Người dân, doanh nghiệp mong được hoãn nợ

(PLO)- Nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02 vì “sức khỏe” doanh nghiệp hiện vẫn chưa hoàn toàn bình phục.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-2, tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, gần 100% ngân hàng tham dự cho rằng việc gia hạn Thông tư 02 là cần thiết bởi trong thời gian tới các doanh nghiệp (DN) vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trên 180.000 tỉ đồng sau tám tháng

Bà Hà Thị Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các nền kinh tế, cho biết: “Sau tám tháng triển khai Thông tư 02, tổng giá trị nợ (bao gồm cả gốc và lãi) được cơ cấu lại là trên 180.000 tỉ đồng”.

Cụ thể, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết: “Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với dư nợ là 20.187 tỉ đồng cho 474 khách hàng DN”.

Tương tự, đại diện lãnh đạo BIDV cho biết tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023 tại BIDV là hơn 20.000 tỉ đồng.

VietinBank cũng đã cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 290 khách hàng, với dư nợ khoảng 18.000 tỉ đồng.

Gia hạn nợ như “giấu bụi vào thảm”

Thận trọng với đề xuất gia hạn Thông tư 02, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho rằng: “Thời gian qua, bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng theo thông tư này thì các ngân hàng thương mại còn đưa ra hàng loạt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ người vay nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm.

Tính chung cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 13,5%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN đang rất khó khăn.

Do đó, để các DN nhanh chóng phục hồi, không chỉ giảm lãi suất cho vay đơn thuần mà cần ưu tiên sử dụng những biện pháp tài khóa đang còn nhiều dư địa”.

Nhận định về việc gia hạn Thông tư 02, TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế, nêu ý kiến: “Một số ngân hàng thương mại muốn gia hạn thông tư này để ngăn tỉ lệ nợ xấu tăng mạnh. Mặc dù thực tế nợ xấu đã tăng rồi nhưng nhờ Thông tư 02 mà tỉ lệ nợ xấu trên sổ sách “nhỏ hơn” so với thực tế.

Nói cách khác, Thông tư 02 phần nào giúp xử lý nợ xấu như “giấu bụi vào thảm”, chờ đến khi nền kinh tế phục hồi. Song không thể cứ gia hạn mãi được!

Gia hạn Thông tư 02 tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ khó phát hiện, khiến các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro trong tương lai”.

Như vậy, Thông tư 02 đã hỗ trợ nhiều DN khó khăn có cơ hội được tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó khơi thông dòng tiền trả nợ ngân hàng và tiếp tục vay mới.

Đối với các ngân hàng, chính sách giãn, hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ giúp tỉ lệ nợ xấu không tăng quá cao và kéo giãn chi phí trích lập dự phòng.

Liều thuốc trợ lực cho “sức khỏe” doanh nghiệp

Đánh giá “sức khỏe” của DN trong thời gian tới, lãnh đạo của các ngân hàng Quân đội (MBBank), Bưu điện Liên Việt (LPBank)… nhất trí rằng khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 6 tới sẽ tạo ra sức ép lớn đối với các DN, cá nhân đang được cơ cấu thời gian trả nợ.

Phân tích sâu, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết: Hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong những tháng đầu năm 2024 còn chậm, các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân vẫn còn phục hồi chậm.

thông tư 02.jpeg
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: “Trong trường hợp cần thiết, trước khi hết hiệu lực khoảng ba tháng, NHNN có thể tiếp tục duy trì

Những DN thành lập mới trong tháng 1-2024 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn đã tăng 25% so với cùng kỳ.

Điều đó cho thấy năng lực tài chính của DN đã giảm sút và khả năng chống chịu yếu. Ngoài ra, nhiều DN lớn trong lĩnh vực xăng dầu và điện đang đối mặt với rủi ro pháp lý dẫn đến rủi ro nợ xấu của ngân hàng sẽ gia tăng. Thêm vào đó, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng có xu hướng giảm sút.

Đồng quan điểm, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cho rằng các khoản nợ được cơ cấu lại thời gian trả nợ theo Thông tư 02 sẽ gặp khó khăn khi khoản vay này đến hạn phải trả. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến áp lực tài chính của DN mà còn ảnh hưởng đến áp lực xử lý nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, nhận định: Khách hàng sẽ vẫn phải đối mặt với khó khăn từ tháng đầu năm nay tới đầu năm 2025 nên việc gia hạn Thông tư 02 là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Sẽ duy trì Thông tư 02 khi nền kinh tế cần gỡ khó

Ở góc nhìn quản lý chính sách, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Việc cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ tạo điều kiện cho khách hàng vay được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.

Qua đó, khách hàng có điều kiện tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, khách hàng có nguồn tài chính để tìm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

Thông tư 02 có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng thương mại và DN. Trong trường hợp cần thiết, trước khi Thông tư 02 hết hiệu lực khoảng ba tháng, NHNN có thể tiếp tục duy trì Thông tư 02 để gỡ khó cho nền kinh tế” - Phó Thống đốc Tú cho hay.

Vay tiêu dùng phục vụ đời sống cũng sẽ được hoãn, giãn nợ

Còn khoảng năm tháng nữa Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực, nhiều DN, ngân hàng cho rằng cần tiếp tục gia hạn Thông tư 02.

Thông tư 02/2023 do NHNN ban hành quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hạn nhằm hỗ trợ khách hàng DN và khách hàng cá nhân. Thời gian thực hiện từ ngày 24-4-2023 đến hết 30-6-2024.

Thông tư 02 ra đời trong bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng từ năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023.

w-P11-trongbox.jpg
Giãn nợ, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: THÙY LINH

Trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021 cho phép các tổ chức tín dụng gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Khác với các thông tư 01, 03, 14, NHNN chỉ cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với đối tượng vay sản xuất, kinh doanh. Thông tư 02/2023 ngoài các đối tượng vay nêu trên, những khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân đang gặp khó khăn khi đến kỳ trả nợ cũng được hoãn, giãn nợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm