1. Ngày còn nhỏ, lúc theo cha mẹ đi làm đồng, anh Đặng Văn Chánh (ngụ ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) bị lá lúa cắt trúng khiến hư mắt phải. Gia cảnh nghèo, không có tiền kịp chạy chữa nên con mắt còn lại của anh cũng dần hư theo. Nghịch cảnh cuộc đời chưa dừng lại ở đó khi anh được 12 tuổi, cha anh bị bệnh rồi mất. Sáu năm sau, người mẹ cũng mãi xa lìa.
Dù không thấy đường nhưng anh Chánh nhất quyết không để bản thân mình gục ngã. Anh mò mẫm làm hết việc này đến việc khác trong bóng tối, chỉ nhìn thấy mọi vật trong vòng bán kính chưa đầy 1 m. Mọi người xung quanh gọi anh là “thợ đụng” vì ai kêu gì anh cũng nhận làm, từ bốc xếp, gánh nước thuê đến rửa ao tôm, sửa nhà cửa…, miễn có người mướn.
Trong những tháng ngày đi làm bốc vác ở cảng Bến Nghé (quận 7, TP.HCM), anh gặp chị Nguyễn Thị Kim Phượng bán hàng nước gần cảng, rồi nên duyên vợ chồng.
Niềm vui của anh Chánh là được chơi cùng con sau những giờ lao động vất vả. Ảnh: THANH TUYỀN
2. Hai người có với nhau một đứa con gái nhưng bi kịch lại xảy đến với anh một lần nữa. Bốn năm trước, trong một lần anh đi ra đầm tôm trước nhà, con gái chạy theo sau anh rồi không may trượt chân ngã xuống đầm. Anh í ới gọi mãi không thấy con trả lời, hai tay vung mạnh vào không gian trước mặt tìm kiếm nhưng vẫn không thấy con đâu. “Lúc đó tôi không dám nghĩ đến chuyện con mình té xuống đầm, cứ đưa tay ra không trung gọi tên con miết mà không thấy con đâu hết, một lúc lâu mới vào nhà kêu mọi người đến. Lúc đó, con gái tôi đã rơi xuống đầm rồi. Tôi nhảy xuống, nước lạnh lắm nhưng không thấy gì cả. Tôi nghe tiếng mọi người xung quanh bảo chiếc dép của con gái nổi lềnh bềnh trên mặt nước…” - anh Chánh nhớ lại.
Con gái mất đã bốn năm nay nhưng anh vẫn không ngừng trách chính mình. “Nếu đôi mắt không mù, con tôi đã không rơi vào hoàn cảnh đó. Nếu có thể nhìn thấy, tôi đã có thể nhảy xuống đầm mà cứu con. Số phận mình không may mắn rồi nhưng lại kéo theo cả đứa con gái. Hình ảnh đứa con mình rơi xuống đầm, chới với trong làn nước cứ ám ảnh trong đầu tôi…” - anh Chánh tâm sự.
Sợ vợ gục ngã, anh Chánh giấu nỗi đau đó cho riêng mình mà bước tiếp. Mới đây, một nhà từ thiện khi biết đến hoàn cảnh của anh đã hỗ trợ anh ghép giác mạc.
3. Nhưng sau khi mổ xong, hai mắt anh cũng không thể nhìn rõ hơn, chỉ nhìn thấy những vật ở gần mình. Chấp nhận hết mọi thử thách của cuộc đời, anh tiếp tục lao vào công việc để nuôi vợ con. Anh nhận trông coi đầm cho người ta, vét ao tôm rồi chạy việc vặt, vác củi thuê…
Với đôi mắt gần như mù, đã từng có người rủ anh chọn cách bế con nhỏ ra ngã tư đèn xanh đèn đỏ ngửa nón xin tiền nhưng anh Chánh nhất quyết không. Dù trái gió trở trời cỡ nào, ai kêu mướn việc gì, anh cũng lao đi. Đi, để mỗi ngày mong góp gạo cùng với vợ nuôi đứa con còn lại và có đủ 20.000 đồng để mua thuốc uống duy trì tia sáng le lói còn lại cho đôi mắt. Căn nhà nằm sát mé sông Soài Rạp mà anh đang ở cùng vợ và đứa con trai được cất lên bởi tấm lòng của nhiều người. Anh coi đó là ân tình, là mình mắc nợ cuộc đời quá nhiều…
Bên trong căn nhà nhỏ trơ trụi nằm sát mé sông Soài Rạp là sức sống bền bỉ, muốn được làm người tử tế của một người đàn ông từng chết đi sống lại nhiều lần.
Anh Đặng Văn Chánh là một trong những tấm gương vượt lên nghịch cảnh thường được mời đến giao lưu về khát vọng sống và truyền cảm hứng cho hàng trăm sinh viên TP.HCM. Lần gần đây nhất, anh được mời đến giao lưu trong chương trình giao lưu khát vọng sống tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. __________________________________ Chẳng ai được như nó đâu. Số phận không may, cứ thấy nó làm là thương lắm. Quần quật ngày đêm dù mắt chẳng thấy rõ. Ai kêu việc, nó đều làm được vì quen đường thôi chứ có nhìn thấy gì, mà đã làm là làm hết mình, chừng nào được như ý người ta thì mới thôi. Bà NĂM, hàng xóm của anh Chánh |