Người dân có được ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT?

Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo lần hai thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, thay thế Thông tư 54/2009. Đây là một trong những nội dung rất được quan tâm trong những ngày qua.

Bỏ hình thức giám sát “quan sát, phát hiện”

Theo dự thảo, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, lực lượng CSGT phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ thư điện tử của cơ quan. Ngoài ra, cán bộ CSGT phải công khai tên, cấp bậc và chức vụ.

Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất công dân có bốn hình thức giám sát đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Thứ nhất, thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thứ hai, thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. Thứ ba, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với CAND. Thứ tư, thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Như vậy, so với Thông tư 54/2009 hiện hành của Bộ Công an, hình thức giám sát thông qua “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông” đã không còn.

Sự thay đổi trên khiến nhiều người băn khoăn rằng với việc bỏ hình thức giám sát như đã nêu, liệu người dân còn được quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm… khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ hay không.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận định việc bỏ hình thức giám sát thông qua “quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ CAND” sẽ có thể làm mất đi quyền giám sát của người dân bằng việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

Ông Thơm cho rằng việc CSGT xử lý vi phạm với người dân là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư. 

Việc người dân có được quyền ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT hay không vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Ảnh: LÊ THOA

Cần quy định rõ việc quay phim, chụp ảnh

Đại tá Trần Sơn, cựu phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, ghi nhận dự thảo thông tư của Bộ Công an có nhiều điểm mới, cụ thể hơn so với thông tư hiện hành. Riêng đối với những việc giám sát và hình thức giám sát của người dân với lực lượng CAND, dự thảo vẫn chưa quy định cụ thể, còn chung chung.

Theo Đại tá Sơn, trong hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, CSGT là lực lượng tiếp xúc nhiều nhất với người dân, do vậy tính công khai, minh bạch rất cần được chú trọng, càng công khai bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Để thực hiện triệt để vấn đề này, theo Đại tá Sơn thì Bộ Công an cần nghiên cứu để đưa vào dự thảo những quy định rõ hơn về cách thức, hình thức giám sát. Ví dụ như người dân có thể quay phim, chụp ảnh hoặc ghi âm lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ hay không?

Đại tá Sơn cho rằng nếu không quy định rõ ràng, rất có thể sẽ gây ra những cách hiểu khác nhau ở các địa phương, đơn vị. “Với tinh thần công khai, minh bạch thì việc cho quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi CSGT thực thi nhiệm vụ là cần thiết” - Đại tá Sơn đánh giá.

Nên cho phép ghi hình nhưng…

• Không nên gí điện thoại vào mặt CSGT

Trên thực tế, rất nhiều trường hợp xử lý vi phạm, người dân cầm điện thoại để quay clip, các cán bộ CSGT đồng ý và vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên, khi CSGT yêu cầu dừng xe, một số người có động thái đầu tiên là rút điện thoại để quay phim, hỏi tên tuổi của cán bộ thi hành công vụ với thái độ thách thức.

Đồng ý là có thể quay nhưng không thể cầm điện thoại gí vào mặt CSGT, vừa quay vừa hỏi với thái độ không tôn trọng. Chúng tôi sẵn sàng công khai quá trình xử lý vi phạm nhưng cách thức giám sát của người dân cũng phải thực hiện phù hợp.

Một cán bộ CSGT Hà Nội

• Không thể biến CSGT thành đối tượng bị soi mói

Cần quy định cụ thể cho phép người dân được quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT, nhưng cách thực hiện thế nào để giữ được sự tôn nghiêm của lực lượng cảnh sát, không thể biến họ thành đối tượng bị soi mói.

Tôi đề xuất cần phải có quy định chi tiết việc quay clip phải thực hiện như thế nào, ví dụ người quay phải đứng cách CSGT bao xa, thái độ lịch sự, không cản trở quá trình làm việc, trước khi quay nên thông báo với lực lượng thi hành nhiệm vụ. Đặc biệt, clip phải được quay trung thực, không được cắt ghép, chỉnh sửa theo ý đồ riêng của mình. Lực lượng CSGT khi được người dân thông báo sẽ quay clip phải đồng ý trên tinh thần công khai, khách quan.

            Ông BÙI HOÀNG LONG (42 tuổi, trú Hà Nội)

• Ghi hình là kênh thông tin khách quan nhất

Mới đây, một nam thanh niên (TP.HCM) sử dụng rượu bia tham gia giao thông, khi CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn, người này thổi 5-6 lần máy vẫn không hiện chỉ số bởi anh này giả bộ thổi mạnh nhưng không để hơi vào ống. Lực lượng chức năng đã hết sức kiềm chế để xử lý tình huống. Qua clip về cảnh này được người đi đường ghi lại và đăng tải trên mạng cho thấy lực lượng CSGT rất bản lĩnh trong xử lý các đối tượng không hợp tác.

Đây là bằng chứng cho thấy việc người dân ghi âm, ghi hình CSGT trong xử lý vi phạm là kênh thông tin khách quan nhất, gỡ oan cho CSGT trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, không thể cho phép người dân muốn quay sao thì quay. Thử tưởng tượng những chiếc máy quay cứ chĩa trực diện và quá gần sẽ tạo ra tâm lý khó chịu cho người đang thực hiện nhiệm vụ.

Đó là chưa kể một số người lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội cố tình cắt ghép, tạo ra một clip sai hoàn toàn bản chất sự việc khiến các chiến sĩ CSGT thường xuyên phải giải trình, gây ảnh hưởng đến hoạt động công tác của họ.

            Chị HÀ AN (Hạ Long, Quảng Ninh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm