Người dân đăng ký hộ khẩu thuận lợi hơn trước

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành từ ngày 1-7-2021, mọi thông tin của người dân được quản lý theo dạng dữ liệu số. Đây là tiền đề quan trọng để giúp người dân và cơ quan nhà nước đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Người được hưởng lợi, không ai khác chính là người dân. Và một trong số đó là thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký hộ khẩu thường trú.

Bất ngờ vì thủ tục đơn giản

Anh ĐVT ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết gia đình mới mua được một căn hộ chung cư tại phường Phước Long B. Để thuận tiện cho các thủ tục hành chính và tiện cho việc học của con sau này, anh quyết định chuyển hộ khẩu từ Đồng Nai về TP.HCM.

“Tôi khá bất ngờ khi việc nhập hộ khẩu vào TP.HCM đơn giản, tiện lợi hơn suy nghĩ. Vì nhà có giấy tờ sở hữu hợp pháp nên tôi chỉ việc lên Công an phường Phước Long B nộp một bộ hồ sơ gồm: Tờ khai thông tin cư trú, sổ hồng (phôtô chứng thực) và CMND hoặc CCCD của các nhân khẩu, nếu có trẻ em thì cần thêm giấy khai sinh. Hồ sơ chỉ cần như vậy là đã được tiếp nhận và giải quyết đăng ký thường trú thành công. Trước đó, nếu áp dụng quy định cũ thì tôi buộc phải về Đồng Nai làm thủ tục cắt hộ khẩu rồi mới tiến hành nhập hộ khẩu được. Làm như vậy rất tốn công sức, thời gian đi lại” - anh ĐVT chia sẻ.

Tương tự, anh NTT ở quận Gò Vấp cũng cho biết mới đây, ngày 17-2, anh lên Công an phường 16, quận Gò Vấp để làm thủ tục đăng ký thường trú cho các thành viên trong gia đình.

Chỉ cần có tờ khai thông tin cư trú, giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp và CMND hoặc CCCD là đăng ký được.

“Sau khi hoàn tất hồ sơ, tôi được yêu cầu nộp lại sổ hộ khẩu cũ và nhận được giấy hẹn ngày 1-3 lên lấy kết quả. Đến hẹn, tôi nhận thông báo về địa chỉ hộ khẩu thường trú mới. Tôi cũng khá bất ngờ vì trước nay phải làm thủ tục này trên công an quận nhưng nay chỉ cần ra công an phường là được giải quyết, rất thuận tiện cho người dân” - anh NTT nói.

Chia sẻ thêm, anh T cho biết khi làm thủ tục đăng ký thường trú, đối với trường hợp đăng ký thường trú cho nhân khẩu nào mà không có giấy tờ chứng minh mối quan hệ,  ví dụ: nhập hộ khẩu cho con (cần giấy khai sinh); vợ, chồng (cần giấy chứng nhận kết hôn…) thì trong hồ sơ bắt buộc phải có hợp đồng cho ở nhờ. Và trong tờ khai thông tin cư trú cần ghi rõ đồng ý cho nhân khẩu đó được đăng ký thường trú vào nhà của mình.

Hiện nay, người dân đi đăng ký thường trú hay tạm trú đều thuận lợi hơn so với trước. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Giảm thời gian, công sức cho người dân

Liên quan đến vấn đề này, công an một phường tại TP.HCM cho biết khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vận hành, Luật Cư trú 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực thì thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký thường trú, tạm trú của người dân hiện nay đơn giản hơn so với trước đây.

Cụ thể, thuận lợi thứ nhất là theo quy định cũ tại khoản 1 Điều 21 Luật Cư trú 2006, thẩm quyền đăng ký thường trú thuộc về công an cấp huyện, quận. Còn theo quy định mới tại khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 thì đã bổ sung thêm công an cấp xã, phường cũng có thẩm quyền đăng ký thường trú cho công dân.

Điều này đồng nghĩa với việc thay vì trước đây người dân phải lên công an quận để làm thủ tục nhập hộ khẩu, chuyển hộ khẩu thì nay người dân chỉ cần ra công an xã, phường là cũng có thể thực hiện được. Điều này giúp cho người dân giảm thời gian di chuyển.

Thuận lợi thứ hai là trong thành phần hồ sơ đăng ký thường trú hiện nay đã loại bỏ giấy chuyển hộ khẩu. Điểm này rất quan trọng, nếu như trước đây muốn chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới thì bắt buộc phải về nơi đăng ký thường trú cũ xin giấy chuyển hộ khẩu (người dân gọi nôm na là thủ tục cắt hộ khẩu). Trường hợp chuyển hộ khẩu về nơi ở mới khác tỉnh, TP với nơi ở cũ thì việc xin giấy chuyển hộ khẩu sẽ gây tốn công sức, thời gian đi lại.

Công an phường này cũng cho biết sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú của công dân, công an nơi tiếp nhận sẽ kiểm tra thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp cần xác minh thì chuyển thông tin về cho công an nơi đăng ký thường trú cũ của công dân để kiểm tra, xác minh. Sau khi có kết quả xác minh và giấy tờ của công dân đầy đủ, hợp pháp, đủ điều kiện đăng ký thường trú theo quy định. Cơ quan công an sẽ cấp thông báo về kết quả giải quyết, hủy bỏ đăng ký cư trú.

Thủ tục đăng ký thường trú

Điều 22 Luật Cư trú 2020 quy định thủ tục đăng ký thường trú gồm những bước sau:

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Sau đó thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM 

Không giao con sau ly hôn, bị đề nghị xử hình sự
Không giao con sau ly hôn, bị đề nghị xử hình sự
(PLO)- Cơ quan Công an TP Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết đã tiếp nhận hồ sơ và đang xác minh vụ việc từ Chi cục THA dân sự TP Thủ Dầu Một chuyển qua về việc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án của ông T.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm