Video: Người dân mong được giữ lại sổ hộ khẩu |
Trong tuần qua, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2022. Trong hội nghị có một số ý kiến nên để sổ hộ khẩu (SHK) lại cho người dân làm kỷ niệm.
Với kiến nghị của người dân, Công an TP.HCM sẽ tiếp thu và có ý kiến với Bộ Công an để có hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân.
SHK hết giá trị nhưng là vật kỷ niệm
Thông tin về người dân muốn giữ SHK khi thực hiện thay đổi thông tin cư trú trong SHK đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Ngoài việc được giữ SHK làm kỷ niệm thì một số bạn đọc cũng lo lắng khi không có SHK sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính khác.
“Theo tôi, không cần thu SHK vì sau này khi các bộ, ngành khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, người dân và các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cũng không cần đến SHK. Một khi các giấy tờ liên quan cá nhân mà các cơ quan nhà nước không đòi SHK để xác minh về nhân thân nữa thì SHK tự mất giá trị pháp lý. Lúc đó, SHK chỉ mang giá trị lịch sử và cuốn SHK trở thành vật lưu niệm” - bạn đọc Thanh Tâm.
Khi các bộ, ngành chưa khai thác đầy đủ cơ sở dữ liệu quốc gia, người dân mong muốn được giữ lại sổ hộ khẩu. Ảnh: TM |
“Chuyện thu hồi hay giữ lại theo tôi không có gì phức tạp, bởi cuốn SHK cũng chỉ là tờ giấy để cơ quan công an quản lý dân cư và để người dân thực hiện trong giao dịch dân sự. Khi SHK đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó thì cũng chỉ là những trang giấy bình thường, không còn giá trị sử dụng nữa. Vậy nên cứ để người dân giữ lại và trong giai đoạn chuyển giao, nhiều khi các đơn vị khác như ngân hàng… cần tới thì người dân đỡ khó khăn” - bạn đọc Nhân Thành.
Khi cơ sở dữ liệu kết nối hãy thu SHK
“Theo quy định hiện nay, khi người dân thực hiện thay đổi thông tin cư trú trong SHK sẽ được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, phương thức quản lý dân cư đã thay đổi nên sẽ không cấp lại và việc thu hồi SHK giấy là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng trên thực tế, SHK không chỉ dùng để quản lý cư trú của công dân mà còn là một loại giấy tờ để chứng minh quan hệ gia đình trong một số giao dịch dân sự. Vì thế, khi cơ sở dữ liệu chưa được kết nối giữa các bộ, ngành thì việc thu hồi sẽ khiến người dân gặp khó khăn” - bạn đọc Toàn Phúc.
“Việc bỏ SHK giấy là một điều rất đáng hoan nghênh, người dân sẽ không cần mang theo những giấy tờ rườm rà khi thực hiện các giao dịch. Đồng thời, các cơ quan quản lý chỉ cần bấm nút là biết được thông tin cả một địa bàn, không cần phải mất công rà soát từng SHK. Thế nhưng hiện tại, việc liên thông dữ liệu giữa các ngành chưa thật sự hoàn thiện. Vì thế, với đề nghị giữ lại SHK của người dân hiện nay là hợp lý” - bạn đọc Phương Lê.
“SHK bị thu trong khi một số thủ tục như mua bán nhà đất, làm thủ tục nhập học cho con… thì vẫn yêu cầu SHK. Không có SHK, người dân lại phải đi xin giấy xác nhận cư trú ở phường, xã. Việc này tuy không mất nhiều thời gian nhưng người dân cũng phải tốn công đi. Ngoài ra, khi thực hiện có một số thủ tục hành chính muốn chứng minh mối quan hệ là anh chị em trong gia đình vẫn phải có SHK. Vì thế, trong thời điểm này nên chăng cho người dân giữ lại SHK” - bạn đọc Văn Thắng.
Bảy trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu
Luật Cư trú 2020 quy định từ ngày 1-1-2023, toàn bộ SHK, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Do đó, SHK, sổ tạm trú đã cấp sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31-12-2022.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong SHK, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi SHK đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không cấp mới, cấp lại SHK.
Tại khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021 quy định bảy trường hợp khi người dân thực hiện các thủ tục về cư trú sẽ có thể dẫn tới thu hồi SHK kể từ ngày 1-7-2021, gồm: Thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú; điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú; tách hộ; xóa đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; gia hạn tạm trú; xóa đăng ký tạm trú.