Người cựu binh canh giữ núi Nhàn

Trong khi những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn đang bị tàn phá tan hoang thì ở ngay giữa một huyện đồng bằng dọc tỉnh lộ 623 vẫn còn một cánh rừng nguyên sinh rộng hàng chục hecta quanh năm xanh tốt. Có được thành quả ấy là nhờ công lao của người cựu binh Trần Đức Minh, 59 tuổi, ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.

“Người tình” núi Nhàn

Những năm cuối thập niên 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, người thanh niên Trần Đức Minh ôm súng ra trận. Núi Nhàn (Quảng Ngãi) là nơi ông và đồng đội làm căn cứ. Đất nước hòa bình, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Đến năm 1978, ông ra quân trở về quê hương dưới chân núi Nhàn sống một cuộc đời bình dị.

Thế nhưng ý nguyện “sống ẩn dật” của ông không thành hiện thực khi hằng đêm từ trên núi cao vọng lại tiếng rựa, rìu, tiếng cây rừng ngã đổ.

Sáng sớm nọ, một mình ông vác rựa vào rừng xem sự thể thế nào. Ông không thể tin nổi một vạt rừng mấy ngàn mét vuông chỉ sau một đêm đã nằm rạp, lộ ra những gốc cây có đường kính cỡ vài người ôm. Nhựa cây chảy ra đặc quánh quanh gốc. Tận mắt chứng kiến rừng núi Nhàn bị tàn phá, ông Minh tự hỏi: Lẽ nào người ta phá rừng chỉ để có chất đốt? Lẽ nào núi Nhàn sẽ không còn? Lẽ nào mình không giữ được rừng?…

Người cựu binh canh giữ núi Nhàn ảnh 1

Tổ bảo vệ tuần tra giữ rừng (ông Minh đi đầu). Ảnh: MAI VŨ

Lững thững về nhà, lòng ông trĩu nặng. Trong nhà không ai biết ông có chuyện gì sau một ngày lên núi. “Hỏi mãi ông không nói, chỉ bảo là buồn quá, rồi bỏ cả ăn. Mấy mẹ con tui lo quá trời. Sau này khi ổng bỏ việc nhà đi giữ rừng tui mới biết nguyên cớ ngày ấy là do đâu” - bà Nguyễn Thị Xuân, vợ ông, kể lại.

Nỗi buồn của người lính già không chỉ là những vạt rừng ngày đêm đang rỉ máu mà bởi nơi đó máu xương của đồng đội ông đã thấm từng tấc đất, từng cây rừng. Ông muốn núi Nhàn phải xanh tốt để đồng đội ông yên giấc… Ông bảo núi Nhàn đã trở thành một phần máu thịt, mỗi lần nhìn thấy một thân cây bị đốn hạ lòng ông lại quặn thắt như da thịt đang rướm máu.

Ông yêu rừng đến mức ông đã đặt tên cho những gốc cây quen thuộc, có cả những cái tên của đồng đội ông…

Cuộc chiến giữ rừng

Trước thực trạng lâm tặc câu kết cùng người dân địa phương tàn phá núi Nhàn, ông báo cáo với xã và nhận được câu trả lời: Để đó kiểm tra lại. Ông lại lững thững ra về. Nhưng hằng ngày từ phía bên kia triền núi tiếng cây đổ nhào vẫn rõ mồn một bên tai khiến ông trăn trở: “Chờ chính quyền thì biết đến bao giờ?”. Thế rồi chờ đến đêm, ông một mình lên núi phục kích lâm tặc. Lạ thay đêm đó ông không thấy bóng người nào phá rừng. Ông quyết tâm phục kích một đêm nữa xem sao. Lần này ông không đến chỗ rừng đang bị tàn phá mà chuyển sang một vạt rừng còn nguyên vẹn. Trước mắt ông hiển hiện một toán gần chục người đang lục tục từ dưới chân núi kéo lên. Trong ánh trăng mờ đầu tháng, ông nhìn thấy rõ những người phá rừng là ai.

Không nói không rằng ông lặng lẽ về nhà. Sáng hôm sau ông dậy thật sớm tìm đến nhà những người đêm qua ông nhìn thấy và nói chuyện. Ban đầu họ chối bỏ nhưng sau đó ông chỉ ra những việc đêm qua họ đã làm, câu chuyện họ bàn bạc... Lúc này có người bắt đầu im lặng nhưng cũng có người đứng lên thách đố: “Tao phá rừng đó, mày làm gì được tao? Cả nhà đang đói không phá rừng lấy gì ăn?”.

Người cựu binh canh giữ núi Nhàn ảnh 2

Đau vì vấp đá. Ảnh: MAI VŨ

Ông Minh im lặng lắng nghe và tìm cách giải thích để người dân hiểu. Nhưng rồi đêm đến rừng núi Nhàn lại bị đốn hạ. Không lẽ bó tay? Ông lại tìm đến từng nhà tâm sự với từng người. “Bà con biết sao mà đói không? Vùng đất quê mình bạc màu, toàn đất cát lại nhiễm phèn nên cây lúa phát triển kém lại không có nước để tưới tiêu. Nếu bà con mình phá rừng lúc đó cây mất, các hố nước cũng sẽ cạn kiệt thì cây lúa cũng sẽ chết khô, mình càng đói hơn nữa. Phải giữ rừng thì may ra mới có cái ăn, mới trồng được cây lúa…”.

Thấy chồng hằng ngày bỏ bê việc nhà hết lang thang trên núi lại tìm đến từng nhà nói chuyện, bà Xuân nhiều lúc than vãn: “Nhà mình nghèo, con lại đông mà ông cứ lo việc giữa trời thì mấy mẹ con tui cũng đói chết theo”. Không ngờ, chính từ lời than vãn của vợ mà ông tìm ra cách giải thích mới cho người dân: “Nhà tui cũng nghèo, nếu tui cũng theo mọi người phá rừng, rồi cả làng, cả xã này cùng phá thì núi Nhàn chẳng mấy chốc sẽ bị xóa sổ. Phải tìm cách khác để xóa đói như nuôi bò, trồng lúa, làm kinh tế chứ không thể dựa vào rừng mà sống suốt đời được”.

Tỉ tê mãi rồi bà con cũng nghe, mọi người cam kết không phá rừng. Nói là vậy nhưng phải mất một thời gian khá dài rừng mới thôi bị tàn phá. Nhưng ngặt nỗi khi bà con không phá rừng nữa thì núi Nhàn đã trở thành mục tiêu của lâm tặc khắp nơi. Chỉ mất không quá 15 phút là cây rừng có thể xuống núi và lên xe về xuôi. Cuộc chiến giữ rừng của ông lại trở nên khó khăn hơn nhiều, đôi lúc phải đánh đổi bằng máu…

Người cựu binh canh giữ núi Nhàn ảnh 3

Phút nghỉ ngơi bên gốc cây rừng mang tên một người đồng đội. Ảnh: MAI VŨ

Tổ bảo vệ núi Nhàn

Nhưng một mình ông làm sao có thể quán xuyến hết cả cánh rừng trong khi lâm tặc lúc nào cũng lăm le khai thác gỗ. Ông đơn lẻ giữa chốn hoang vắng đầy hiểm nguy không chỉ đến từ những kẻ phá rừng mà còn từ thú rừng, rắn độc và những tai ương khác ập đến bất cứ lúc nào. Chuyện bị vấp té trầy xước tay chân mình mẩy diễn ra như cơm bữa. Có lần mải đuổi theo lâm tặc ông vấp phải gốc cây (lâm tặc đốn ngang đầu gối) phải nhập viện.

Hành trang trong cuộc chiến giữ rừng ngoài nắm cơm gói lá chuối, một bình nước chè đậm còn có người bạn không thể thiếu: chú chó Ki. Nhưng hiểm nguy vẫn bủa vây ông.

Phục ông Minh, hai ông bạn già gần nhà cũng là những người lính về hưu đã tình nguyện cùng ông quyết tâm giữ núi. Hằng ngày người dân địa phương lại thấy bóng dáng ba người lính già lên núi từ mờ sáng và đôi khi mấy ngày sau họ mới xuống núi. “Thấy chú Minh kiên quyết giữ rừng quá mà lại đơn độc nguy hiểm, tui bàn với vợ rồi cùng chú ấy đi giữ rừng. Nhiều lúc đi tuần gặp bọn phá rừng, chúng liều lĩnh đến độ cầm rựa xông vào chém thí mạng, may anh em né được mà thoát thân. Nguy hiểm vậy nhưng nhiều năm trời một mình chú Minh vẫn làm nên tui phục chú lắm” - ông Lê Cao Hoàng (67 tuổi) tâm sự.

Thế rồi tổ bảo vệ núi Nhàn với ba thành viên được thành lập. Nhưng lâm tặc ngày càng manh động, liều lĩnh hơn. Nhiều lần ba ông bị lâm tặc rượt chém tưởng chừng phải bỏ mạng.

Hơn 30 năm giữ rừng, có lẽ với ông Minh kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần truy bắt một kẻ chạy vào hang đá cố thủ để tìm cách thoát thân. Lúc đó đối tượng lớn tiếng: “Thằng nào vào tao chém”. Do dự một lúc ông Minh quyết định xông vào. Tên phá rừng đứng trên tảng đá, một tay cầm rựa, tay cầm khúc gỗ tỏ ra rất hung hăng chạy đến chém ông. “May nhờ có chút võ học được trong quân ngũ nên tui né được và chờ cơ hội tóm lấy hắn khóa tay lại, lúc đó hai ông bạn chạy đến trợ giúp tôi trói hắn lại” - ông kể, giọng hào hứng.

Nhưng khi xuống đến chân núi, tên phá rừng không chịu đi mà cởi áo đập vào ngực thình thịch nói: “Tao trời đánh không chết thì tụi bây làm gì được”. “Lúc đó tui nói theo quán tính, rằng “đạn thằng Mỹ bắn tao còn không chết nói gì cái rựa của mày. Tao có chết đi nữa thì rừng vẫn phải còn…”” - ông Minh nhớ lại.

Tiền lương tượng trưng

Thấy ông Minh cùng hai người bạn có tâm giữ rừng, ban đầu xã Tịnh Sơn cấp cho ba người bốn sào ruộng bạc màu canh tác gọi là tiền lương. Mãi đến năm 2004 xã mới chính thức trả lương cho tổ bảo vệ với mức… 700.000 đồng/năm cho… ba người. Đến đầu năm 2011, xã tăng lên 1 triệu đồng/ba người/năm. “Đã làm công việc này thì tui đâu nghĩ đến chuyện tiền nong. Tui chỉ muốn khi chúng tôi không còn sức nữa thì sẽ có lớp trẻ yêu rừng, xung phong giữ rừng” - ông Minh nói.

MAI VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm