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và khoản 1 Điều 18 Luật Khiếu nại 2011. Từ cơ sở này, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 1413/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông Hùng về nội dung và hình thức là đúng quy định.
Ông Phạm Nhứt Hùng (phải) mong tòa phán quyết công bằng, hợp tình hợp lý. Ảnh: GIA TUỆ
“Nếu tự nghỉ việc, sao không bị kỷ luật?”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Nhứt Hùng cho biết đầu tháng 3-1991 khi được tại ngoại để chờ điều tra, ông đã về cơ quan. Tuy nhiên, khi đó phòng làm việc, bàn ghế, tủ hồ sơ trước đây của ông đều đã bị dọn dẹp và ông chẳng có chỗ làm việc.
“Tôi là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, vậy mà khi tôi vào cơ quan để làm việc và xin nhận lương thì giám đốc lại ra lệnh bằng miệng là tôi phải đi An Giang để đòi số tiền dân nợ thì mới có lương. Tôi không đồng ý vì bản thân phụ trách kỹ thuật, không liên quan đến tài chính, lại là bị can được tại ngoại để điều tra và vụ án đang làm rõ. Hơn hết, không ai lại giao việc trái chuyên môn khi tôi vừa ra tù, quyền công dân còn hạn chế thì đi lại ra sao để đòi nợ” - ông Hùng nói.
Ông Hùng kể ông đưa ra lý do như vậy nhưng giám đốc không đồng ý; ông vài lần vào cơ quan nhưng ai cũng coi ông như xa lạ, không bố trí công việc, không trả lương. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông phải chạy vạy đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, đồng thời tiếp tục khiếu nại việc bị khởi tố.
“Thật sự nếu nói tôi tự nghỉ việc thì theo quy định huyện phải họp hội đồng kỷ luật để xem xét, sau đó ra quyết định. Đằng này chẳng có một tờ giấy nào hết, trong khi bản thân tôi là cán bộ do huyện quản lý và khi bổ nhiệm có quyết định của chủ tịch huyện. Tôi kiện chỉ mong tòa cho tôi một phán xét công bằng và hợp tình hợp lý” - ông Hùng chia sẻ.
Làm oan nhưng 24 năm sau mới xin lỗi, bồi thường Báo Pháp Luật TP.HCM từng thông tin về vụ án của ông Phạm Nhứt Hùng. Năm 1990, Xí nghiệp XD&QL thủy nông huyện Phụng Hiệp (nơi ông Hùng làm phó giám đốc) có tám thuyền bơm. Do không có nhu cầu ở địa phương nên đội thuyền do ông Hùng quản lý và ông Lê Quốc Sĩ làm đội trưởng được điều đi An Giang bơm thuê để có nguồn thu cho ngân sách. Quá trình bơm nước thuê ở An Giang, do mưa lũ tràn về và bà con ở An Giang mất mùa nên không có tiền trả cho đội thuyền bơm, từ đó dẫn đến thất thu 27 triệu đồng. Huyện ủy, UBND huyện Phụng Hiệp chỉ đạo công an huyện điều tra, xác minh. Cuối tháng 11-1990, Công an huyện Phụng Hiệp bắt giữ ông Hùng và ông Sĩ, đến ngày 25-11-1990 thì hai ông bị khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng về tội sử dụng trái phép tài sản XHCN. Đến ngày 5-2-1991, Công an huyện Phụng Hiệp cho ông Sĩ tại ngoại, gần một tháng sau thì ông Hùng cũng được bảo lãnh, tại ngoại. Đại diện Công an huyện Phụng Hiệp bắt tay xin lỗi ông Phạm Nhứt Hùng vì đã làm oan ông hồi tháng 6-2014. Ảnh: GIA TUỆ Tháng 7-1995, Công an huyện Phụng Hiệp đình chỉ điều tra bị can đối với ông Hùng và ông Sĩ do “tính chất vụ án không nghiêm trọng nên không truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tuy vậy, mãi đến đầu tháng 1-2001 thì ông Hùng, ông Sĩ mới nhận được quyết định đình chỉ này. Từ khi được tại ngoại, ông Hùng liên tục khiếu nại, kêu oan. Đến đầu năm 2012, Công an tỉnh Hậu Giang chính thức khẳng định trường hợp ông Hùng, ông Sĩ là oan và thống nhất giao cho VKS, Công an huyện Phụng Hiệp giải quyết bồi thường. Tháng 4-2013, Công an huyện Phụng Hiệp hủy bỏ các quyết định đình chỉ cũ và ra quyết định đình chỉ mới đối với ông Sĩ, ông Hùng. Quyết định nêu rõ hành vi của hai ông không cấu thành tội phạm. Ngày 18-6-2014, Công an huyện Phụng Hiệp tổ chức xin lỗi công khai ông Hùng, sau đó tiến hành các thủ tục chi trả bồi thường oan cho ông. Sau khi được minh oan, ông Hùng gửi đơn đến cơ quan chức năng của huyện Phụng Hiệp và cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang yêu cầu phục hồi công chức. Tuy nhiên, chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp và sau đó là chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bác yêu cầu này. |