Tôi đang điều khiển trên đường thì CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả trong hơi thở có nồng độ cồn nên tôi bị lập biên bản vi phạm. Tôi không uống bia rượu nên khẳng định mình không vi phạm và tự đi bệnh viện xét nghiệm cồn trong máu để làm bằng chứng.
Sau khi gửi kết quả xét nghiệm về CSGT thì bị từ chối với lý do “Không xử lý vì nồng độ cồn xét nghiệm bằng máy đo quá 4 tiếng (kể từ lúc đo máy), không đạt yêu cầu”.
1. Lượng cồn trong cơ thể tồn tại trong khoảng bao lâu? CSGT không chấp nhận vì kết quả xét nghiệm quá 4 tiếng có đúng không?
2. Người dân có quyền được kiểm tra nồng độ cồn lần 2?
Bạn đọc Xuân Tuấn, TP.HCM
ThS.BSCKII Vũ Ngọc Chức, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM trả lời:
. Lượng cồn trong cơ thể tồn tại trong khoảng bao lâu?
+ Nhìn chung uống đồ uống có cồn thì cứ 1 đơn vị rượu/cồn (14g rượu nguyên chất chuẩn Mỹ) hay 1 lon bia (330mL) 5 độ hay 1 ly vang 12 độ hay 1 shot rượu mạnh 40 độ cần 1 giờ để nồng độ cồn về bằng 0. Uống 24 lon bia thì hơn 1 ngày sau nồng độ cồn mới về tới 0.
Người uống thường xuyên, hàng ngày, chưa xơ gan, suy gan thì thời gian chuyển hóa hết 1 đơn vị rượu nhanh hơn 1 giờ. Người không xơ gan, suy gan thi thoảng mới uống thì thời gian chuyển hóa hết 1 đơn vị rượu khoảng 1 giờ. Người suy gan, xơ gan thì thời gian chuyển hóa 1 đơn vị rượu đương nhiên dài hơn 1 giờ, có khi ngủ mấy tiếng dậy miệng vẫn nồng mùi rượu.
. Về việc CSGT “không chấp nhận vì kết quả xét nghiệm quá 4 tiếng” có đúng không?
Hai thời điểm khác nhau thì kết quả khác nhau, vì sau 4 tiếng thì cồn đã thải có thể hết rồi. Vì 1 đơn vị cồn nếu ở người khỏe mạnh, không bị xơ gan thì một tiếng thải hết một đơn vị cồn/1 lon bia.
Liên quan đến câu hỏi: Người dân có quyền được kiểm tra nồng độ cồn lần 2, theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trong trường hợp người tham gia giao thông thực tế không uống rượu bia nhưng kiểm tra thổi nồng độ cồn thể hiện có vi phạm thì người dân có quyền khiếu nại, tố cáo.
Việc người dân không sử dụng rượu bia nhưng máy đo lại thể hiện có nồng độ cồn thì người dân có quyền yêu cầu đo lại lần 2, có quyền yêu cầu được xét nghiệm máu… để bảo đảm quyền lợi cho bản thân ngay tại thời điểm kiểm tra.
Nếu vẫn không được chấp nhận, người dân có thể điện thoại đến các đường dây nóng của cơ quan chức năng cao hơn, các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để phản ánh, khiếu nại. Liên hệ luật sư, báo chí để được hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình.