Người cướp tiệm vàng ở Huế đối diện với mức án nào?

(PLO)- Nghi phạm trong vụ nổ súng cướp tiệm vàng ở Huế đối diện với hình phạt nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-7, Ngô Văn Quốc (38 tuổi, ở TX Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) đã nổ 5 phát súng, trong đó 1 phát chỉ thiên và nhiều phát vào tủ kính chứa vàng của tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi (chợ Đông Ba).

Sau đó, lấy khay đựng vàng và đi ra vứt lại giữa đường Trần Hưng Đạo, sau đó bỏ đi cố thủ cho đến khi được vận động đầu hàng.

Trong 2 ngày nay, nhiều người dân thắc mắc về hành vi của Quốc và việc nhặt vàng của người dân đối diện với những hình phạt như thế nào, phóng viên có cuộc trao đổi với Luật sư Võ Công Hạnh và Luật sư Nguyễn Anh Tâm - Công ty luật Công Khánh, Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cần xác minh rõ nguồn gốc hung khí

Với những diễn biến khách quan mà các cơ quan truyền thông đưa tin, LS. Nguyễn Anh Tâm cho rằng, trong trường hợp này, đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm (súng) để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nên có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168, Bộ luật hình sự 2015.

LS.Nguyễn Anh Tâm.

LS.Nguyễn Anh Tâm.

Mức hình phạt còn phụ thuộc vào giá trị tài sản chiếm đoạt mà đối tượng đã thực hiện, nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 500 triệu đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản.

“Cơ quan chức năng cần xem xét các tình tiết như đối tượng có hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng không chiếm giữ cho riêng mình, hay cường độ sử dụng vũ khí để uy hiếp chủ tài sản để xác định rõ động cơ, mục đích khi thực hiện hành vi để xác định mức án tương xứng” – LS. Anh Tâm nói.

LS. Anh Tâm cho rằng, đối với việc đối tượng sử dụng súng để thực hiện hành vi thì cần phải điều tra, xác mình rõ nguồn gốc của hung khí.

Khi có căn cứ xác định là vũ khí quân dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, đối tượng này có thể phải chịu thêm trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự 2015.

Người nhặt vàng có bị xử lý?

Nhiều người chứng kiến vụ cho biết, sau khi cướp, Quốc có nói “tặng cho vàng”, vứt cho người đi đường lượm, LS.Công Hạnh cho rằng: Việc tặng cho, định đoạt tài sản chỉ khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người tặng cho.

Việc Quốc công khai chiếm đoạt tài sản của công dân; hành vi chiếm đoạt này bị nghiêm cấm vì đã xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Từ cơ sở trên, việc “tặng cho” của Quốc không có giá trị pháp lý.

LS. Võ Công Hạnh.

LS. Võ Công Hạnh.

Từ đó, việc người dân nhặt, “nhận” vàng mà không trả lại cho chủ sở hữu là vi phạm pháp luật. Đây không phải là hành vi nhặt của rơi, chiếm hữu ngay tình. Đây là việc chiếm giữ tài sản người khác bất hợp pháp.

Theo quy định tại khoản 2 điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ- CP quy định mức phạt đối với trường hợp chiếm giữ bất hợp pháp tài sản, không trả lại chủ sở hữu thì bị “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Trong trường hợp giá trị tài sản bị chiếm giữ từ 10.000.000 đồng trở lên mà không trả; cố tình chiếm giữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể theo quy định tại điều 176 Bộ Luật Hình sự 2015 về “tội chiếm giữ trái phép tài sản”.

Như vậy, việc người dân không trả lại vàng sau khi đã nhặt được cho Cơ quan Công an để phục vụ điều tra, trả lại cho chủ sở hữu thì có đủ cấu thành hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản và có thể bị xử lý hình sự.

"Xét về phương diện đạo đức xã hội, hành động trên là xấu xí khi công khai chiếm giữ công sức mồ hôi của người khác, thiếu sự chia sẻ với người gặp nạn. Do đó, người dân nên nhanh chóng trả đủ số vàng trên cho cơ quan có trách nhiệm để kịp thời phục vụ điều tra và hoàn trả cho chủ sở hữu" - LS. Công Hạnh nói.

Như PLO đã thông tin, vào khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, một đối tượng sử dụng súng AK bất ngờ xông vào hai tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi (chợ Đông Ba), nổ súng chỉ thiên uy hiếp chủ tiệm vàng rồi cướp vàng, sau đó đối tượng đem số vàng này vứt ra phía vỉa hè rồi đi bộ đến khu vực Cầu Gia Hội.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế và Chỉ huy, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự đã trực tiếp tiếp cận, trò chuyện, động viên và thuyết phục. Sau đó, đối tượng đã giao nộp vũ khí và đầu hàng.

Bước đầu xác định đối tượng tên là Ngô Văn Quốc (38 tuổi, trú tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Một nguồn tin cho rằng, Quốc hiện là đại úy và đang công tác tại Trại giam Bình Điền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm